Ca bệnh 34 “siêu lây nhiễm” ở Bình Thuận: Đã khỏi... giờ cần chịu “án phạt“?

Google News

(Kiến Thức) - Ca bệnh COVID-19 thứ 34 là một nữ doanh nhân, được "mệnh danh" là ca "siêu lây nhiễm" ở Bình Thuận đã khỏi bệnh và ra viện sáng 3/4, trước đó, ca bệnh này có tình trạng khai báo gian dối khi phát hiện bệnh. Vậy, với trường hợp này liệu có bị xử lý theo quy định pháp luật? 

Sáng 3/4, Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận đã làm thủ tục công bố khỏi bệnh cho 7 bệnh nhân nhiễm COVID-19 và chuyển những bệnh nhân này đi cách ly tiếp 14 ngày tại Trung tâm điều trị bênh nhận COVID-19 của tỉnh.
Trong số các bệnh nhân nhiễm COVID-19 được ra viện có bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 34, nữ doanh nhân 51 tuổi, cũng nằm trong số 7 người kết quả âm tính lần thứ 3.
Các bệnh nhân COVID-19 tại Bình Thuận cùng có nguồn lây từ "bệnh nhân 34". Người này trở về từ Mỹ sau chuyến du lịch. Ngoài 8 người ở Bình Thuận, "bệnh nhân 34" còn lây cho 2 nhân viên kinh doanh của công ty thiết bị vệ sinh ở TP HCM trong lần tiếp xúc tại Phan Thiết hồi đầu tháng 3.
Điều đáng nói, sau khi bệnh nhân 34 đi du lịch từ Mỹ về đã khai báo gian dối khiến cho nhiều người bị lây nhiễm và công tác cách ly cũng bị hạn chế...
Nếu chiếu theo các quy định hiện hành, bệnh nhân COVID-19 thứ 34 có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sau khi khỏi bệnh. 
Ca benh 34 “sieu lay nhiem” o Binh Thuan: Da khoi... gio can chiu “an phat“?
Bệnh nhân số 34 đã xuất viện 
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Có thể nói rằng, không riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay coi COVID-19 là "giặc", nó tàn phá cả nền kinh tế, có thể giết chết cả trăm, ngàn người, đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy, làm đảo lộn tất cả các quan hệ kinh tế, xã hội, nhiều người dân vào thế khó khăn, bế tắc...
Trước tình hình đó Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều biện pháp kinh tế, xã hội đã được đưa ra, tổ chức thực hiện để đảm bảo ổn định đời sống xã hội của người dân, giảm bớt những thiệt hại về kinh tế, hạn chế tối đa những xáo trộn của đời sống kinh tế xã hội và bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân và bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Phần lớn người dân đều có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng tình trạng dịch bệnh để đầu cơ, trục lợi trong việc mua bán khẩu trang, thuốc, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm.
Nhiều hành vi đưa tin sai sự thật gây hoang mang cho dư luận, những vụ việc lừa đảo từ việc mua bán khẩu trang, thuốc, vật tư y tế... có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó những hành vi khai báo gian dối khi thực hiện thủ tục khai báo y tế, trốn tránh cách ly y tế gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của nhiều người đe dọa đến an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 còn có nhiều điều khoản chưa có văn bản hướng dẫn, khó áp dụng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các chế tài hình sự đối với một số tội danh trong thời điểm dịch bệnh, có liên quan đến phòng chống dịch bệnh.
Trước tình hình đó, 30/3/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC để hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó quy định:
"Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
- Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; Không tuân thủ quy định cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối..."
Ca benh 34 “sieu lay nhiem” o Binh Thuan: Da khoi... gio can chiu “an phat“?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường 
Như vậy, với các hành vi chống đối, cản trở hoạt động phòng chống dịch bệnh, lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những hành vi không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh làm mất an toàn công cộng, làm nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch trong cộng đồng gia tăng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Văn bản này thể hiện tính chất răn đe, phòng ngừa cao đối với các hành vi vi phạm trong thời điểm dịch bệnh. Việc ban hành văn bản hướng dẫn này là cần thiết, kịp thời, khai thông bế tắc trong việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trong thời gian qua.
Với các quy định nêu trên thì các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối đối với người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc thuộc đối tượng bắt buộc phải cách ly y tế nhưng cố tình không thực hiện làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự.
Còn đối với những khu vực đã bị cách ly, phong tỏa mà người nào chưa mắc bệnh nhưng có một trong các hành vi nêu trên, gây thiệt hại đến chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên thì hành vi của một số bệnh nhân trong thời gian vừa qua có dấu hiệu tội phạm, có dấu hiệu của Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự và Tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật hình sự.
Để xử lý về các tội danh nêu trên thì ngoài việc chứng minh hành vi khách quan thuộc một trong các trường hợp nêu trên, cơ quan điều tra sẽ phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ý thức chủ quan của người vi phạm, ở đây là yếu tố về lỗi. Trong các tội danh nêu trên thì lỗi vi phạm đều là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
Ca benh 34 “sieu lay nhiem” o Binh Thuan: Da khoi... gio can chiu “an phat“?-Hinh-3
 
