|
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, tham nhũng ở nước ta ngày càng khó phát hiện. |
Giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức
Tổng Thanh tra cho biết Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và luôn xác định công tác phòng chống tham nhũng là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2014 đạt kết quả tích cực trên một số mặt công tác.
Trong đó, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 có những hạn chế, cụ thể như việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm.
Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.
Theo Thanh tra Chính phủ, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu (lực lượng còn thiếu, tính chuyên nghiệp không cao, cơ cấu tổ chức chưa hợp lý).
Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành...
Trong số các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên, đáng chú ý là chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu thực hiện không đầy đủ, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa thật rõ ràng, cụ thể nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.
Hình thức tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp.
Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cam kết sẽ thường xuyên tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, làm cho thông tin được thông suốt, kịp thời phản ánh đúng tình hình và bản chất của sự việc, không đưa thông tin sai sự thật, gây dư luận không đúng về tình hình và những nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam.
Theo Tổng Thanh tra, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Bộ Luật hình sự liên quan đến tham nhũng theo hướng bổ sung một số tội danh về tham nhũng, quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đồng thời, tiến hành sơ kết, đánh giá về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng để có biện pháp về tổ chức và hoạt động của các cơ quan này, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để xử lý triệt để hơn các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm tiêu cực, tham nhũng.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi và bổ sung các tội danh về tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật phòng chống tham những với Bộ luật Hình sự (trong đó việc nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam), quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; quy định nghĩa vụ giải trình của người bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội tham nhũng và việc trả hồ sơ điều tra bổ sung...
Kê khai tài sản đạt hiệu quả thấp
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua đã được tiếp tục thực hiện và có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng.
Bốn giải pháp được đánh giá là có hiệu quả tích cực gồm: Cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhất là trách nhiệm giải trình trong việc thực thi công vụ); xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Hai giải pháp được đánh giá hiệu quả ở mức trung bình: Chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Ba giải pháp nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả thấp: Kê khai tài sản, thu nhập; đổi mới phương thức thanh toán và nộp lại quà tặng.