Dịch COVID-19: Mất việc, khó khăn… kiến nghị của người lao động

Google News

Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy thực tế tình trạng người lao động mất việc, cuộc sống vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Mới đây, khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện vào đầu tháng 8/2021 trên 69.000 người lao động cho thấy, có đến 62% đang bị mất việc làm và cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4.
Mất việc, chi phí tăng… người lao động khốn khó
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 62% trong tổng số hơn 69.000 người tham gia trả lời cho biết hiện đang mất việc làm (trên 42.700 người). Trong đó, 50% người bị mất việc từ 1-3 tháng, số người mất việc trên 6 tháng là 15%. Tỷ lệ mất việc làm tăng dần theo nhóm tuổi. Nhóm tuổi từ 16 đến 30, tỷ lệ mất việc làm là 56,3%, nhóm tuổi từ 31 đến 45 tuổi và nhóm tuổi từ 46 đến 60 tuổi có tỷ lệ mất việc là trên 60%. Nhóm tuổi trên 60 tỷ lệ mất việc là 76%.
Dich COVID-19: Mat viec, kho khan… kien nghi cua nguoi lao dong
Ảnh minh họa. 
Trong đó, tỷ lệ mất việc cao nhất trong ngành xây dựng, chiếm 66,8%; tiếp đó là ngành dịch vụ 63%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 59,4% và thấp nhất là ngành công nghiệp 48,4%. Trong khu vực kinh tế dịch vụ, tỷ lệ mất việc cao nhất (87%) thuộc nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch; dịch vụ giúp việc, bảo vệ. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động mất việc ở trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 33,1%, chủ yếu là tại các phòng khám tư nhân. Tỷ lệ lao động mất việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 52,2%, phần lớn là lao động làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân hoặc các trung tâm dạy nghề hoặc kỹ năng…
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết: “Để tìm hiểu về các chi phí phát sinh do tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ tư mà người lao động phải chi trả, chúng tôi đã đặt câu hỏi trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, ngoài các chi phí sinh hoạt tối thiểu thông thường, có phải gánh thêm các chi phí phát sinh khác do dịch không?"
Dich COVID-19: Mat viec, kho khan… kien nghi cua nguoi lao dong-Hinh-2
 
Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều gia đình phải mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, chi phí tiền điện, tiền internet, tiền kết nối 3G, 4G tăng lên... để cho con học trực tuyến. Bên cạnh đó, chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly giữa các vùng là chi phí phát sinh cao thứ hai. Trong bối cảnh dịch kéo dài, người lao động có khi phải tự trả chi phí xét nghiệm COVID-19 để xác nhận khi di chuyển giữa các tỉnh/thành phố nên đây là khoản chi phí phát sinh cao thứ 3. Chi phí trả cho cá nhân người lao động hoặc cho người thân của họ trong khu vực cách ly chiếm 13,3% số người lao động trả lời. Chi phí này gồm chi phí tự trả khi người bị cách ly lựa chọn cơ sở cách ly có trả tiền, hoặc chi phí gửi đồ ăn vào các khu vực cách ly của nhà nước.
Ngoài ra, gần 15% số người trả lời khảo sát cho biết, có chi phí phát sinh khác gồm chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng. Người lao động, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cũng như những lao động trong các thành phố đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, Đà Nẵng phản ánh, khoản chi dành cho lương thực, thực phẩm, dù duy trì mức sinh hoạt tối thiểu nhưng họ phải trả cho giá lương thực, thực phẩm “tăng phi mã”, “tăng đột biến”, “tăng gấp hai, gấp ba”...
Bên cạnh đó, chi phí điện, nước tăng đột biến khi con cái học online ở nhà và bản thân họ phải làm việc online ở nhà. Các chi phí thuê nhà, lãi vay ngân hàng đối với người mua nhà lần đầu mặc dù không tăng, nhưng lại là gánh nặng rất lớn đối với lao động mất việc, hoặc có việc nhưng tiền lương giảm. Họ không có nguồn tiền đều đặn từ tiền lương, thu nhập để chi trả cho khoản chi này.
Chủ yếu vẫn từ nguồn hỗ trợ của người thân
Mất việc, người lao động có thể nhận được một hoặc nhiều nguồn hỗ trợ như từ gói hỗ trợ của Nhà nước, từ sự hỗ trợ tài chính của công ty nơi họ làm trước đây, sự trợ giúp của người thân/gia đình và sự trợ giúp của làng xóm/tổ chức nhân đạo.
Khảo sát cho thấy, có đến 45% trong tổng số trên 42.700 người bị mất việc làm phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Tỷ lệ lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty chỉ đạt hơn 5%. Trong khi đó, số lao động mất việc do ảnh hưởng COVID-19 được tiếp cận với gói hỗ trợ của nhà nước là nhỏ nhất, chỉ đạt 2%. Đáng lưu tâm là số người lao động bị mất việc làm nhưng không nhận được sự trợ giúp chiếm tới 39,6% và có đến 48,2% số người mất việc trả lời không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước có truyền thông về các gói hỗ trợ trên phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, số tiền thực sự đến được tay người lao động tự do mất việc/người nghèo quá ít. Hiện có rất nhiều người là lao động tự do, người kinh doanh, bán hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Dich COVID-19: Mat viec, kho khan… kien nghi cua nguoi lao dong-Hinh-3
 
