Hà Nội điều chuyển tuyến "không đúng lộ trình"?
Liên quan đến sự việc gần 100 xe khách của các nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình… kéo lên Hà Nội phản đối điều chuyển tuyến bị các lực lượng chức năng ngăn lại tại trạm thu phí Km188 + 300 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 28/2, chiều 1/3, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Sở GTVT Hà Nội đã diễn ra cuộc thoại với các doanh nghiệp, nhà xe.
Tại cuộc đối thoại Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường, đại diện UBND TP Hà Nội, cùng đại diện Sở GTVT Hà Nội và các ban, ngành thành phố đã cùng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp, nhà xe chạy tuyến liên tỉnh một cách "cởi mở".
|
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, UBND TP Hà Nội cùng các đại biểu tham dự cuộc họp đối thoại với đại diện các doanh nghiệp, nhà xe liên quan đến việc phản ánh điều chuyển tuyến giao thông vận tải. |
Thế nhưng, đa số đại diện xe khách đều cho biết, sau hai tháng thực hiện điều chuyển phân luồng tuyến vận tải của Hà Nội từ bến Mỹ Đình về bến Giáp Bát, Nước Ngầm hoạt động kinh doanh vận tải của họ đều bị thua lỗ nặng nề, có nguy cơ phá sản trong thời gian tới.
Một số nhà xe khác cho rằng, Hà Nội điều chuyển tuyến như vậy là "không đúng lộ trình, không hỏi ý kiến các doanh nghiệp...". Hơn nữa, Hà Nội chỉ ra văn bản một ngày rồi thực hiện luôn việc điều chuyển tuyến. Do thời gian rất ngắn nên các doanh nghiệp, nhà xe không kịp xoay chuyển hoạt động kinh doanh vận tải.
|
Đại diện các doanh nghiệp, nhà xe đều cho hay, họ thua lỗ nặng sau khi Hà Nội điều chuyển phân luồng tuyến vận tải. |
Theo đại diện xe khách chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội, cho biết: “Trước ngày điều chuyển chúng tôi đều nhận được văn bản. Thế nhưng, từ thời gian thực hiện điều chuyển chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không có khách, ngày lễ khách vắng tanh. Đáng nhẽ, Hà Nội muốn điều chuyển thì phải có lộ trình, khẳng định làm như thế này chúng tôi đều phá sản. Nợ 70 triệu trong 2 tháng, người nào lỗ to thì vẫn lỗ to. Trong khi đó, không có khách vẫn phải trả lương lái xe, phụ xe, phí đường…".
Còn Chủ tịch liên hiệp hội vận tải Nam Định thì nói rằng: “Chúng tôi thống nhất chủ trương việc điều chuyển phân luồng tuyến giao thông vận tải ở Hà Nội nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Thực hiện việc điều chuyển các doanh nghiệp đã đưa xe khách về bến xe Nước Ngầm để hoạt động. Tuy nhiên, gần 2 tháng kinh doanh vận tải thua lỗ nặng nề. Cụ thể 10 doanh nghiệp, tháng một thua lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai thua lỗ 200 triệu đồng, thiệt hại quá nặng nề. Các doanh nghiệp đều có nguy cơ phá sản trong việc điều chuyển tuyến của Hà Nội… Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội lại cấp phép cho một số xe nhỏ hợp đồng hoạt động chạy tuyến Nam Định lại hoạt động theo kiểu trá hình, gây bức xúc.
Nếu vẫn giữ nguyên quyết định, xem xét và có biện pháp cân bằng giữa các phương tiện đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát với các phương tiện cùng tuyến tại bến xe Nước Ngầm vì khoảng cách giữa hai bến xe không xa lắm...”.
|
Toàn cảnh cuộc họp đối thoại giữa Hà Nội với đại diện các nhà xe điều chuyển phân luồng tuyến vận tải. |
Ông Trần Quang Công (đại diện xe khách Thanh Hóa) thẳng thắn, nhấn mạnh: “Nhiều lần tham gia họp cùng Sở GTVT Hà Nội chúng tôi đều không có ích gì. Sở GTVT chỉ ra văn bản mà không xem xét thực tế như thế nào? Nếu có điều kiện xin mời các lãnh đạo Hà Nội, Sở GTVT lên bến xe Mỹ Đình xem các xe dù, xe trá hình hoạt động rất nhanh, lộng hành sau gần 2 tháng chúng tôi thực hiện việc
điều chuyển tuyến theo đúng quy hoạch của Hà Nội. Nếu các xe khách dù, nhỏ cứ hoạt động như vậy thì ai đi xe khách đúng tuyến nữa.Lượng khách ở bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm đi tuyến xe chúng tôi đều không tăng từ khi thực hiện điều chuyển tuyến.
Điều chuyển luồng tuyến vận tải là "có căn cứ"
Sau khi nghe ý kiến bày tỏ của các nhà xe, doanh nghiệp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Vũ Văn Viện, cho biết: "Hà Nội đang triển khai 6 nhóm giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, trong đó có phân lại luồng tuyến các xe khách. Chủ trương giải quyết ùn tắc giao thông cho TP Hà Nội là chủ trương rất lớn, là một trong những trọng tâm công việc của thành phố. Hơn nữa, năng lực, kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển của các phương tiện giao thông, nút giao thông vành đai 3 thì liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc..".
Theo ông Viện, việc điều chuyển tuyến là “có căn cứ”, được chuẩn bị từ rất lâu. Nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt, nhịp nhàng theo đúng quy hoạch đạt tỷ lệ 99%. Sau khi thực hiện nút giao thông vành đai 3 đã giảm thiểu ùn tắc rõ ràng. Nếu nói vắng khách của một số nhà xe tại bến Nước Ngầm, Giáp Bát có thể nhu cầu đi lại của nhân dân hiện nay tốt hơn, họ lựa chọn đi bằng tàu về chứ không còn đi ô tô nữa. “Vắng khách do năng lực, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Còn các xe chung luồng tuyến tại hai bến Nước Ngầm và Giáp Bát, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét báo cáo lên Bộ GTVT. Trường hợp xe dù, bến cóc không phải là chúng tôi không kiểm tra, xử lý, chúng tôi không bao che…”, ông Viện nói.
|
Gần 100 xe khách của các nhà xe tuyến Nam Định, Thái Bình... không chở khách kéo nhau lên Hà Nội phản ánh việc điều chuyển phân luồng tuyến vận tải ngày 28/2. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chia sẻ: "Xét về mặt hoạt động vận tải các doanh nghiệp, Bộ GTVT hết sức cảm thông khi một số doanh nghiệp bị hụt giảm doanh thu và nợ nần, thua lỗ sau việc điều chuyển tuyến...". Tuy nhiên, vấn đề này Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường sẽ báo cáo lên Bộ GTVT và Thủ tướng quyết định.
Trước đó, sáng 28/2, gần 100 xe khách của các nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình đã đồng loạt không chở khách, lên Hà Nội phản ánh việc điều chuyển tuyến giao thông vận tải của Hà Nội. Tuy nhiên, khi đoàn xe di chuyển đến trạm thu phí Km188 + 300 trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã bị các lực lượng chức năng ngăn lại, đồng thời giải thích cho các lái xe hiểu, tránh gây náo loạn giao thông cả trong và ngoài trung tâm TP Hà Nội.