Ngày 13/2, Thanh tra Thành phố Hà Nội ra thông báo số 675/TBKL-TTTP về kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè trên các tuyến phố địa bàn một số quận thành phố Hà Nội.
Nhiều quận không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội
Kết luận thanh tra đã chỉ ra một số tồn tại, sai phạm về thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội như trong thiết kế, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè nên không thống nhất; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát không ghi kích thước.
Từ hướng dẫn không cụ thể dẫn đến thực tế có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè. Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày ≥ 3 cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.
|
Ảnh đá bền 70 năm hỏng trong "nốt nhạc". Nguồn VTC. |
Trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng) và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CCIC Hà Nội.
Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ rõ những tồn tại, sai phạm của các Quận trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội liên quan đến lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên.
Cụ thể, một số quận chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội như chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 đến 70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo chỉnh trang mặt bằng đô thị…
Tại quận Hà Đông, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè QL 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013- 2015, là không thực hiện đúng chỉ đạo của TP về xây dựng kế hoạch đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, UBND TP có văn bản chấp thuận dùng nguồn vốn đấu giá QSDĐ do TP để lại để đầu tư lát đá hè chỉ cho 2 tuyến đường QL 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) và đường Bà Triệu, nhưng UBND quận Hà Đông lại cải tạo lát đá cho cả các tuyến phố nhánh khớp nối, tiếp giáp QL 6A, mà không báo cáo xin ý kiến của UBND TP.
Một số quận chấp thuận đầu tư dự án lát đá vỉa hè ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định như tại quận Long Biên có hai dự án, tại quận Hà Đông có lát đường nội bộ tại 4 khu hạ tầng kỹ thuật thuộc phường Kiến Hưng, Phú Lương trong khi các hộ dân trúng đấu giá chưa xây dựng nhà.
Một số chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá vỉa hè xảy ra tại quận Ba Đình (có 3 dự án) và tại quận Hà Đông.
Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ ra việc thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo quyết định của UBND TP. Cụ thể có 34 dự án tại 8 quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình.
Giá đá giữa các quận có sự chênh lệch khá lớn
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội, giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, có nơi tính cao, nơi tính thấp.
Ví dụ, giá đá kích thước 40x40x4cm dự án tại quận Nam Từ Liêm từ 270.000 - 300.000 đồng/m2 ; còn tại quận Hà Đông là 410.000 đồng/m2; đặc biệt tại các dự án ở quận Hoàn Kiếm là 550.000 đồng/m2.
Đồng thời, đơn giá nhân công, đơn giá máy của đơn giá lát đá trong dự toán các dự án cũng khác nhau như quận Hoàn Kiếm đơn giá nhân công 116.952 đồng/m2, đơn giá ca máy 34.929 đồng/m2 trong khi tại quận Long Biên đơn giá nhân công chỉ 19.974 đồng/m2, đơn giá ca máy chỉ 4.448đồng/m2…
Từ việc áp dụng giá đá, đơn giá nhân công, đơn giá máy lát đá hè không đồng nhất dẫn đến việc không hiểu đúng của các doanh nghiệp, người dân và dư luận.
Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ rõ việc đấu thầu, thi công các dự án, trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè, nguồn gốc đá. Cụ thể là 35 dự án tại 8 quận như Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình.
Bên cạnh đó, tại một số dự án đã thi công xong hoặc đang thi công, kỹ thuật lát đá hè tại một số vị trí chưa đảm bảo mỹ quan. Việc trang vữa mạch khi lát giữa các viên đá không được đảm bảo, dẫn đến liên kết giữa các viên đá lát với nhau không tốt.
Theo kết luận, những tồn tại trong việc kỹ thuật thi công, bảo dưỡng hè phố sau khi lát ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình, là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng đá lát hè bị vỡ, bong tróc.
Về chất lượng đá lát, bê tông lót nền tại một số dự án, qua đào, khoan khảo sát, kết quả kiểm định cho thấy chiều dày, chất lượng các lớp kết cấu đá lát, vữa lót, bê tông nền tại một số dự án còn chưa đảm bảo. Một số mẫu cá biệt đá lát có thớ đá phân tách tự nhiên thì độ bền uốn không đạt yêu cầu, các mẫu này mắt thường không phân biệt được thớ đá, chỉ khi đưa vào máy uốn mới phát hiện…Chiều dày lớp vữa xi măng lót không đồng đều, dao động từ 18 - 77mm tại các vị trí đào kiểm tra kết cấu (theo thiết kế chiều dày lớp vữa xi măng lót là 20mm)...
Từ những sai phạm trên, Thanh tra TP Hà Nội đã điểm những đơn vị cá nhân phải chịu trách nhiệm như Ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận Ba Đình, Hà Đông; Phòng Quản lý đô thị các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân; Phó Chủ tịch phụ trách khối và Chủ tịch UBND các quận trong việc chỉ đạo; Phòng Quản lý xây dựng thuộc Sở Xây dựng...