Ăn bẩn, uống bẩn và sống cô đơn
Đã từ lâu, người dân xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) không còn lạ lẫm với ông Ba Quyền, người đàn ông sống cô độc gần khu chợ của xã. Gần đây, câu chuyện về ông lại càng rộ lên khi ông Ba Quyền đã có một cuộc đoàn tụ khó tin với gia đình sau hơn 45 năm lưu lạc nơi đất khách quê người.
Qua người bạn làm thợ ảnh tên Kiệt, chúng tôi đến tìm gặp ông Tám Mỗ - người gắn bó rất thân thiết với ông cụ. Ông Tám Mỗ dẫn chúng tôi đến căn chòi nhỏ của ông Ba Quyền (ông Ba) và chia sẻ về những tháng ngày bươn chải của ông Ba.
Nơi ông Ba cư ngụ chỉ là cái chòi tạm, gần chợ xã Tiên Thủy, cạnh nhà ông Tám Mỗ, giờ chủ đất đã tháo dỡ và rào chắn lại. Ông Tám Mỗ kể: “Lúc vợ tôi còn sống, bà ấy rất thương cảm với hoàn cảnh của ông Ba. Tết năm nào cũng vậy, trong nhà có thịt kho, bánh tét…, bà ấy đều chia phần cho ông Ba”.
|
Ông Ba Quyền nay đã được đoàn tụ cùng con cháu trong ngôi nhà ấm cúng tại TP. Quy Nhơn |
Vợ ông Tám qua đời, cô con gái của ông vẫn duy trì tình cảm, thường xuyên quan tâm chăm sóc ông lão hàng xóm đói khổ, cô đơn ấy. Ai cảm thông, ghé qua gửi chút ít tiền, gạo… tiếp sức để lo cho ông cụ, ông Tám Mỗ đều đứng ra nhận giúp.
Theo lời của ông Tám Mỗ, ông Ba Quyền đến đây khoảng năm 1970 – 1971 khi chừng 40 tuổi. Ông bị tâm thần nhưng hiền khô, cứ quảy túi vải, quảy bao đi lượm lặt ve chai… Ai cho gì ông ăn nấy. Ông Tám Mỗ còn chứng kiến cảnh ông Ba Quyền ăn cả những con chuột sống người ta vứt bỏ trong sọt rác.
Ngày xưa, lúc ông Ba còn sức khỏe, dân xóm chợ hay nhờ ông phụ giúp việc đơn giản như: xách nước, khuân hàng… Ông Ba luôn vui vẻ nhận lời, xong việc, ông được bồi dưỡng ít đồng để chi tiêu. Một điều ngạc nhiên là ông Ba không hề xin tiền của bất cứ ai.
Tuy bệnh nhưng những lúc tỉnh táo, ông Ba có thể giải đúng những bài toán lớp 7, lớp 8 và còn biết đọc cả tiếng Pháp. Giờ ra chơi, những học sinh trường THCS Tiên Thủy thường đề nghị ông “biểu diễn” đọc tiếng Pháp “rốp rốp” và nhờ ông giải toán. Ông Ba có tài vặt làm diều giấy. Con diều ông làm rất hoành tráng, dán tá lả bằng giấy tập học sinh…
Vài năm trước, không ai còn thấy ông đi lang thang nữa, có người nghĩ ông đã qua đời... Năm 2015, ông cụ gầy yếu và phải nằm một chỗ sau hai lần bị tai biến mạch máu não. Nhờ những nhà hảo tâm “giấu mặt” và gia đình ông Tám Mỗ quan tâm chia sẻ, thuê người trông nom, ông Ba mới gượng dậy và khỏe đến giờ.
"Có lúc nghĩ ông cụ sẽ không thể nào qua khỏi, tui đã âm thầm đi xin đất, xin cái áo quan chuẩn bị lo hậu sự cho ông”, ông Tám Mỗ nói.
Hành trình tìm cha nhờ mạng xã hội
Trò chuyện với PV, bà Võ Thị Ngọc Lan, người con gái thứ tư của ông Ba kể lại sự việc cách đây 45 năm. Ông Ba sinh năm 1930, sống ở một ngôi làng biển (nay thuộc tổ 13, khu vực 2, phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Thời trẻ, ông từng đi tàu đánh cá.
Sau đó, ông hành nghề chạy xe ba gác chở hàng thuê. Ông cũng có tham gia tổ chức, chở gạo tiếp tế cho bộ đội và bị chính quyền chế độ cũ bắt giam, tra tấn...
Đang khỏe mạnh bình thường, ông Ba đột nhiên thay đổi tính nết, không trò chuyện với ai, cứ ở miết trong nhà. Ông gom đồ đạc của người thân ném ra đường và xua đuổi mọi người. Nghĩ ông bị vong ám, gia đình ông đi cúng bái khắp nơi.
Thế nhưng, bệnh tình của ông vẫn không tiến triển. Năm 1970, vợ ông đưa ông đến Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) điều trị. Làm thủ tục nhập viện cho chồng xong, bà quay về nhà vay mượn thêm tiền. Một tuần sau, bà trở lại bệnh viện thì nhận được tin báo ông đã trốn đi đâu không rõ.
|
Ông Tám Mỗ, người nhiều năm gắn bó, chăm sóc ông cụ kể chuyện với PV |
Đau buồn, bà đi khắp nơi tìm ông. Bà vào Sài Gòn làm thuê, cố công tìm kiếm ông suốt nhiều tháng liền nhưng vô vọng nên đành quay về quê… Hơn 40 năm qua, bà vẫn luôn đau đáu mong đợi tin tức của ông.
