Mark PhillipYablonka, một PV chiến trường người Mỹ, đã từng “ăn dầm nằm dề” ở Việt Nam từ thời chiến tranh đến sau khi đất nước thống nhất. Khách sạn mà ông yêu thích nhất là khách sạn Continental. Ông đặt cho nơi đây biệt danh là “Grand Lady của các khách sạn ở Sài Gòn”. Ông viết thêm rằng: “Nếu những bức tường của Hotel Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều điều”.
Thực ra các “bức tường” chỉ là một cách nói cách điệu, mà chính vì có rất nhiều nhà văn, nhà báo từng ngụ tại khách sạn này nên những điều họ chứng kiến và kể lại trong các tác phẩm hay bài viết đã khiến khách sạn này được biết đến rất nhiều, hơn bất kỳ khách sạn nào tại Sài Gòn.
Khách sạn đầu tiên của đất Nam Kỳ
Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam và mở toang cửa ngõ đi vào các nước Đông Dương, họ cũng đã mở ra một trục du lịch mới ở Viễn Đông. Cùng với việc phát hiện ra quần thể Angkor (Đế Thiên Đế Thích) ở Campuchia năm 1860 gây sửng sốt cho cả thế giới, nhu cầu du lịch, khám phá Đông Dương trong giới quý tộc, giàu có Pháp tăng cao. Điều này khiến Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nảy ra ý định phải xây một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn để đón những khách hàng người Pháp lắm tiền nhiều của. Họ cần có nơi dừng chân sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ mẫu quốc, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm thuộc địa.
Ông ta đã chọn một lô đất rất đắc địa: Nằm giữa các bến cảng và thánh đường, thông qua con đường Catinat vốn là trục đường trung tâm huyết mạch bấy giờ, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất kéo xuống bờ sông. Nhà thờ Đức Bà lúc đó đang bắt đầu được xây dựng, Đức Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên năm trước thì năm sau khách sạn cũng được khởi công. Mất hai năm xây dựng và hoàn thành vào giữa năm 1880, gần như cùng lúc với nhà thờ Đức Bà. Khoảng đất trống mênh mông đối diện với khách sạn nếu nhìn về hướng bờ sông, vốn được gọi là Esplanade - tức khoảng đất dạo chơi nằm giữa tòa thành quân sự và TP, sẽ là nơi Nhà hát TP được xây cất lên vào năm 1911 khiến khách sạn gia tăng một cách đáng kể giá trị. Bởi hiếm có địa điểm nào trong Sài Gòn lúc đó có góc nhìn đẹp được như vậy.
|
Khách sạn thời Pháp thuộc. |
Sang trọng và chất lượng như chính quốc
Khách sạn, giống tất cả kiến trúc Âu châu trong TP, được mở ngỏ hướng ra bên ngoài. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ.
Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, khách sạn thiết kế vuông vức, trong đó có một khoảng sân ở giữa. Những dãy phòng bên trong đều quay mặt về khoảng sân này. Và giữa sân, người ta trồng rất nhiều cây hoa sứ (hoa đại), loại cây vùng nhiệt đới.
Tầng một của khách sạn đặt một sòng bài, nơi mà có người gọi là “cercle européen” (câu lạc bộ Âu châu), còn Franchini (ông chủ của khách sạn từ năm 1930 đến 1975) gọi là “cercle privé” (câu lạc bộ riêng), nơi mà các nhà quản trị hành chính, lữ khách, chủ đồn điền và chủ ngân hàng họp mặt thường lệ, vừa vì thói quen ham chơi bài cũng như vừa để sống lại kỷ niệm của đời sống mẫu quốc.
Nhà hàng cũng là nơi giới thiệu những đầu bếp xuất sắc với phong cách ẩm thực phương Tây. Các bữa tiệc với sự thừa thãi của các đĩa thức ăn và sự hào phóng của phân lượng là bản tuyên ngôn đích thực của chủ nghĩa dân tộc trong sự nấu nướng. “Ngon như ở Pháp” là khẩu hiệu của nhà hàng suốt gần trăm năm. Trong những buổi chiều tà, nơi đây rực sáng ánh đèn với những quý bà quý ông thanh lịch ăn uống, trò chuyện, lướt đi khiêu vũ trong tiếng nhạc. Con đường Catinat hoa lệ đã mọc lên khá nhiều quán cà phê và tiệm rượu, trở thành tâm điểm giải trí khi màn đêm xuống. Nhưng chỉ ở quầy rượu nhà hàng Continental mới là nơi mà Kim Lefevre, một nhà văn từng sống thời gian dài ở Sài Gòn, khẳng định: Người ta thường giao thiệp với những phụ nữ thanh lịch nhất của Sài Gòn ở đây.
