Với bản chất khôn ngoan, Năm Cam cố gắng “xóa hết dấu tích” ăn chơi của mình. Dù vậy bằng sự nhạy cảm của người đàn bà, bà Nguyệt vẫn nhận ra “chân tướng đào hoa” của chồng.
Xé hình người yêu cũ trong đêm tân hôn
Dù không hề có tình cảm với Năm Cam, nhưng là người con gái ngoan, lại hiếu thuận nên điều tất yếu là bà Nguyệt phải chấp nhận quyết định của đấng sinh thành. Theo lời bà Nguyệt, lúc đó tuy bằng tuổi bà, nhưng Năm Cam đã có rất nhiều bóng hình đi qua đời mình.
Nhớ lại chuyện này, bà Nguyệt kể lại kỷ niệm: “Đêm tân hôn, tôi thấy ông Năm đi ra ngoài cổng, làm gì đó tôi không biết. Nhưng sáng ra, ông đi ra ngoài, tôi quét dọn thì thấy mấy tấm hình bị xé nát. Tôi lượm lại, thì đó là hình của các cô gái rất đẹp. Dù còn nhỏ, nhưng linh cảm của người phụ nữ cho tôi biết, đó là tấm hình của mấy người yêu cũ ông. