Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2013, 2014 EVN đã xin Nhà nước phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào giá điện với lý do lỗ tỷ giá. Đây là cơ chế xin cho không nên có của một nền kinh tế thị trường. Lỗ tỷ giá là lỗ do công tác quản lý yếu kém mà lại bắt dân chịu là vô lý. Đừng lấy tư tưởng độc quyền, bao cấp mà hành dân như vậy!
Quản lý yếu kém mà lại bắt dân chịu là vô lý!
Theo ông cách tính giá điện lũy tiến 6 bậc như hiện nay đã phù hợp chưa?
Cách tính giá điện theo bậc lũy tiến là đúng song cần phải xem xét lại khoảng cách giữa các bậc và hệ số giữa các bậc. Ở các nước, người ta vẫn tính giá điện theo cách tính lũy tiến để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện, giữ gìn môi trường. Song cách tính phải phù hợp, công khai minh bạch giá trong từng khâu và cách tính giá thành điện bán lẻ.
Như vậy ý ông là người tiêu dùng điện Việt Nam đang chịu thiệt thòi?
Bản chất vấn đề ở đây là khâu quản lý đối với ngành điện của ta còn mang quan niệm hành chính bao cấp. Ngành điện vẫn mặc định rằng Nhà nước phải lo cho dân chứ chưa coi việc sản xuất, phân phối điện như một lĩnh vực kinh doanh thực sự. Khách hàng không phải là thượng đế nên việc định giá còn mập mờ, không rõ ràng.
Trong năm 2013, 2014 EVN đã xin Nhà nước phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào giá điện với lý do lỗ tỷ giá. Đây là cơ chế xin cho không nên có của một nền kinh tế thị trường. Lỗ tỷ giá là lỗ do công tác quản lý yếu kém mà lại bắt dân chịu là vô lý. Đừng lấy tư tưởng độc quyền, bao cấp mà hành dân như vậy!
Nếu so sánh giữa số tiền người dân bỏ ra với chất lượng sử dụng điện liệu có tương xứng không thưa ông?
Theo tôi, chi phí mà dân bỏ ra không tương xứng với chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.
|
PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên trường Học viện Tài Chính nói về đề xuất mức giá bán điện mới của EVN. |
7 lần tăng giá không có sự đồng thuận của dân
Ngành điện cần phải làm gì trước khi định giá điện bán lẻ thưa ông?
Điều cần thiết là việc công khai minh bạch trong định giá điện. Việc này đáng ra chúng ta phải làm từ lâu rồi. Cần phải phân ra từng khâu như sản xuất, phân phối, quản lý giá đã đúng chưa rồi mới tiến hành định giá bán lẻ điện tiêu dùng.
Bên cạnh đó, rất nhiều bất cập trong ngành điện như vay nợ, trả nợ thiếu tính toán hiệu quả, không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái đối với ngoại tệ vay vốn, đầu tư ngoài ngành thua lỗ, xây dựng công trình thiếu quy hoạch nên hiệu quả đầu tư thấp hay tổn thất điện năng lớn vẫn hạch toán vào chi phí giá thành, ấy là chưa minh bạch.
Nên làm gì để có thể mình bạch giá điện, thưa ông?
Từ năm 2009 đến nay, EVN tăng giá điện 7 lần song không lần nào tạo được sự đồng thuận trong nhân dân bởi có công khai song không minh bạch. Nếu ngành điện thực sự muốn cầu thị, minh bạch toàn bộ giá thành thì người dân sẵn sàng chia sẻ với ngành điện với điều kiện đó là yếu tố khách quan, mà theo yếu tố chủ quan mà tăng giá thì người ta không chấp nhận.
Những lỗi thuộc về quản lý thì cần phải tính vào mức lương thưởng của nhân viên sao lại lấy tư tưởng độc quyền ra chèn ép dân? Người dân vẫn phản ánh tiền lương của nhân viên ngành điện cao hơn nhiều so với ngành khác mà cán bộ ngành luôn kêu lỗ để lấy lý do tăng giá điện là không thể chấp nhận.
EVN đang tìm mọi cách tăng giá điện 8%
Mới đây, EVN đưa ra ba phương án định giá mới cho điện bán lẻ. Ý kiến của ông về ba phương án này?
Theo tôi thì cả ba phương án đề xuất giá bán điện mới đều tồn tại những vấn đề cần phải điều chỉnh. Với cách tính lũy tiến là đúng song cần phải điều chỉnh hệ số sao cho phù hợp để EVN có lãi song người dân lại không phải chịu mức giá quá cao. Còn nếu cào bằng mức giá 1.747đ/KWh thì đồng nghĩa EVN đang tự ý tăng giá bán điện lên gần 8% so với giá hiện nay, về bản chất EVN đang tìm mọi cách để tăng giá điện. Đồng thời, nếu tính đồng giá sẽ không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm là sai nguyên tắc.
