Chiến tranh không chỉ có bom đạn, máu đổ và hy sinh, vẫn có những tình yêu được ươm mầm trong xa cách, chia ly. Những người lính đi chiến trận không hẹn ngày về và cả người con gái ở hậu phương cũng ngã xuống vì bom đạn. Chỉ còn những bức thư, những dòng nhật ký lưu lại những chuyện tình đẹp như cổ tích nhưng đầy day dứt trong khói lửa chiến tranh. Zing.vn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài cuối trong "Chuyện tình thời chiến", nhân 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7-2017).
Gian trưng bày của bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) có hai bức thư được đặt cạnh nhau. Đó là thư của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm gửi người yêu có tên là M. Phía bên kia là bài thơ thay lời hồi đáp cho bức thư của Đặng Thuỳ Trâm. Người con trai đó ký tên là Mộc.
Đừng nói nữa mà lòng anh đau
Bức thư được viết ngày 17/3/1969. 48 năm đã trôi qua, mỗi dòng, mỗi chữ dường như vẫn thổn thức nhịp đập của người con gái phải yêu trong day dứt. “M ơi! Ta đã thực sự xa nhau rồi đó ư? Anh Tấn về không đem một tin nào của anh cả. Anh ở đâu? Sao em vẫn thấy trái tim mình rỉ máu, vết thương của con tim sao khó lành đến vậy?”.
“Chiều nay ở đây và ở đó ta cùng đang trong cuộc chiến đấu nóng bỏng, ta cùng chung nhịp thở của những người đồng chí vào sinh ra tử có nhau, vậy mà... sao lại xa cách đến thế này hở người đồng chí yêu thương?”.
|
Bức thư của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm gửi Khương Thế Hưng. Ảnh tư liệu. |
Bức thư dường như là lời thổ lộ từ những trang nhật ký mà ở đó hình ảnh của M luôn hiện diện trong cuộc sống nơi chiến trường ác liệt của Đặng Thuỳ Trâm. Chị nhớ anh ngay cả khi cận kề giữa sự sống và cái chết.
“Có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim... Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá... Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không chỉ có lửa đạn...?”.
Có lẽ một lúc nào đó giữa chiến trường, hai người cùng nghe tiếng bom rơi xé toạc màn đêm. Người con trai đó nhớ người yêu cả khi khối bộc phá 10 cân nổ tung thành tiểu khu Quảng Ngãi hất anh bay lên. Trước khi rơi xuống đất và ngất lịm đi, anh tưởng như vẫn nghe được tiếng hát người yêu lượn trên sóng biển.
Nhưng đáp lại sự tha thiết của người yêu, anh nén lòng mình lại. Anh viết:
“Không bao giờ anh quên
Lương tâm người cầm súng
Vì niềm vui đất nước
Anh sẵn sàng hy sinh
Vì hạnh phúc của em
Anh chịu phần đau khổ… riêng mình
Chỉ vậy thôi, em ơi!
Đừng nói nữa!
Mà lòng anh đau”.
|
Bài thơ Khương Thế Hưng hồi đáp người yêu. Ảnh tư liệu. |
M hay Mộc là bút danh của một người lính tên Khương Thế Hưng (con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng). Trong những kỷ vật đại tá Khương Thế Hưng để lại sau khi qua đời (1999) có bức ảnh bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Mặt sau của tấm ảnh là bút tích của Khương Thế Hưng ghi: “7/1971 - Trận càn Lữ 11, Sư đoàn America vào hậu cứ Đức Phổ. Hy sinh ở tuổi 25, người nữ bác sĩ còn quá trẻ. Nhưng không còn trẻ nữa với người con gái chưa có được niềm vui của hạnh phúc tình yêu…
Ôi! Nếu mình biết được trong hai ta, người ngã xuống trước lại không phải là mình, có lẽ mình đã không phạm phải lỗi lầm để biển cả im lặng không dội lại âm vang của tiếng hát Xa Khơi đêm Thuỳ tiễn mình đi vào trận đánh Mậu Thân năm 1968… Vậy đó, Thuỳ ơi…”.
