Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an quy định tại Luật Công an nhân dân năm 2018 bảo đảm tương quan với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: QH. |
Đến nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2019. Trong khi đó, Bộ luật Lao động được coi là “Luật gốc” về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung. Vì vậy, trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng CAND, cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP cho phù hợp.
Bên cạnh đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan CAND ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật CAND, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan CAND là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội …
Tuy nhiên, Luật CAND năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn.
Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp...
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. QH. |
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 03 tuổi, nữ Đại tá lên 5 tuổi là mức tăng đáng kể, trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 2 tuổi để phù hợp với môi trường công tác đặc thù của lực lượng CAND.
Về bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng không vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong CAND do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.
Đồng thời nhất trí với quy định sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng là phù hợp với tinh thần Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng (điểm a khoản 3 Điều 1); Về cấp bậc hàm cấp tướng đối với đơn vị thành lập mới (điểm b khoản 3 Điều 1); Về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng (điểm c khoản 3 Điều 1). Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm cao nhất và phân cấp chỉ huy trên dưới trong CAND.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.