Công ty Liên kết Việt: Lừa 68.000 người, thu hơn 2.100 tỉ đồng

Google News

(Kiến Thức) - Bằng nhiều thủ đoạn bị cáo Lê Xuân Giang (SN 1971, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt) và đồng phạm đã lôi kéo 68.000 người từ 49 tỉnh, thành phố khác nhau tham gia vào đường dây kinh doanh đa cấp, qua đó thu của họ hơn 2.100 tỉ đồng.

Sáng qua 23/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Xuân Giang (SN 1971, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước tòa, Giang cho biết khi công ty mới đi vào hoạt động, lượng khách hàng nhỏ công ty xuất hàng hóa cho khách và trả hoa hồng đúng theo cam kết. Nhưng sau này công ty phát triển quá nhanh dẫn đến lúng túng, không biết cách kiểm soát.
Cong ty Lien ket Viet: Lua 68.000 nguoi, thu hon 2.100 ti dong
 Bị cáo Lê Xuân Giang (hàng đầu và đồng phạm). Ảnh: cand.com.vn
Về bị cáo Nguyễn Thị Thủy (SN 1970, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) là người hưởng lợi bất chính nhiều nhất từ loại hình kinh doanh đa cấp của Công ty này. Bị cáo Thuỷ cho biết, chỉ tính từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2015, Thuỷ đã nhận số tiền hơn 38 tỉ đồng. Tính trung bình mỗi tháng, Thủy nhận 2,2 tỉ đồng. Trước HĐXX Thủy vẫn khăng khăng cho rằng, chị ta được Giang thuê về làm nhân viên tư vấn và không giữ chức vụ gì của Công ty Liên Kết Việt.
Cong ty Lien ket Viet: Lua 68.000 nguoi, thu hon 2.100 ti dong-Hinh-2
Các bị hại tham dự phiên toà.  Ảnh: cand.com.vn
 
Đứng sau Thủy về thu nhập là bị cáo Trịnh Xuân Sáng (SN 1975, thành viên nhóm phát triển thị trường của công ty). Sáng chỉ làm việc tại Công ty Liên Kết Việt có 16 tháng, nhưng đã nhận tới 17 tỉ đồng.
Công việc của Sáng là giám sát, quản lý, hỗ trợ bộ phận IT, hỗ trợ bị hại đăng nhập vào ID trên website của công ty, xây dựng phần mềm trả thưởng khách hàng, đồng thời thống kê định kỳ số lượng khách và tiền khách hàng đã nộp vào công ty.
Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền lôi kéo người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Khi hỏi về Công ty Liên kết Việt và tại sao lại đầu tư số tiền lớn vào Công ty này thì hầu hết người bị hại đều rất mơ hồ. Họ cho biết, chỉ thấy công ty quảng cáo cứ tham gia là có lãi nhiều nên ham mà tin theo.
Điều đáng nói là rất nhiều bị hại trong vụ án này đã lớn tuổi. Nguồn tiền họ bỏ ra đầu tư kinh doanh đa cấp tại Công ty Liên Kết Việt là tiền tiết kiệm cả đời dành dụm. Và hầu hết họ đều dấu con cháu khi tham gia vào đường dây đa cấp của Lê Xuân Giang.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 >>> Mời các bạn xem thêm video: Xét xử "trùm" lừa đảo đa cấp Liên Kết Việt

Nguồn: Truyền hình Nhân Dân



Hoàng Hà (t/h)

>> xem thêm

Bình luận(0)