Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội đặt ra vấn đề trường “chuẩn giả” trong giáo dục và cho biết, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực chất không đạt, nhưng địa phương cho nợ.
“Bộ trưởng có biết việc này không, đã xử lý trường hợp nào chưa? Bao giờ có thể chấm dứt tình trạng này?”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu câu hỏi.
Bên cạnh đó, đại biểu Cương cũng nêu vấn đề không hiếm nhiều năm nay là để thi đỗ tốt nghiệp phổ thông và đại học, các học sinh bỏ không học các môn không thi mà chỉ học môn thi. Để đủ điều kiện dự thi, phụ huynh đến gặp thầy cô “nộp” tiền. Theo Bộ trưởng làm thế nào để loại bỏ tình trạng tiêu cực này?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là hiện tượng có thật.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: VGP. |
“Trong 19 chỉ tiêu về nông thông mới có 2 chỉ tiêu về giáo dục. Một số địa phương muốn được nông thông mới nên nợ chuẩn. Chúng tôi có biết và đề nghị các địa phương xử lý. Các địa phương nói rằng đã sớm có kế hoạch khắc phục. Tôi cho rằng chuẩn chất lượng là phải đảm bảo chứ không có chuyện nợ chuẩn. Tới đây Bộ sẽ thực hiện việc này mạnh hơn”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận việc một số học sinh học lệch, bỏ các môn hoc không thi là có thật.
“Thống kê cũng chưa biết là bao nhiêu nhưng có tình trạng học “tủ lệch” đặc biệt là các trường chuyên. Bố mẹ cũng muốn cho con tập trung vào các môn thi để đỗ đạt, môn khác thì xem nhẹ. Chúng tôi đã cấm vấn đề này, bởi giáo dục phổ thông phải toàn diện, phải chú trọng các môn liên quan đến phát triển con người, dạy làm người. Chúng tôi kiên quyết phản đối, tăng cường vai trò giám sát. Tôi rất mong các địa phương, các trường phối hợp với Bộ để làm tốt công việc này. Học sinh cần được học toàn diện chứ không phải học để đi thi”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, vấn đề “chuẩn giả” trong giáo dục nó không chỉ gắn với nông thôn mới mà cả đô thị cũng có.
“Không phải đâu xa, hội trường này đi ra khoảng 5-7 phút cũng có. Lúc nào Bộ trưởng có điều kiện, tôi xin mời Bộ trưởng đi xem. Trường đạt chuẩn quốc gia gì mà không có gì đạt chuẩn. Mỗi một lần tập trung các cháu không có sân, phải mời mỗi lớp chỉ 5-6 cháu xuống. Trường trung học cơ sở nhưng lại dùng bàn của tiểu học. Đến lúc các gia đình chịu không nổi thì bỏ tiền ra mua, lúc hỏng lại gọi phụ huynh đến sửa. Tôi rất buồn khi chuẩn giáo dục đặt ra không được thực hiện”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Liên quan đến vấn đề học lệch, đại biểu Cương cho rằng, Bộ trưởng chỉ trả lời được một vế.
“Vế thứ hai tôi rất lấy làm tiếc là nó không chỉ liên quan đến lượng giáo dục mà cả về đạo đức. Bố mẹ học sinh phải nộp tiền cho các cháu ở những môn không học để được thi nhưng các cháu sẽ nghĩ gì về thầy cô”, đại biểu Cương nói.