Sau kỳ thi công chức, dư luận ở Đà Nẵng xì xào là kỳ thi “có vấn đề”. Để tránh những sơ sót có thể xảy ra, Sở Nội vụ đã mời công an vào cuộc, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu chấm lại toàn bộ bài thi. Đây là kỳ thi mà tính cạnh tranh cao vì nếu bị trượt, những người dự thi sẽ không còn làm việc trong cơ quan hành chính.
Vì sao có việc chấm lại bài thi? Công an đã điều tra được gì?... Ngày 4-12, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng (ảnh) đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh sự việc trên.
|
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, nơi cán bộ, công chức, viên chức TP Đà Nẵng đang làm việc. Ảnh: HA
|
Chấm lại chứ không hủy kết quả
Phóng viên: Có thông tin là TP Đà Nẵng đã hủy kết quả chấm thi công chức để chấm lại. thực hư thế nào, thưa ông?
+ Ông Võ Ngọc Đồng: Đợt thi công chức chúng tôi làm rất chặt, đúng quy trình nhưng hiện chúng tôi tổ chức chấm thi lại cho chắc chắn theo chỉ đạo của chủ tịch TP Đà Nẵng, chấm lại chứ không phải là hủy.
Kỳ thi này có tính chất là số người đỗ công chức sẽ ở lại, số không được thì phải đi (về các đơn vị sự nghiệp - PV). Kỳ thi có 465 người dự để chọn 115 chỉ tiêu nhưng khả năng là không đạt được số lượng như chỉ tiêu đưa ra. Kỳ thi có tính cạnh tranh cao nên khi có thông tin, chủ tịch TP Đà Nẵng cẩn trọng, yêu cầu chấm lại.
Khi chấm lại có kết quả khác thì có hủy kết quả trước đó không?
+ Chưa có vấn đề gì để nói tới hủy kết quả trước. Nếu chấm lại có sai lệch trong độ cho phép thì không có vấn đề gì. Về mặt nguyên tắc thì một bài thi có hai người chấm. Hai người chấm, người chấm điểm 9, người chấm điểm 10 thì cộng lại chia hai. Nhưng trường hợp lệch quá thì phải xem lại. Thậm chí mà có sự khác biệt thì cả bộ phận chấm thi phải chấm tập thể.
.Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chấm lại này xuất phát từ đơn thư tố cáo và công an cũng đã vào cuộc, trích xuất camera kiểm tra...
+ Đến bây giờ không có đơn thư, thực tế chỉ có một cái email mà bây giờ cũng không rõ. Trong kỳ thi có lập một biên bản, về mặt lập biên bản thì nguyên tắc phải trừ điểm thi. Anh em làm đúng chức năng thôi, còn không có vấn đề gì. Nhưng nhiều người suy diễn hơi quá.
Nếu không có vấn đề gì, sao công an phải vào cuộc, thưa ông?
+ Chuyện là thế này, khi họp chủ tịch TP Đà Nẵng có nói một số việc về kỳ thi nên tôi đặt vấn đề cho công an vào làm cho rõ. Công an xác minh sẽ có sự chính xác. Đến giờ vẫn không phát hiện tiêu cực, bất thường, mọi việc dần sáng tỏ ra, nếu có vấn đề gì sẽ phơi bày ra hết...
Việc chấm lại đã có kết quả chưa, thưa ông?
+ Lượng bài thi nhiều, chấm cẩn trọng nên trong tuần này mới có kết quả.
Để tránh tình trạng “có cái gì đó” trong việc chấm thi, chúng tôi tổ chức một bộ phận chấm độc lập để so sánh kết quả xem việc đó có trùng khớp không.
Sẽ thảo luận nếu điểm hai lần chấm chênh lệch
Trước khi tổ chức thi công chức thì mình có tổ chức lớp ôn chuyên sâu gì không, thưa ông?
+ Về mặt quy trình thi cử thì nó phải có. Muốn tổ chức một kỳ thi thì trước hết là các sở, ngành đăng ký nhu cầu, mô tả vị trí ở nơi mà họ tuyển, tiêu chuẩn bằng cấp...
Sau đó họ gửi về Sở Nội vụ thẩm định xem việc họ đăng ký có đúng chỉ tiêu, phù hợp với đề án vị trí việc làm đã được chủ tịch UBND TP phê duyệt hay không.
Khi thẩm định xong, Sở Nội vụ báo cáo UBND TP Đà Nẵng phê duyệt số lượng và vị trí việc làm ở các sở/ngành, quận/huyện và công khai vị trí đó cho mọi người (trong và ngoài hợp đồng) đăng ký thi.
Sau đó, người dự thi nộp hồ sơ cho các sở/ngành và những nơi này nộp cho Sở Nội vụ thẩm định và báo cáo UBND TP phê duyệt danh sách đủ điều kiện dự thi. Sau khi phê duyệt danh sách thì tổ chức hướng dẫn ôn thi. Hướng dẫn ôn thi là cho tất cả chứ không cho cá nhân nào cả.
Hiện hội đồng nào chấm lại bài thi, thưa ông?
+ Ban đầu chúng tôi định mời những người chưa chấm thi đợt 1 tham gia chấm lại. Nhưng vừa rồi chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu và để có kết quả độc lập nên chúng tôi mời Trường Chính trị TP Đà Nẵng chấm lại cho khách quan.
Về mặt nguyên tắc thì điểm chấm sau là điểm có giá trị nhưng nếu chênh lệch quá xa thì thảo luận để thống nhất chứ không hủy kết quả chấm thi trước đó.
. Xin cám ơn ông.