“Chữ Việt Nam song song 4.0“: Ồn ào... thất bại như sáng chế của PGS.TS Bùi Hiền?

Google News

(Kiến Thức) - Bộ chữ "Việt Nam song song 4.0" đang khiến dư luận ồn ào. Dù được chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả nhưng Viện Ngôn ngữ học đã từ chối thẩm định vì không có có cơ sở thực tiễn và cơ sở xã hội. Việc này khiến nhiều ý kiến cho rằng, sẽ thất bại như sáng chế của PGS.TS Bùi Hiền.

Bộ chữ "Việt Nam song song 4.0" kết hợp từ hai công trình Chữ Việt nhanh và Ký hiệu dấu của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL).
Bộ chữ này chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. "Chữ Việt Nam song song 4.0" có 3 thành phần cấu tạo bao gồm: Các chữ và vần chữ Quốc ngữ (CQN); Các chữ và vần chữ Việt nhanh (CVN) và Ký hiệu dấu (KHD).
Theo tác giả Kiều Trường Lâm, anh bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu từ năm lớp 2 – lớp 10. Năm 2012, anh phát hiện đề tài "Chữ Việt nhanh" – một kiểu chữ Việt ngắn gọn của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc) và sau đó đã phối hợp nghiên cứu.
“Chu Viet Nam song song 4.0“: On ao... that bai nhu sang che cua PGS.TS Bui Hien?
Tác giả Kiều Trường Lâm và ví dụ về Chữ Việt Nam song song 4.0. 
Tác giả Lâm cũng cho biết, không có ý định cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ đưa về cải tiến ở dạng không dấu. "Chữ VN song song 4.0" là chữ không dấu, có thể sử dụng ở bất kỳ điện thoại hay máy tính nào mà không cần bộ gõ tiếng Việt.
Nói thêm về công trình nghiên cứu này, tác giả Kiều Trường Lâm chia sẻ, ngay từ cái tên "Chữ Việt Nam song song 4.0" đã nói lên một phần mục tiêu là có thể sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.
Tuy nhiên, ngay khi công bố, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều từ dư luận, thậm chí nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề các tác giả bộ chữ này và không công nhận chữ cải tiến khi nó quá phức tạp, rắc rối. Một số ý kiến còn cho rằng, việc cải tiến chữ Việt như trên sẽ thất bại như việc cải cách chữ quốc ngữ 'tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt' của PGS Bùi Hiền.
Trước việc báo chí và mạng xã hội đưa tin và bàn luận về “Tác phẩm Chữ VN song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm, Bộ GD&ĐT mới đây phải phát đi thông báo, trong đó khẳng định, hiện nay Chính phủ, Bộ GD&ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt.
Trao đổi với PV Kiến Thức, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, tác giả Kiều Trường Lâm có đề nghị Viện Ngôn ngữ học thẩm định nhưng viện đã từ chối bởi đã có rất nhiều những đề nghị khác. Hơn nữa, bộ chữ này không có cơ sở thực tiễn và cơ sở xã hội trong việc cải cách chữ Quốc ngữ.
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, chữ quốc ngữ dưới dạng hiện tại chúng ta đang dùng có thể xem là xuất phát từ chữ quốc ngữ đã được hiệu chỉnh trong từ điển của Pigneau de Béhaine và hiện cơ bản đã định hình và được sử dụng hiệu quả.
“Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Tuy nhiên, nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Dù vậy, chữ Quốc ngữ có nhiều điều kiện đã hội tụ lại để có một bộ chữ viết và chính tả Quốc ngữ tiếng Việt định hình hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ X và thời gian tới sẽ chỉ còn một số rất ít thay đổi, điều chỉnh mang tính chi tiết cục bộ”, GS - TS Nguyễn Văn Hiệp nói.
Đồng thời theo ông, trên cơ sở hệ thống chữ Quốc ngữ đã định hình và được chấp nhận vấn đề có liên quan đến chữ Quốc ngữ nên được tiếp tục thảo luận hiện là chuẩn chính tả đối với những trường hợp có sự tranh chấp diễn đạt, như i/y, vấn đề viết hoa, vấn đề phiên âm, vấn đề vị trí dấu thanh.
“Việc chữ Quốc ngữ còn nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác chính là một trong những lí do trong một thời gian dài, liên tục có một số ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau, thậm chí cải tổ cơ bản”, GS - TS Nguyễn Văn Hiệp cho hay.
GS Nguyễn Văn Hiệp nói rằng, nhìn lại lịch sử những đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ hơn 100 năm qua, xin đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng thì chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả, một việc rất cần thiết trong thời 4.0.
"Tất cả những gì mọi người hình dung là có thể cải cách đối với chữ Quốc ngữ thì những người đi trước, Tây có ta có, đã bàn nát nước rồi. Đã có rất nhiều ủy ban, hội nghị hăm hở nêu ra các đề xuất cải cách rồi, mà đến nay chẳng có cải cách nào được thực hiện cả. Chữ Quốc ngữ vẫn giữ căn bản diện mạo như trong từ điển Taberd.", GS Nguyễn Văn Hiệp cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video PGS.TS Bùi Hiền nói gì khi đề xuất cải cách tiếng Việt của ông bị phản ứng?

Nguồn: VTC New

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)