Cuối năm 2015, tình cờ xem Facebook cá nhân của một nhà hảo tâm ở TP. HCM, người hàng xóm thấy một người rất giống ông Ba nên đã báo cho gia đình bà Lan biết. Nhà hảo tâm ấy đăng hình một ông cụ già yếu bệnh tật bị thất lạc nhiều năm, đang sống trong cảnh cô đơn, nghèo khó.
Lúc tỉnh táo, ông nhớ được tên thật của mình là Võ Nhật Chính, quê ở Quy Nhơn (Bình Định). Ông còn nói rõ tên cha, mẹ và tên vợ của ông, cùng tên hai đứa con trai là thằng Đỏ, thằng Đen… Mừng quýnh vì nghe đúng tên những người thân của mình, bà Lan liên hệ với nhà hảo tâm nói trên, ghi nhận địa chỉ, rồi tức tốc tìm đến Bến Tre. Và bà đã òa khóc khi nhìn thấy cha mình…
|
Bà Lan cùng người thân đến Bến Tre tìm người cha thất lạc suốt 45 năm. |
Dù đã tìm ra người cha lưu lạc suốt mấy chục năm nhưng khi làm các thủ tục để đưa cha về quê, bà Lan gặp không ít khó khăn. Bước đầu chính quyền xã đề nghị gia đình phải giám định ADN vì sợ ông Ba bị người lạ “mạo nhận đem đi bán nội tạng”.
Nhưng sau đó thông qua ý kiến của một lãnh đạo huyện, chính quyền xã mới đồng thuận cho gia đình đón ông về quê, đồng thời xác nhận ông Ba Quyền có hai tên: Trần Đình Quang và Võ Nhật Chính.
Bà Lan, cho biết thêm, cái tên ông Ba Quyền gắn với ông từ lúc còn trai trẻ, chứ không phải do người dân ở xã Tiên Thủy nói láy Biên Hòa thành Ba Quyền để gán tên cho ông (ý nói ông ở nhà thương Biên Hòa).
Ông Tám Mỗ, người dân địa phương duy nhất theo xe đưa ông Ba về quê xúc động cho biết: “Lúc bế ông cụ lên xe ô tô, đưa ông về lại nơi chôn nhau cắt rốn, ông dùng dằng như không muốn đi. Chiếc xe từ từ chuyển bánh, ông ngoái nhìn căn chòi rách nát và vùng đất nơi ông từng gắn bó suốt nửa đời người. Ra tuốt ngoài miền Đông, ghé quán ăn cơm trưa, ông cứ nằng nặc đòi trở về nhà cũ. Trông ông buồn lắm…!”.
Ông Ba có 8 người con (một người đã mất). Các con ông đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Bà Lan làm điều dưỡng viên bệnh viện, hiện đang sống độc thân nên nhận phần chăm sóc cha mình.
|
Ngồi trên xe ô tô chuẩn bị trở về quê hương sau 45 năm lưu lạc, ông cụ không rời mắt căn chòi nơi ông từng trú ngụ |
“Từ hôm ba tui về nhà đến nay đã gần 10 tháng, sức khỏe của ông khá ổn định. Ông ngủ ngon, nhưng ăn uống ít, tôi phải chia nhỏ các bữa, cho cha ăn nhiều lần trong ngày. Do ông cụ bị tâm thần gần 50 năm rồi, tuổi lại cao… nên không thể nhận biết người thân”, bà Lan nói.
“Tìm được ông cụ dù muộn màng, nhưng đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh em tôi. Cơ duyên này giúp mẹ tui thỏa ước nguyện cả đời. Hiện tại, chúng tôi mong muốn sớm hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu cho ông để ông có cái tên, cái tuổi sống trọn vẹn trong gia đình những ngày cuối đời”, bà Lan sụt sịt khóc.
Những tấm lòng thơm thảo
Theo tìm hiểu của PV, ở Bến Tre, ông Ba Quyền được rất nhiều người yêu thương, chăm sóc. Nhóm bạn làm từ thiện của chị Mai Thảo Trang, ngụ xã Tiên Thủy; chị Điều ở xã Tường Đa (cùng huyện Châu Thành) là một trong số những người âm thầm giúp đỡ ông Ba Quyền suốt nhiều năm cô đơn bệnh tật.
Lúc gia đình của ông Ba gặp trục trặc về thủ tục giấy tờ để tiếp nhận ông, chị Trang đã gõ cửa lãnh đạo huyện nhờ giúp đỡ… Nhóm từ thiện của chị Trang còn “bao” luôn chi phí cho chuyến xe đoàn tụ, chở ông cụ từ Bến Tre về tận TP. Quy Nhơn.
Trò chuyện cùng PV, chị Trang cũng cho hay: “Bác Tám Mỗ thương ông cụ nhiều lắm. Có lúc bác đi vận động xin tiền bà con ngoài chợ, rồi một tay bác đưa ông Ba đi bệnh viện và chăm ông trong những lần tai biến…”.