Tham nhũng khu vực ngoài nhà nước... khó kiểm soát
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước.
“Thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để lại quả bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu”, đại biểu Trần Tất Thế cho biết.
|
Đại biểu Trần Tất Thế. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đại biểu Thế, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Trong công ước này đã quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.
Đại biểu Thế cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước với việc quy định 4 tội danh là tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải có quy định về vấn đề này cho phù hợp.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá, việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công nên phải được coi là hành vi tham nhũng.
“Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước. Ở Việt Nam đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại công ty cho thuê tài chính ALCII hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền”, đại biểu Hàm cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại không tán thành mở rộng. “Tôi hoàn toàn tán thành một quan điểm đó là cần phải cấp đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước. Hay nói cách khác, đó là cấp nguồn dinh dưỡng của tham nhũng nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng để cắt sợi dây này mà có những quy định khác nhau”, Đại biểu Nhưỡng nói.
Chưa có cơ chế để xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn tiếp tục gặp khó khăn do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng.
Báo cáo của Chính phủ trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%. Những khó khăn nêu trên vì nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng.
Đại biểu Thủy cũng cho biết, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh:quochoi.vn
|
“Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ. Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án”, Đại biểu Thủy dẫn giải.
Đại biểu Thủy cho rằng, tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao. Do đó, nếu như không có các thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên các khuôn khổ pháp lý thông thường thì sẽ không thể xử lý được.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng) đề nghị thu hẹp đối tượng kê khai tài sản.
“Số người kê khai năm 2017 là 1,1 triệu người đạt 99,8% so với số người phải kê khai nhưng chỉ xác minh có 78 người và xử lý 5 trường hợp. Số người kê khai quá lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xác minh tài sản gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tác dụng của việc kê khai nhằm nắm được kịp thời biến động về tài sản thu nhập của người kê khai để qua đó có thể phát hiện ngăn chặn tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế”, đại biểu Bình cho biết.
Tham nhũng là một căn bệnh cần thuốc đặc hiệu nhưng chúng đang pha loãng ra:
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, tham nhũng là vấn đề lớn. Nếu nói là căn bệnh chúng ta đang muốn có một thang thuốc đặc hiệu nhưng xu thế hiện nay tôi cảm thấy chúng ta đang pha loãng ra, làm mất đi hiệu lực thực sự, tham nhũng chúng ta phải xác định rõ nội hàm của nó, còn xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, có rất nhiều tài sản bất minh, nhưng nếu nó không phải ăn cắp của nhà nước thì làm sao gọi là tài sản tham nhũng được. Nếu không phải là công thì không phải tham nhũng, là bệnh khác, nếu không có quyền thì không thể tham nhũng được. Do vậy, cần phải làm rõ.
|
Đại biểu Dương Trung Quốc. |
“Chúng ta phải thay đổi cơ chế đi cho hợp lý, vì thế nếu chúng ta tràn lan như thế này thì cuối cùng không có, chính con cá to lọt, chúng ta toàn bắt con cá nhỏ. Tôi nghĩ trước hết chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật, chứ không phải chỉ Luật Phòng, chống tham nhũng. Còn phòng, chống tham nhũng tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu tư lợi cho mình thì điều đó mới là tham nhũng, chuyện minh bạch tài sản là chuyện rất cần thiết của xã hội hiện đại, áp dụng cho tất cả mọi người ở các nước. Chúng ta chưa làm thì bây giờ chúng ta phải làm từng bước, không phải công chức chỉ là một đối tượng riêng phải làm, mọi người dân đều phải làm, mọi nguồn thu nhập đều phải làm”, Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.