Đầu xuân viếng ngôi chùa có tượng Bồ tát bằng hoa lớn nhất thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Nằm ở ngoại ô Đà Lạt, chùa Linh Phước (nơi sở hữu 15 kỷ lục trong nước và quốc tế) là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương, nhất là mỗi dịp xuân về, Tết đến.

Đầu xuân, ngày mới sưởi ấm Đà Lạt bằng những giọt nắng vàng óng ánh xuyên qua từng mảng sương mù ngự trị suốt đêm. Chùa Linh Phước hiện ra cổ kính, uy nghiêm giữa miền lạnh. Tiếng chuông chùa, nhịp mỏ gõ đều gợi lên cuộc sống bình yên, lòng người tĩnh lặng.
 

Chùa Linh Phước (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), ngôi chùa có tượng Bồ tát Quan Thế âm được làm bằng hoa bất tử lớn nhất thế giới và 15 kỷ lục đã được tổ chức Guinness trong nước và quốc tế xác nhận.
Chùa tọa lạc trên diện tích chỉ khoảng 2ha nhưng những năm qua, ngôi chùa này lại giữ vị thế hàng đầu ở Đà Lạt về lượng khách du lịch tới viếng thăm, cầu nguyện. Sự độc đáo của ngôi chùa bắt đầu từ năm 1990, khi Thượng tọa Thích Tâm Vị, sư trụ trì chùa cho chỉnh trang, xây thêm một số công trình mới với lối kiến trúc khá độc đáo, lạ mắt.
Toàn bộ bề ngoài của ngôi chùa và các công trình khác đều được khảm ve chai, sành sứ (nên người ta quen gọi là chùa Ve Chai), tạo nên sự khách biệt rõ nét, cuốn hút các phật tử và du khách thập phương khi tới Đà Lạt. Đây cũng là ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất Đà Lạt với 15 kỷ lục đã được tổ chức Guinness trong nước và quốc tế xác nhận.
  Tượng Bồ tát Quan Thế Âm được làm bằng hoa bất tử của chùa Linh Phước sau khi nhận 2 kỷ lục Việt Nam và Châu Á, đã được trao kỷ lục thế giới vào cuối năm 2017.
Mới đây nhất, cuối năm 2017, tượng Bồ tát Quan Thế Âm được làm bằng hoa bất tử của chùa Linh Phước sau khi nhận 2 kỷ lục Việt Nam và Châu Á, cũng đã được trao kỷ lục thế giới. Tượng có chiều cao 17m, cốt tượng làm bằng thép chịu lực, được thiết kế đứng trên tòa sen, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình cam lộ.
Để dựng được bức tượng, các phật tử và nghệ nhân đã sử dụng khoảng 650.000 bông hoa bất tử, tương đương 1.630kg hoa, thời gian thi công 36 ngày.
     Toàn cảnh chùa Linh Phước.
Nơi đây cũng đang lưu giữ quả Đại Hồng Chung cao 4,3m, miệng rộng 2,3m, nặng 8.500kg. Thầy Thích Hạnh Pháp, chư tăng chùa Linh Phước cho biết, vào cao điểm mùa du lịch, nhà chùa mỗi ngày đón hàng nghìn du khách tới viếng thăm, vãn cảnh. Tới thăm chùa, du khách còn được thưởng thức cơm chay, quà lưu niệm của nhà chùa. Nhà chùa còn có phòng trưng bày hàng nghìn hiện vật quý hiếm được sưu tầm ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước.
 Tháp chuông ở chùa Linh Phước có chiều cao 37 mét và được xem là tháp cao nhất Việt Nam. Ảnh Infonet.
Ở tầng thứ hai của tháp là nơi treo Đại Hồng Chung. Chiếc chuông này được đúc vào năm 1999 nặng 8.500kg, cao 4,3 mét và miệng chuông rộng 2,33 mét, đây được coi là quả chuông nặng nhất Việt Nam. Linh tháp là nơi thờ các tôn tượng Phất và là bảo tàng viện. Ảnh Infonet.
Gần đây, một công ty lữ hành có trụ sở tại Nha Trang, chuyên tổ chức tour cho khách Nga đã chọn chùa Linh Phước là một trong những điểm đến ở Đà Lạt, xây dựng tour cho du khách tới tham quan. Anh Linh, một hướng dẫn viên của công ty này cho biết, hầu hết khách Nga tới đây đều rất thích thú, bởi chùa có kiến trúc độc đáo, lạ mắt, nhiều hiện vật quý hiếm được trưng bày giới thiệu tới du khách.
Ông Vladislav Lavio, một du khách người Nga đến viếng thăm chùa Linh Phước chia sẻ, ông vô cùng thích thú trước lối kiến trúc lạ lẫm, chùa được khảm bằng sành sứ óng ánh dưới nắng chiều Đà Lạt rất đẹp. “Đây là lần đâu tiên tôi trông thấy một công trình cổ kính và rất bình yên đến vậy!..”, ông Vladislav Lavio nói.
Du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi đến viếng chùa Linh Phước. Ảnh Infonet. 
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, một du khách đến từ TP HCM, bản thân ông và gia đình không phải là người theo đạo Phật nhưng khi đi du lịch tại Đà Lạt, ông vẫn đưa cả gia đình tới chùa Linh Phước để thắp nhang cầu nguyện Bồ tát phù hộ cho cả nhà bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc, con cháu học hành chăm ngoan…
“Năm mới tới chùa, được thắp một nén nhang và cầu nguyên, tôi có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản và rất bình an!..”, ông Hưng nói.
Rời Linh Phước tự, chúng tôi ra về, để lại phía sau văng vẳng tiếng chuông chùa, nhịp mỏ gõ đều, tiếng cầu nguyện của các tăng nỉ, phật tử trong dịp đầu năm mới gợi lên sự thái bình cho non sông, đất nước hôm nay…
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)