Từ 7h sáng, nhất là vào các ngày cuối tuần, xung quanh khu vực Công viên 30 Tháng 4, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, hồ Con Rùa…, từng đôi, từng nhóm bạn trẻ ngồi trên nền xi-măng, trên tay cầm ly cà phê và trò chuyện, chụp ảnh. Không cầu kỳ không gian, không cần máy móc hiện đại, không ghế ngồi…, người bán chỉ có một xe đẩy nhỏ với đủ loại thức uống, một tấm biển đơn giản và trải sẵn những tấm ni-lông, bìa carton cùng lời chèo kéo khách, tạo nên một cảnh tượng nhộn nhịp.
Mỗi ly cà phê với giá từ 15.000 - 20.000 đồng, khách chọn một chỗ ngồi "bệt" trong công viên là đã được trải nghiệm trọn vẹn nét riêng thú vị này. Thậm chí, "quán cà phê rộng nhất TP HCM" này đến trưa vẫn đông khách mặc dù nắng đã chói chang.
|
Cà phê “bệt” được nhiều bạn trẻ ở TP HCM lựa chọn
|
Vừa ngồi vừa uống cà phê trong công viên rộng, thoáng mát và nhộn nhịp, đó là lý do nhiều bạn trẻ thích chọn cà phê "bệt" hơn là vào quán. Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh nhộn nhịp, sống động ấy vẫn còn nhiều điều không đẹp mắt.
Người bán tận dụng lối đi cho khách ngồi, nhiều bạn trẻ đến uống cà phê chọn đỗ xe dưới lòng đường, dù xung quanh có nhiều điểm giữ xe hoạt động. Đến khi nhân viên trật tự đô thị đến kiểm tra, khách vừa cầm ly nước vừa thu dọn đồ đạc hoặc vội leo lên xe bỏ chạy, tạo nên khung cảnh nhốn nháo, xô bồ. Khi nhân viên trật tự đô thị rời đi, người bán tiếp tục trải tấm ni-lông ra, khách trở lại vị trí và tiếp tục cuộc vui của mình. "Trật tự đô thị đuổi thì mình phải né thôi. Ngày nào họ cũng đuổi 2 - 3 lần" - một người bán giải khát cho biết.
Đáng nói nhất là tình trạng "người đi, rác ở lại". Khi khách ra về, ly nhựa, vỏ chai, thức ăn thừa được bỏ lại. Dù thùng rác được bố trí bên cạnh, dọc lối đi công viên, trên vỉa hè, trong bồn hoa, thảm cỏ… nhưng không khó để thấy hình ảnh vỏ nhựa, hộp đựng thức ăn, tàn thuốc, cà phê thừa đổ ra mặt đất... khiến khu vực trung tâm lúc này bị bôi bẩn. Lắm khi nhóm này vừa rời đi, nhóm khác tới vẫn vô tư ngồi nói chuyện dù bên cạnh là rác thải của nhóm trước.
Cà phê "bệt" được xem như "nét văn hóa" của một bộ phận giới trẻ ở TP HCM. Vì thế, cần có kế hoạch quản lý phù hợp để không làm mất điểm trong mắt khách du lịch đến thành phố.