Theo ông Ga, thí sinh lưu ý tham khảo điểm chuẩn vào các ngành, trường yêu thích để quyết định nộp đăng ký xét tuyển phù hợp kết quả thi của mình.
Hiện nay, một số trường đại học lớn, có tính cạnh tranh rất cao nhưng vẫn thông báo nhận đăng ký xét tuyển từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT (15 điểm).
|
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
|
"Thí sinh lưu ý, đây là ngưỡng tối thiểu chứ không phải điểm chuẩn vào trường. Rút kinh nghiệm đợt 1, trong các đợt xét tuyển bổ sung, các trường nên quy định ngưỡng nhận
đăng ký xét tuyển gần với điểm chuẩn dự kiến hơn để tránh gây hiểu nhầm đối với thí sinh và tránh gây khó khăn cho các trường phía dưới", lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói.
Trước đó, tại buổi tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 diễn ra ở Hà Nội sáng 5/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học lớn, các trường thuộc top trên công bố mức điểm sàn cao hơn ngưỡng điểm sàn của Bộ GD&ĐT để xét tuyển.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, điểm sàn 15 mà Bộ GD&ĐT công bố là mức tối thiểu. Năm ngoái, rất nhiều thí sinh đăng ký vào các trường này và "mắc kẹt" vì mức điểm chuẩn đầu vào chênh lệch quá xa so với điểm sàn và điểm của thí sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị hiệu trưởng các trường đại học lớn, các trường top trên phải công bố mức điểm sàn cao, sát với điểm chuẩn đầu vào dự kiến, tạo thêm cơ hội tuyển sinh cho các trường tốp dưới và quan trọng nhất là minh bạch, không làm mất cơ hội của thí sinh có mức điểm xung quanh ngưỡng điểm sàn.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, nếu các trường đã công bố điểm rồi thì rút lại và công bố ngưỡng điểm chuẩn sao cho tương xứng vị thế của trường.
Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo rất sát sao vấn đề này để tránh thiệt thòi cho các thí sinh và các trường tốp dưới.