Đi chợ hộ không phải nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang

Google News

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định như vậy tại buổi họp báo chiều nay 29/8.

Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Mở đầu buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở TT&TT Từ Lương cho biết, sẽ cung cấp thông tin sau 7 ngày giãn cách xã hội mức cao hơn Chỉ thị 16 tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, trong 24h qua, các cơ quan báo chí đã gửi tới Ban tổ chức các vấn đề cần được giải đáp và thông tin như sau:
Thứ nhất, số ca mắc mới, tử vong; kết quả tiêm chủng và thông tin về túi thuốc. Thứ hai, lưu lượng giao thông trong bảy ngày qua và số lượng người dân ra đường. Thứ ba, kết quả nổi bật sau bảy ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Di cho ho khong phai nhiem vu chinh cua luc luong vu trang
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin đến báo chí. Ảnh: TTBC.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho hay, hôm nay là ngày thứ 7, TP.HCM thực hiện Công điện của Thủ tướng và Chỉ thị 11.
Theo ông Hải, tính đến hết ngày 27/8, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với vùng cam, vùng đỏ. Riêng đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vàng, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ với kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%.
Nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các nội dung cụ thể.
Thần tốc hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, xác định công tác phòng, chống dịch hiện nay lấy phường, xã, thị trấn làm pháo đài chống dịch, trong đó, công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt.
Vì vậy, trong thời gian tới, giao Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phụ trách với phương châm thần tốc, hiệu quả, an toàn, đảm bảo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Di cho ho khong phai nhiem vu chinh cua luc luong vu trang-Hinh-2
 TP.HCM đang đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Trương Thanh Tùng
UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn chủ động tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ tham gia lấy mẫu và khuyến khích người dân tự lấy mẫu (đối với test nhanh), đảm bảo tiến độ.
Các vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng đến hết ngày 30/8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 (thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, trong đó mẫu gộp 10 đối với vùng xanh, vùng cận xanh và mẫu gộp 5 đối với vùng vàng), do các đội lấy mẫu được tập huấn thực hiện. Sau khi kết thúc đợt 1, thực hiện tiếp đợt thứ hai để phân loại lại các vùng nguy cơ.
Các vùng đỏ, vùng cam: đến hết ngày 1/9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2, kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu (test nhanh mẫu đơn).
Các địa phương rà soát lại nguồn lực nhân lực lấy mẫu xét nghiệm; huy động lực lượng tại chỗ, kể cả đối với người đã khỏi bệnh tham gia thực hiện. Nếu cần bổ sung nhân sự lấy mẫu, khẩn trương đề xuất cụ thể gửi về Tổ điều phối nguồn nhân lực TP (Sở Nội vụ) để hỗ trợ.
Đề nghị mỗi phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP Thủ Đức phải phân công nhân sự chịu trách nhiệm làm công tác thống kê, báo cáo (không giao cán bộ, nhân viên y tế thực hiện báo cáo số liệu để tập trung công tác chuyên môn), đảm bảo báo cáo đầy đủ nội dung và thời gian theo yêu cầu của TP; tiến hành đánh giá lại vùng nguy cơ sau khi kết thúc các đợt xét nghiệm vào ngày 6/9.
Chi tiết số liệu trong phòng, chống dịch ngày thứ 7
Về y tế, theo ông Phạm Đức Hải, tổng số trường hợp mắc Covid-19 tính đến 6h ngày 29/8 là 205.466 ca được Bộ Y tế công bố, bao gồm 205.023 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 443 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 40.259 bệnh nhân, trong đó: có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 28/8 có 2.246 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 104.844); 256 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 8.624).
Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 27/8 đến 18h 28/8 đã lấy 366.423 mẫu, trong đó có 8.586 mẫu đơn và 9.304 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 290.093.
Về tiêm chủng vắc xin, ông Hải thông báo, tổng số mũi vắc xin đã tiêm đến ngày 28/8/ là 5.865.276 (tăng 58.286 mũi vắc xin so với ngày 27/8). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 632.073.
Về an sinh, ông Hải thông tin, tại kho Mặt trận Tổ quốc TP đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu của các tỉnh thành, các doanh nghiệp và các mạnh thường quân hỗ trợ.
Hàng nhu yếu phân phối đến các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, và nhiều nơi khác.
Di cho ho khong phai nhiem vu chinh cua luc luong vu trang-Hinh-3
Bộ đội luồn hẻm, trao quà cho các F0. Ảnh: Đoàn Nga 
Trung tâm An sinh TP đã chuyển 115.973 túi an sinh đến các quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn.
Chương trình SOS của Trung tâm an sinh TP đã hỗ trợ 941 phần quà và 394 lốc sữa cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp.
Lũy kế, tính từ ngày 15 - 29/8, tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, TP Thủ Đức là 960.210 túi.
Đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho hơn 273.000 phòng trọ với số tiền hơn 158 tỷ đồng.
MTTQ TP đã cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân để tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng theo ông Hải, trong 7 ngày qua, thành phố đã lập biên bản, xử phạt gần 6.300 trường hợp với tổng số tiền là 8,869 tỷ đồng.
Về số ca mắc, ông Hải cho biết, số ca phát hiện 7 ngày qua tăng cao, mỗi ngày bình quân 4.740 ca F0.
