Nói là đấu thầu, nhưng thực tế là “hợp thức hóa” những móc nối, gian trá
Sáng nay (23/6) tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 460/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm hơn 93%.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. |
Sau khi chỉnh lý, Luật có 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật này các vấn đề về đấu thầu thuốc, hóa chất, thiết bị y tế… đã được tiếp thu, chỉnh lý trong bối cảnh hệ thống y tế có nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, yêu cầu có những rà soát, thay đổi.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế.
Luật Đấu thầu cũng chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; Chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc. Đây là một trong những vấn đề “nóng” của thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua.
Là một trong những đại biểu bấm nút thông qua Luật Đấu thầu, trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho hay, ông rất kỳ vọng việc thông qua Luật lần này sẽ gỡ ra những ách tắc, bất cập trong thời gian qua. Trong đó, đặc biệt là vấn đề mua sắm thiết bị y tế.
Trên thực tiễn, có những công trình, vụ việc không phải đấu thầu, mà qua chỉ định thầu và giao trách nhiệm cho chủ đầu tư về việc chỉ định thầu. Những gian trá, hành vi móc nối, “sân trước sân sau” giữa chủ đầu tư và đơn vị được mời thầu, công ty mẹ và công ty con… là những vấn đề đã được đặt ra trong thời gian qua.
“Cho nên, nói là đấu thầu nhưng thực ra là một hình thức công khai, hợp thức hóa cho sự móc nối giữa chủ đầu tư và bên nhà thầu”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, lần này Nghị định quy định rất rạch ròi trách nhiệm của chủ đầu tư và bên mời thầu, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, Hội đồng phê duyệt và cá nhân của người đứng đầu tổ chức khi phê duyệt gói thầu. Điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, khách quan.
Chỉnh lý quy định bệnh viện được tự quyết mua sắm thiết bị y tế
Liên quan đến quy định đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật đã chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; Chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế (Điều 55), quy định tại Điều 55 dự thảo Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể.
Đây là một mô hình mua sắm trọn gói bao gồm từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo hành, bảo dưỡng…cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong một thời gian nhất định. Trên cơ sở quy định nêu trên tại khoản 4 Điều này đã giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định về trường hợp “Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh”.
Đối với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 dự thảo Luật, thực chất là hình thức của mô hình máy đặt – máy mượn mà hiện nay các bệnh viện đang áp dụng và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập (không công khai được đơn giá đầu ra của từng dịch vụ kỹ thuật).
Tuy nhiên, để bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân, đồng thời bảo đảm để các bệnh viện có thời gian chuyển đổi phù hợp, dự thảo Luật quy định chỉ áp dụng quy định này trong thời gian không quá 5 năm kể từ ngày Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời hạn áp dụng 5 năm là phù hợp với thực tiễn, đủ đảm bảo thời gian để chuyển sang hình thức khác công khai, minh bạch hơn. Nội dung này đã được Bộ Y tế, các bệnh viện lớn đồng thuận và đảm bảo tính khả thi.
“Do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật là 5 năm”, ông Mạnh nói.
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội