Đi tìm "cha đẻ” của 3 con rắn khổng lồ trên đỉnh núi Mằn

Google News

Lần theo câu chuyện thờ thần Rắn của người dân, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá sự liêu trai, kỳ bí của núi Mằn ở Hoành Bồ - Quảng Ninh.

Đi tìm "cha đẻ" của 3 con rắn khổng lồ
Tiếp tục câu chuyện về bà lão già trong ngôi miếu Rắn mà VTC News đã đưa trước đó, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá núi Mằn. Quả thật, đúng như những lời bà Chiện kể, chị Thanh - Phó phòng Văn hóa huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) chính là người nắm giữ tất cả những câu chuyện kỳ bí ở núi Mằn.
 Cuốn sách ghi chép lại bí mật của núi Mằn được lưu giữ tại phòng Văn hóa huyện Hoành Bồ - Quảng Ninh.
Trong căn phòng làm việc ở trụ sở huyện Hoành Bồ, chị Thanh lấy ra một cuốn sách được viết bằng chữ Nôm (có phụ đề tiếng Việt) cho chúng tôi xem. Lần theo câu chuyện mà chị Thanh kể, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ở núi Mằn.
Người gánh đá lấp Vịnh Hạ Long
Ở vùng đất Quảng Ninh thời sơ khai không có địa danh Hạ Long hay Hòn Gai. Còn ở Hoành Bồ ngày xưa chỉ có một cặp núi Mằn (núi Thiên Bân) và núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ). Núi Mằn và núi Bài Thơ theo truyền thuyết là một cặp núi song sinh của ông Khổng Lồ gánh đá lấp biển.
Núi Mằn hay còn gọi là núi Thiên Bân (xã Thống Nhất - Hoành Bồ - Quảng Ninh). 
Từ xa xưa, khi loài người còn mông muội, ông Khổng Lồ ông ngồi trên đỉnh núi Vua (hay còn gọi là Thành cổ Lỗ Kỳ) nhìn ra toàn bộ Vịnh Hạ Long. Ông thấy duy nhất Hoành Bồ là địa điểm bị nước biển ăn sâu vào trong đất liền, ngấm tận lên vùng rừng, vào cả các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông nhìn thấy tương lai vùng đất này có thể trở thành cánh đồng mênh mông, đất đai màu mỡ, người dân quanh năm khoai lúa đầy bồ. Tuy nhiên, nước biển ăn sâu nên sẽ thường xuyên xảy ra lũ lụt. Vì thương dân nên ông xin thiên đình cho 3 ngày để lấp toàn bộ Vịnh Hạ Long đi.
Theo chị Thanh: "Câu chuyện ông Khổng Lồ gánh đá lấp biển là có sử tích chứ không phải rồng hạ, rồng bay như mọi người sáng tạo ra. Đây là câu chuyện lưu hàng châu, hàng tổng và được những người hàng trăm tuổi kể lại".
Ông Khổng Lồ xin 3 ngày để lấp Vịnh Hạ Long. Làm đến ngày thứ 2 thì biển động ầm ầm, Long Vương mới sai thủy thần của mình lên để dò xét, thám thính. Để đối phó với ông Khổng Lồ, Long Vương nghĩ ra một kế là tìm thần Kê (thần gà) có thể gáy vào canh 2. Bình thường là gà gáy vào canh 3 thì thần Kê vào canh 2 đã phải gáy rồi. Việc gánh đất lấp biển còn chưa xong, thì tiếng gà gáy, hết thời hạn 3 ngày, nên ông Khổng Lồ dừng lại.
Long Vương thấy rằng, mặc dù chưa lấp vịnh xong nhưng mà nếu nước biển vẫn tràn vào thì có nguy cơ ông Khổng Lồ sẽ quay lại và lấp hoàn toàn vùng Vịnh Hạ Long. Thế là, Long Vương bèn du cho những hòn đảo xen kẽ, để nước nó đan xen, hài hòa lẫn nhau. Bởi vậy, trước khi vào vịnh Cửa Lục nó tạo thành dòng chảy bạc lưu không gây nguy hiểm cho người dân.
Đến ngày thứ 3 đi làm, ông Khổng Lồ mới mang theo một nắm cơm. Thấy gà gáy, tưởng là mình hoàn thành nhiệm vụ nên ông quay về núi Vua để nghỉ. Nắm cơm không kịp ăn, ông úp nó xuống cạnh núi Mằn tạo thành một ngọn đồi y như hình nắm cơm. Bây giờ địa danh đó được gọi là đồi Nắm Cơm.
Ở gánh đất cuối cùng, những cái mắc sọt của ông rơi xuống tạo thành những hòn đảo lớn nhỏ không đều trên Vịnh Hạ Long.
Gà gáy báo hiệu một canh thì ông dừng lại để nghe. Chỗ ông đứng tạo thành vết chân ông Khổng Lồ (vết chân mà cô gái đẹp nhất Hoành Bồ ướm phải sinh ra 3 ông Rắn).
Nơi người dân thường thả một quả bưởi ở hang ông Cộc trong lễ Đại Kỳ Phúc, 3 ngày sau nó sẽ trôi về hang ông Dài. 
Gà gáy tiếng thứ 2, ông vội quay cái đòn gánh lại thì nó gẫy làm đôi. Một gánh rơi về xã Xích Thổ gọi là núi Bân, một bên rơi về phía xã Hiệp Khẩu gọi là núi Bài Thơ. Hai ngọn núi đều có hình đại tượng giống hệt nhau.
Trong cuốn "Đồng Khánh dư địa chí khoán sử triều Nguyễn" có ghi chép lại: "Núi Bân thuộc xã Xích Thổ, chỉ có núi này là núi đá lèn cao vách dựng. Phía đông có khe Bân, phía tây có khe Bạch Thạch đáng gọi là danh thắng. Núi Bài Thơ là một núi đá có cảnh sắc tươi đẹp".
Hình con đại tượng núi Bân chúc vòi xuống khe Bân uống nước, còn con đại tượng núi Bài Thơ thì chúc vòi xuống biển uống nước. Từ đó, người dân địa phương quan niệm là vạn vật được sinh ra bắt nguồn từ đất và nước ngọt.
Đi tìm cha đẻ của 3 ông Rắn
Theo quan niệm "trúng đại độc tiểu", tức là nhiều ngọn núi cao thì huyệt đạo lại là một ngọn núi thấp. Khi lên đỉnh Kỳ Thượng, nhìn xuống toàn bộ thành phố Hạ Long thì thấy toàn bộ núi Mằn như một quả trứng nằm giữa vịnh Cửa Lục (nối hai bờ Hòn Gai - Bãi Cháy (TP. Hạ Long) trước khi nước biển đổ sâu vào trong đất liền. Chính vì vậy, núi Mằn được coi là đại huyệt mạch của vùng đất Quảng Ninh.
Miếu ông Dài - Một trong 3 vị Thần Rắn ở Hoành Bồ - Quảng Ninh. 
Lại nói về vết chân khổng lồ dưới chân núi Mằn, sau khi người còn gái họ Hoàng ướm phải đã mang thai bọc trứng. Ít lâu sau thì nở ra 3 con rắn khổng lồ nhìn rất hung dữ. Đúng như lời bà Chiện kể trước đó, chị Thanh - Phó phòng Văn hóa huyện xác minh 3 ông Rắn thiêng được người dân lập đền thờ chính là 3 vị Thủy thần, con của ông Khổng Lồ và người con gái đẹp nhất Hoành Bồ.
Cách miếu ông Cộc khoảng 15 cây số, miếu ông Dài cũng nằm ngay cạnh dòng sông (xã Thống Nhất), nơi hợp long của 3 dòng nước ngọt. Ông Dài được phân chia cai quản một đoạn sông dài, mênh mông sóng nước. Miếu ông Loang cách đó xa hơn nên chúng tôi chưa có dịp được đặt chân tới.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về sự tích ông Khổng Lồ, vị thần núi Mằn và 3 ông Rắn mới giải thích rõ tín ngưỡng thờ Thủy thần của người dân địa phương. Người Việt rất coi trọng vị thần Mẫu Thoải bởi xuất phát từ nền văn hóa lúa nước.
Sự tích miếu ông Cộc, ông Loang, ông Dài cũng giải thích một quy luật tự nhiên của dòng sông ngầm, xuyên qua các dãy núi, giải thích về quy luật dòng sông chảy ngược, quy luật về dòng thủy lưu.
Đoạn sông bên cạnh miếu ông Dài, nơi mà người dân thường vớt được 3 quả bưởi trong lễ Đại Kỳ Phú. 
Vào ngày 13, 14, 15 tháng 11 âm lịch hàng năm, người dân Hoành Bồ tổ chức lễ Đại Kỳ Phúc. Trong ngày lễ này, người ta khắc vào 3 quả bưởi và thả xuống dòng sông ngầm ở miếu ông Cộc, ông Loang, chỗ dòng sông thờ Mẫu ở núi Mằn. 3 ngày sau tất cả các quả bưởi đó đều chảy về miếu ông Dài, nơi hợp long của 3 dòng sông.
Khi 3 quả bưởi cùng chảy về một điểm, theo quan niệm của người dân là lời cầu khẩn đến thần linh đã ứng nghiệm. Nó cũng ngầm lý giải cho tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thủy thần hình thành xuất phát ở vùng núi Hoành Bồ (Quảng Ninh) từ thời xa xưa.
Mời quý độc giả xem video về hầm bí mật của biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Kim Thược - Đức Thuận/VTC News

Bình luận(0)