Người lao động mất việc đề xuất, kiến gì những gì?
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, đối với chính sách trợ cấp/hỗ trợ trực tiếp người lao động đề xuất, các cấp chính quyền nên có hình thức trợ cấp phù hợp, đúng đối tượng. Các gói hỗ trợ đối với công nhân nên thông qua các công ty để lên danh sách người được thụ hưởng do mất việc.
“Nhiều công nhân ở trọ không có địa chỉ tạm trú rõ ràng, bị mất việc và không rành về thủ tục nên không phải là đối tượng hỗ trợ, hoặc nếu muốn được hưởng hỗ trợ phải chứng minh bằng các giấy tờ với các yêu cầu xác nhận, trong khi đó, nhiều nơi thực hiện giãn cách, người lao động không đi lại được. Cần có công văn thông báo gửi cho doanh nghiệp, đồng thời cập nhật thông tin trên ứng dụng bảo hiểm xã hội điện tử để người lao động cùng nắm thông tin”, báo cáo nêu.
Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp trì trệ hoặc khó khăn trong khâu bổ sung hồ sơ nên các lao động do doanh nghiệp cho tạm nghỉ việc chưa thể nhận được nguồn trợ cấp từ gói hỗ trợ của Chính phủ, cần đơn giản hóa thủ tục cho mọi người dân có thể nhận được hỗ trợ. Nhà nước có thể mua hàng hóa của người nông dân để phát cho người dân, công khai, minh bạch công tác phát tiền trợ cấp tại các phường/xã, cấp phát khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách, ai không có ăn thì cần cấp phát khẩn cấp ngay không phân biệt đối tượng, không đòi hỏi giấy tờ, nếu có như vậy, người lao động bị mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện việc giãn cách xã hội.
Đồng thời, tăng tốc tiêm chủng vắc xin bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm. Có một thực tế, hiện một số quận tại TP. HCM quá cứng nhắc, bắt buộc phải có tạm trú/hộ khẩu, gây khó khăn cho người dân muốn tiêm và giảm tốc độ phủ vắc xin của thành phố…
Người lao động cũng có nhiều đề xuất để giải quyết các khó khăn về thu nhập, công việc; đề xuất liên quan đến các khoản thuế, phí, lãi vay; tháo gỡ khó khăn trong đời sống sinh hoạt, người lao động đề xuất; các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của lao động tự do, của hộ gia đình; các chính sách trong công tác chống dịch; tháo gỡ khó khăn trong di chuyển, lưu thông hàng hóa…
>>> Mời độc giả xem thêm video Hỗ trợ cấp bách xây bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)