Để ứng phó với cơn bão số 4, Ban chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Cùng với đó, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có công điện, văn bản chỉ đạo và tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo đối phó với bão.
|
Tàu bè neo đậu tại cảng Cái Rồng. |
Các tỉnh đã kế hoạch cấm biển và sơ tán dân. Theo đó, Quảng Ninh cấm biển từ 6h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 12h ngày 16/8. Hải Phòng cấm biển từ 12h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 12h ngày 16/8. Thái Bình đã cấm biển từ 12h ngày 15/8, sơ tán dân hoàn thành trước 14h ngày 16/8. Nam Định cấm biển từ 5h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 13h ngày 16/8. Ninh Bình cấm biển từ 16h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 16h ngày 16/8.
Tính đến 6h00 ngày 16/8, Bộ Tư lệnh bộ đôi biên phòng, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn: 36.314 phương tiện/137.774 người.
Hải Phòng
Ghi nhận của PV Kiến Thức, từ chiều tối ngày 15/8, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 7, sóng lớn, có mưa. Hiện nay, huyện đã lên phương án sơ tán các hộ dân ở khu 32 gian làng cá, đưa 106 tàu cùng 516 lao động vào tránh bão trong âu cảng…
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Tường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết, sáng sớm nay, khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ có gió cấp 6 cấp 7, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt mưa do ảnh hưởng bão số 4. Đến thời điểm hiện tại, công tác phòng chống bão số 4 đã được quân, dân trên đảo chuẩn bị chu đáo, tất cả các tàu, thuyền của ngư dân đã về cảng tránh trú bão an toàn, không còn phương tiện nào hoạt động ngoài khơi.
|
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kiểm tra tuyến đê Cát Hải. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Để chủ động phòng chống bão hiệu quả, Thành ủy Hải Phòng vừa có Văn bản thông báo ý kiến của Thường trực Thành ủy yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn thường xuyên bám cơ sở, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo việc phòng, chống bão được chủ động và hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão và chỉ đạo, khẩn trương tổ chức di dời dân tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 12 giờ ngày 16/8/2018. Cấm các phương tiện vận chuyển hành khách trên sông, biển kể từ 12 giờ ngày 16/8/2018.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm đếm, thông báo cho 3.099 phương tiện, 450 lồng bè, 299 chòi canh đang hoạt động và neo đậu để chủ động phòng tránh bão. Các huyện, quận đã rà soát, thống kê 1.969 hộ/7.729 người tại các khu vực nguy hiểm để chuẩn bị công tác di dân.
Thái Bình
Ngày 15/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình vừa có công điện khẩn chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 Bebinca yêu cầu các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 12h ngày 15/8.
Các đơn vị không để các phương tiện neo đậu gần các cầu, cống, công trình thủy lợi; sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống cây cối, nhà cửa, trường học, bệnh viện, các lồng bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ven sông, ven biển; khơi thông dòng chảy, khoanh vùng tiêu úng phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu…
|
Lực lượng biên phòng chằng chống thuyền giúp ngư dân ứng phó bão tại Thái Bình. |
Các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, kiên quyết di dời đến nơi an toàn, di dời người và tài sản ở các khu vực bối, bãi thấp ven sông, ven biển ở các huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ để phòng nước dâng do bão. Các công việc phải hoàn thành trươc 14h ngày 16/8.
Các địa phương, đơn vị dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão theo phương châm 4 tại chỗ.
“Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản mà không chủ động, ứng phó kịp thời thì người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu xử ý trách nhiệm theo quy định của pháp luật", Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình nêu rõ.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 16 giờ ngày 15/8 trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân đang làm ăn trên biển. Trong đó, có 78 phương tiện với 382 lao động đang hoạt động, neo đậu các bến ngoài tỉnh; 22 phương tiện với 72 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình; 1.139 phương tiện với 3.154 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.
Hiện nay toàn tỉnh còn có 4.229 hộ dân với 15.249 người sinh sống ngoài đê chính cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ; 7.731 hộ với 17.236 người sống trong nhà yếu cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.
Quảng Ninh
Xác đinh đặc thù của tỉnh miền núi, ven biển, có hoạt động khai thác khoáng sản, thủy sản và du lịch trên biển, đang triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông…khả năng xảy ra ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số13 yêu cầu, rà soát, chỉ đạo đến tổ dân, khu phố các biện pháp ứng phó với bão, đặc biệt là tác động ảnh hưởng mưa lớn có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đá. Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án phòng chống mưa bão đã được xây dựng, với tinh thần chủ động ứng phó, sẵn sàng phương tiện, nhân lực, vật tư ứng cứu, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các tình huống.
Để chủ động ứng phó với bão, ngay trong ngày 15/8, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống.
Tại thành phố Móng Cái, ngay trong sáng ngày 15/8, Bí thư Thành ủy Móng Cái Ngô Hoàng Ngân, đã trực tiếp kiểm tra, rà soát thực địa khu vực cầu, cảng, nơi neo đậu tàu thuyền trên địa bàn thành phố.
Hiện trên địa bàn Thành phố Móng Cái có 1.296 tàu thuyền khai thác thủy sản; 650 tàu đò hoạt động vận tải trên sông Ka Long, Bắc Luân; 348 lồng, bè nuôi trồng thủy sản ven biển. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo khi ảnh hưởng bởi bão số 4 và lượng mưa đầu nguồn lớn, lũ trên sông dâng cao sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải trên sông và cuộc sống của nhân dân. Thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo bà con đảm bảo an toàn trên sông biên giới khi có mưa to, lũ lớn, chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án phòng chống mưa bão với tinh thần chủ động ứng phó, sẵn sàng phương tiện, nhân lực, vật tư ứng cứu, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các tình huống.
Tại Cẩm Phả: Thành phố đã yêu cầu UBND các phường, xã, cơ quan đơn vị nắm lại số tàu thuyền, đặc biệt là 19 tàu đánh bắt xa bờ; khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi về các nơi neo đậu tránh trú bão an toàn; gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.