Theo ông đâu sẽ là phương án tốt nhất để định giá điện giúp người dân không phải chịu thiệt quá nhiều?
Như tôi đã nói, trước hết cần phải tính toán giá thành các khâu xem tổng là bao nhiêu sau đó mới có phương án tính giá bán lẻ cho người tiêu dùng hợp lý được. Bên cạnh đó, chúng ta đang triển khai xã hội hóa việc sản xuất điện tiến tới xã hội hóa việc bán buôn điện, nếu công tác này làm tốt, có hiệu quả thì giá điện bán lẻ theo đó cũng sẽ dần hợp ý dân.
Khi giá điện bắt kịp với tiến trình của nền kinh tế thị trường hiện nay, mức giá để thị trường tự điều tiết thì nhà sản xuất không thua lỗ mà người dân cũng không chịu thiệt. Đó là cách hay nhất song chúng ta phải tiến hành từng bước thận trọng và khách quan.
Không thể mãi một mình một chợ
Việc xã hội hóa công tác sản xuất và phân phối điện tức là chúng ta đang từng bước phá bỏ thế độc quyền trong ngành điện phải không thưa ông?
Vấn đề xã hội hóa là cần thiết. Nhà nước ta đang từng bước tiến hành với ngành điện. Bản thân những người quản lý trong EVN chưa theo kịp cơ chế thị trường, chính vì là độc quyền nên ông nói a là a, b là b rất vô lý. Cụ thể là trong vấn đề chia bậc thang như hiện nay, tháng này ông thu ngày 10 nhưng tháng sau ông đến thu vào ngày 15 thì dân cũng đâu có biết, vì là độc quyền nên nhiều khi chả ai giám sát được. Chính vì vậy mà khi áp vào bậc thang số tiền dân phải đóng đội lên rất nhiều.
Liệu việc ghi sai hay nhầm số điện chỉ là lỗi tắc trách của nhân viên ghi công tơ điện, việc này khó có thể đổ lỗi cho hệ thống?
Vấn đề tập trung bao cấp đã ăn sâu vào suy nghĩ của EVN, sự nhanh nhạy, linh hoạt trong việc nắm bắt sự chuyển hướng cơ chế kinh tế thị trường còn chậm. Trong những bài toán mà EVN đưa ra vẫn lấy suy nghĩ cũ áp vào đó là lỗi quản lý.
Nhiều khi họ cắt điện không cần lý do, hay cứ lựa những ngày nắng nóng thì bảo trì đường dây. Đây chính là những bài toán, những chiêu trò gây khó dễ cho người dân mà chỉ những đơn vị độc quyền mới có thể làm.
Tuy nhiên, xã hội hóa việc phân phối và bán lẻ điện liệu có khả thi bởi chi phí cơ sở hạ tầng khá lớn?
Nhà nước đã đề ra những lộ trình rất chi tiết để tiến hành công tác này nên việc sẽ được tiến hành sớm thôi, điều quan trọng là cần thay đổi cơ chế mới có thể thu hút các doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là nhà đầu tư nước ngoài vào ngành này. Mặc dù nói khó là khó thật, song nếu chúng ta quyết làm thì chắc chắn sẽ làm được. Các nước người ta đều xã hội hóa hết mà!
Có ý kiến cho rằng, EVN không đủ thẩm quyền trong việc định giá điện, theo ông là đúng hay sai?
Tôi nghĩ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, EVN là đơn vị sản xuất kinh doanh thì không nên là đơn vị định giá điện. Chúng ta cần xác định một cơ quan độc lập để định giá nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Như vậy, theo ông đâu sẽ là cách thức tốt nhất để định giá điện?
Cần phải xem xét tác động của chi phí tiền điện đến mức sống của người dân, mổ xẻ từng vấn đề cấu thành nên giá điện để định giá sao cho dung hòa được lợi ích giữa bên mua, bên bán. Không thể mãi duy trì kiểu một mình một chợ, thích nói gì thì nói, thích tính bao nhiêu thì tính như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
“Việc định giá điện dựa theo bốn nguyên tắc, điện là nguồn năng lượng mà được sản xuất từ những nguyên, nhiên liệu không tái tạo được nên đòi hỏi mọi người phải tiết kiệm. Hơn nữa, điện không sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu nên không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng điện lãng phí. Điện là vấn đề nhạy cảm có tác động tới sản xuất và đời sống nên việc tính biểu giá điện sinh hoạt phải đảm bảo an sinh xã hội, ủng hộ và hỗ trợ người nghèo, điều này Thủ tướng đã chỉ đạo và chúng ta đang thực hiện. Cuối cùng, điện là ngành độc quyền, do Nhà nước quản lý, việc định giá điện do Thủ tướng quy định, cụ thể Thủ tướng đã quy định mức giá bán lẻ điện bình quân. Như vậy, nếu dựa vào bốn nguyên tắc này thì cả ba phương án định giá điện mới của EVN đều không hợp lý”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long