Tình yêu day dứt giữa bom đạn
“Những người đi chiến đấu/ Không muốn nặng thêm khẩu súng/ Một mối tình quá xa? Và nhất là/ Nỗi ân hận quá nhiều/ Bắt một người yêu/ Phải đợi…”.
Nhà thơ Khương Hữu Dụng, cha của Khương Thế Hưng, đã thay con trai viết nên những câu thơ trên để lý giải sự im lặng khó hiểu, hay sự tan vỡ lạ lùng trong tình yêu của anh và bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đặng Thùy Trâm đã hy sinh, mang theo nỗi đau im lặng của tình yêu. Khương Thế Hưng còn sống trở về, nhưng tình yêu với người nữ bác sĩ trẻ mãi là một bí mật trong tâm hồn sâu kín của anh.
Trong cuốn nhật ký nổi tiếng của mình, Đặng Thuỳ Trâm dành cho người yêu những lời đầy tha thiết. Nhưng đâu đó, chị dường như cũng có những dự cảm không lành.
"Ngày 5/5/1968... Một cái gì giống như linh cảm bảo với Th. rằng rồi sẽ không được gặp M. nữa, lần chia tay ấy sẽ là lần cuối cùng. M. đứng nhìn theo, Th. đi không ngoảnh lại, mặc dù biết rằng một đôi mắt đen đang dõi theo Th. Những giây ở trong cánh tay người đồng chí thân yêu ấy chỉ còn là một hình ảnh dĩ vãng xa xưa mà thôi”.
|
Một bức ảnh của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và bút tích của đại tá Khương Thế Hưng. Ảnh tư liệu. |
Còn Khương Thế Hưng viết về người con gái anh yêu trong nhật ký: “Làm sao quên được Thùy Trâm nhỉ! Khi Thùy còn sống, mình tránh nói yêu Thùy. Nhưng mình rất thương và trọng Thùy. Và hẹn sẽ chờ. Để mãi mãi là người thân yêu nhất của nhau. Chiến tranh đã cướp đi lời hẹn ấy… Có phải tại mình không biết thủy chung? Thùy ơi, sẽ không có người con gái nào giống như Thùy đâu. Trong cuộc sống. Và trong trái tim mình. Nằm yên nghỉ nơi mảnh đất vùng giáp ranh Đức Phổ, Thùy có nghe lời nói im lặng nhưng rất vang xa của trái tim mình không? Anh yêu Thùy, vâng, anh yêu Thùy”.
“Giặc Mỹ bắn vào đúng trái tim em. Em ngã xuống mà tim anh đau suốt bấy năm trường. Khi em còn sống, ta im lặng. Im lặng thực sự. Khi em chết rồi, ta mới nói thực sự yêu em”.
Những dòng nhật ký muộn màng đó được viết sau ngày Khương Thế Hưng biết tin bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh. Đặng Thuỳ Trâm ngã xuống giữa chiến trường Đức Phổ với tình yêu day dứt không được đáp lại. Còn tình yêu và cái chết của chị dường như là tiếng dội đau đớn trong trái tim Khương Thế Hưng suốt phần đời còn lại sau chiến tranh.
“Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới...". (Nhật ký Khương Thế Hưng năm 1973).
Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, Đặng Thuỳ Trâm xung phong vào chiến trường. Chị công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) và hy sinh ngày 22/6/1970 trên đường đi công tác do bị địch phục kích. Đặng Thuỳ Trâm là tác giả của cuốn nhất ký nổi tiếng được một cựu sĩ quan quân báo Mỹ lưu giữ cho đến ngày trao trả lại cho gia đình vào năm 2005.
Khương Thế Hưng sinh năm 1934, quê tại Hội An, Quảng Nam. Khương Thế Hưng tham gia chống Pháp rồi tập kết ra Bắc. Năm 1962, anh trở lại chiến trường. Năm 1965, anh là phái viên chiến trường cho các đơn vị chủ lực đặc công ở Quảng Ngãi. Khương Thế Hưng mất năm 1999 do di chứng chất độc da cam và những vết thương thời chiến tranh.