Tính đến 29/8, TP.HCM đã tiếp nhận 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động; 786 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an; 11.177 chiến sĩ, y bác sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu tham gia chống dịch.
Về việc tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng, đối tượng nghiện ma túy, ông Hải liệt kê:
Tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang, sinh sống nơi công cộng vào trung tâm hỗ trợ xã hội trong ngày là 80 người (lũy kế từ 23/8 đến 29/8 là 740 người); tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy là 13 người (lũy kế từ ngày 23/8 đến 29/8 là 90 người).
Ông Hải cũng thông tin, TP cử đoàn công tác xuống TP Thủ Đức và 21 quận huyện, với nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp thông tin, động viên, đôn đốc, đề xuất, giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; những mặt còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên từng địa bàn. Đồng thời, tham gia, hỗ trợ thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Vẫn đang đề xuất cho shipper được hoạt động
Trao đổi vấn đề tăng cường shipper hoạt động, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hôm qua có sự trao đổi về đề xuất cho shipper hoạt động, tới thời điểm hiện nay chưa nhận được chỉ đạo của TP, nên chưa thể trả lời được.
Về đi chợ hộ, phát lương thực người khó khăn, ông Phương cho biết TP với chủ trương không để ai thiếu đói, nên các tổ công tác đã nỗ lực đưa túi an sinh đến với người dân.
Ông Phương cũng thừa nhận có vài nơi, vài địa bàn có việc chậm hoặc chưa phát lương thực, túi an sinh đến kịp thời. Do đó, ông khuyên người dân có thể gọi các số điện thoại được cung cấp của tổ công tác để kịp thời cho công tác phân phát túi an sinh.
Quy trình sử dụng gói điều trị F0 tại nhà
Về thuốc kháng virus, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết, TP phát túi thuốc cho F0 gồm ba túi. Túi A gồm 2 loại là hạ sốt và vitamin; túi B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông; túi C là thuốc Molnupiravir.
Về quy trình, khi phát hiện F0, tổ y tế lưu động tiếp cận lần đầu sẽ phát túi A và B. Túi A dùng trong 7 ngày, túi B dùng trong 3 ngày.
Ông Tâm cho biết, thuốc kháng viêm và kháng đông là thuốc điều trị sử dụng trong điều kiện đặc biệt. Thuốc này dùng khi có dấu hiệu khó thở, hồi hộp, tim nhanh, thở nhanh, SpO2 dưới 95% thì F0 hoặc người nhà phải gọi cho nhân viên y tế.
Trong khi chờ có thể dùng 1 liều đầu tiên và phải tiếp tục gọi nhân viên y tế chứ không được tự xử lý.
Túi C là thuốc không phát cho tất cả F0. Nhân viên y tế sẽ giữ và khi tiếp cận được F0. Họ khám, tìm hiểu sơ bộ tình hình của F0. Nếu đúng chỉ định là F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì cho sử dụng. Thuốc này phải được kiểm soát chặt chẽ vì có một số chống chỉ định như phụ nữ mang thai, cho con bú…
Ông Tâm cho biết, chỉ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ thăm khám, chỉ định mới được sử dụng. Thuốc này dùng tối đa 5 ngày.
Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang
Ông Phạm Đức Hải cũng thông tin kỹ về nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang tăng cường cho TP. Cụ thể: Thứ nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan khác tuyên truyền, vận đồng người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16.
Di cho ho khong phai nhiem vu chinh cua luc luong vu trang-Hinh-4
Đi chợ hộ không phải là nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang. 
Thứ hai, cùng tham gia chốt chặn tuần tra, kiểm soát. Thứ ba, tham gia xét nghiệm, tiêm ngừa, sơ cấp cứu… Thứ tư, phát túi an sinh và cuối cùng là một số nhiệm vụ khác (có đi chợ hộ).
Ông Hải khẳng định, đi chợ hộ không phải là nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang.
Theo ông, việc đi chợ hộ chưa có trong lịch sử, là bài toán đa biến nên nếu không hài lòng hết, bà con cũng nên điều chỉnh thói quen sử dụng, ăn uống của mình trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 67.407/68.860 lao động (đạt tỷ lệ 97,89%), kinh phí hỗ trợ 140.995.600.000 đồng;
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 193/193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 396.400.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm:
Chốt việc chi hỗ trợ Đợt 1 (ngày 08/8/2021): 365.794/365.794 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 548.691.000.000 đồng.
Đợt 2: 547.220/1.003.362 lượt lao động (đạt tỷ lệ 51,19%), kinh phí hỗ trợ 820.830.000.000 đồng.
Tổng cộng 2 đợt: 1.369.521.000.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861/5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11.722.000.000 đồng
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 20.829/21.166 (đạt tỷ lệ 98,41%) kinh phí 32.350.770.000 đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060.492.875.247 đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 156 đơn vị với 31.036 người lao động, kinh phí hỗ trợ 238.134.258.565 đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139/139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 515.690.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 338/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 1.253.980.000 đồng.
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả: 362.180/1.223.973 hộ (đạt tỷ lệ 30%), kinh phí 527.026.800.000 đồng (từ ngân sách: 408.915.000.000 đồng, từ nguồn của Ủy ban MTTQ: 118.111.800.000 đồng).
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.776/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,8%), kinh phí 58.703.200.000 đồng (từ ngân sách: 39.047.000.000 đồng, từ nguồn của Ủy ban MTTQ: 19.656.200.000 đồng).
Theo Hồ Văn/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)