Những vị khách nổi tiếng
Đã có rất nhiều người nổi tiếng từng đến ở trong khách sạn này, từ ông hoàng nước Nga cho đến vũ công nước Pháp, khó có thể liệt kê hết như thi hào Tagor, nhà văn Andre Malraux, Somerset Maugham, diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss, cựu Tổng thống Pháp Chirac…
Có hai căn phòng rất đặc biệt trong khách sạn: Đó là phòng 214, nơi nhà văn người Anh Graham Greene trong thời gian lưu trú dài hạn tại đây đã thai nghén ý tưởng và viết hầu hết tác phẩm nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng, câu chuyện về buổi giao thời của người Pháp và Mỹ tại Sài Gòn. Và phòng 307, nơi thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng từng lưu trú khá dài.
Việc nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thường xuyên lui tới khách sạn Continental, cũng như hay “ngồi đồng” ở tiệm cà phê Givral xéo bên đường đến mức ông được đặt biệt danh là “tướng Givral” do khách sạn là nơi thường xuyên lui tới của giới quan chức, sĩ quan, nhất là cánh báo chí phương Tây… để họp bàn, trao đổi công việc. Không một nơi nào giúp thu thập các nguồn tin tốt hơn thế cho công việc tình báo.
Qua nhiều lần đổi tên
Khách sạn cũng đã mấy lần đổi tên, những năm 1960, chính quyền Việt Nam Cộng hòa yêu cầu phải có tên tiếng Việt nên khách sạn có thêm tên là Đại Lục lữ quán. Sau năm 1975 đổi tên thành khách sạn Hải Âu, chẳng liên quan gì đến tên gốc cả. Sau này mới lấy lại tên cũ.
Trải qua gần 140 năm, kiến trúc của khách sạn không thay đổi đáng kể. Vẫn giữ nguyên chiều cao khiêm tốn chỉ một trệt, ba lầu. Dù có chút thay đổi về cửa sổ nhưng phong cách vẫn như cũ với màu trắng sang trọng ngày xưa. Nhà hàng chính La Fayette được đầu tư theo chuẩn quốc tế, với không gian sang trọng cổ điển. Nhà hàng sân vườn Continental Patio - nơi những cây sứ ngày xưa nay đã hơn 130 tuổi - có sức chứa đến 500 khách, nay là nơi lý tưởng để đãi tiệc hay tổ chức sự kiện, ra mắt sản phẩm. Bầu không khí “đặc sắc thời thuộc địa” đã được tái tạo nhằm lôi cuốn giới du khách tìm kiếm sự hoài niệm thời thuộc địa trong thế kỷ 21.
Đã từng có chủ nhân là người Việt
Năm 1911, khách sạn được gia đình Cazeau sang tên cho công tước De Montpensier, người được cho là đã bỏ tiền xây dựng lầu Ông Hoàng tại Phan Thiết. Đến năm 1930, có chủ mới là Mathieu Franchini, một người đến từ đảo Corse.
Mathieu Franchini là một người Pháp bị chính đồng bào của mình khinh rẻ, thứ nhất vì anh là dân đảo Corse, thứ hai vì anh ta không có tiền hay nói thẳng ra là nghèo. Anh ta rời Pháp để đến một nước thuộc địa Pháp với hy vọng kiếm tiền dễ dàng ở nơi màu da của anh ta được đánh giá cao hơn. Cách đi để khỏi tốn tiền mua vé rất đơn giản, anh ta xin làm bồi bàn cho một con tàu sang Việt Nam và xin nghỉ việc khi tàu cập cảng Sài Gòn. Sau đó tìm một việc gì đó và kết bạn, giao du để tìm cách cưới một phụ nữ bản địa con nhà giàu muốn có chồng Pháp.
Người phụ nữ đó là cô Lê Thị Trọng, con gái của Đốc phủ sứ giàu có Lê Văn Mầu, người đứng đầu quận Chợ Gạo của Mỹ Tho, đồng thời cũng là chủ của cù lao Năm Thôn (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp). Đốc phủ Mầu đã bỏ số tiền rất lớn để mua lại khách sạn Continental từ năm 1920 để làm của hồi môn cho con gái. Mathieu Franchini sau khi cưới cô Trọng đã đứng ra điều hành toàn bộ như một ông chủ.
Người ta gọi Mathieu Franchini là gangster bởi vì ngoài kinh doanh khách sạn, ông ta còn làm ăn nhiều chuyện không đứng đắn. Sau năm 1954, Mathieu Franchini móc nối với lực lượng Bình Xuyên, thậm chí Siemon Netto, phóng viên thường trực của tạp chí Thế Giới (CHLB Đức) tại Nam Việt Nam, còn quả quyết rằng ông ta có dính dáng vào hơn một nửa nhà chứa ở Sài Gòn. Khi chế độ Ngô Đình Diệm bị đổ, cũng là lúc Franchini ngã bệnh và chết vào năm 1965. Con trai ông ta, Philippe Franchini, người mang hai dòng máu Việt-Pháp đã đứng ra tiếp tục điều hành khách sạn cho đến năm 1975.
Sau khi khách sạn bị quốc hữu hóa, Philippe Franchini trở về Pháp, thành sử gia và viết hơn 10 cuốn sách về Việt Nam, nơi ông đã sinh ra và hiểu về từng ngọn cỏ gốc cây của xứ sở này. Trong đó cuốn sách Continental Saigon được in năm 1976 bởi NXB Ed Métaili tại Paris.