Để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra cần chứng minh rằng người vi phạm biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố ý thực hiện hành vi vi phạm, bỏ mặc hoặc mong muốn hậu quả gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, gây nguy hiểm cho cộng đồng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì mới có thể xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp này.
Khi Cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh đầy đủ hành vi khách quan thể hiện thức chủ quan, xác định hành vi có lỗi và gây ra hậu quả là bệnh dịch lây lan hoặc hậu quả gây thiệt hại đến kinh tế của nhà nước thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi khai báo gian dối, trốn tránh cách ly gây bức xúc dư luận nêu trên. Công văn này không phải là quy định mới của pháp luật để hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự mà là văn bản hướng dẫn, giải thích, làm rõ một số điều mà bộ luật hình sự đã có quy định. Bởi vậy, những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trước khi có văn bản này nhưng sau thời điểm bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo nội dung hướng dẫn, làm rõ tại văn bản này.
Bởi vậy, đối với một số bệnh nhân có hành vi trốn tránh cách ly, khai báo gian dối, cản trở hoạt động phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh và cộng đồng, gây thiệt hại đến kinh tế của nhà nước thì sau khi chữa khỏi bệnh, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh nêu trên, nếu đủ căn cứ thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Yếu tố quan trọng là chứng minh được hành vi vi phạm và chứng minh được yếu tố lỗi, còn hậu quả gây ra cho xã hội là đã rất rõ ràng.
Thời gian qua, nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh khiến dư luận xã hội bức xúc, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn công cộng, làm lây lan dịch bệnh covid-19 ra cộng đồng nhưng chưa trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc cơ quan chức năng chưa áp dụng chế tài hình sự đối với các trường hợp vi phạm trong thời gian qua bởi nhiều lý do như: Chúng ta đang tập trung tuyên truyền, giáo dục, truyền thông để chống dịch nêu cao tinh thần tự giác và bước đầu ở dạng khuyến cáo, cảnh báo và thuyết phục; tình trạng dịch bệnh trước đây vẫn đang chưa ở mức nghiêm trọng, vẫn có thể kiểm soát tốt, khả năng lây lan trong cộng đồng chưa cao; Các quy định của Bộ luật hình sự còn có nhiều cách hiểu khác nhau, còn thiếu những hướng dẫn cụ thể...
Tuy nhiên, trước những hành vi vi phạm ngày càng nhiều, gây lo lắng trong xã hội, gây mất an toàn công cộng, nguy cơ lây lan ra dịch bệnh trong cộng đồng hiện nay là rất cao.
Bởi vậy, trong thời gian tới có lẽ cũng cần phải xử lý hình sự một vài trường hợp điển hình vi phạm quy định về cách ly, cản trở hoạt động khám chữa bệnh mà gây dư luận xấu để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. 
>>> Xem thêm video: Thủ tướng chỉ thị: Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1/4 trên phạm vi toàn quốc

Nguồn VTV24

Xuân Diệp

>> xem thêm

Bình luận(0)