Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cho biết: "Giấy xác nhận cư trú là một trong bảy phương thức xác minh cư trú của công dân. Giấy này được thực hiện nhằm mục đích áp dụng cho những khu vực chưa phủ sóng internet, vùng sâu, vùng xa, biên giới...".
Trước yêu cầu xin giấy xác nhận cư trú gây phiền hà ở nhiều thành phố lớn, vị đại diện C06 khẳng định, việc này là "hành dân" và làm chậm quá trình cắt giảm thủ tục hành chính hiện nay.
|
Công an huyện Mường Tè, Lai Châu thực hiện cấp Căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo C06, mục đích ban đầu khi quy định giấy xác nhận cư trú là rất hữu ích đối với những địa phương chưa thể thực hiện thủ tục trên môi trường internet, nhưng sau đó nhiều nơi lạm dụng, buộc người dân xin giấy xác nhận nên gây bức xúc.
Theo lãnh đạo Cục C06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành đã có đầy đủ 18 trường thông tin cơ bản của công dân.
Giấy xác nhận cư trú được quy định tại Thông tư 56 năm 2021 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu, quản lý và sử dụng biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú.
Cụ thể, theo khoản 7, điều 3 thông tư 56, giấy xác nhận cư trú là văn bản sử dụng để xác nhận thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú và các nội dung khác của cá nhân, hộ gia đình khi có yêu cầu. Hiện nay, mẫu giấy xác nhận thông tin cư trú là mẫu CT07 ban hành kèm thông tư.
|
Mẫu giấy xác nhận cư trú ban hành theo Thông tư 56 của Bộ Công an. |
Người dân có thể đến trực tiếp công an cấp xã để yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Ngoài ra, người dân có thể xin giấy xác nhận cư trú trực tuyến qua các cổng dịch vụ công hiện hành. Thời hạn sử dụng của giấy xác nhận này trong 30 ngày kể từ ngày cấp.
Giấy xác nhận cư trú chỉ là một trong 7 phương thức xác minh cư trú. Do đó, người dân có thể sử dụng nhiều lựa chọn khác để xác minh cư trú như căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNEID, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu dân cư...
Hiện nay, chính quyền Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương chỉ đạo các đơn vị không yêu cầu người dân trình giấy xác nhận cư trú.
Chính phủ yêu cầu không để xảy ra sách nhiễu sau khi bỏ sổ hộ khẩu
Văn phòng Chính phủ ngày 14/3 phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cư trú.
Tại thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận, các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và nhân dân về việc tổ chức quy định bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng lưu ý, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, mẫu đơn, tờ khai điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng thông tin dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 5/2023.
7 phương thức xác minh cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu
1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp.
3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.
4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính.
5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng).
6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).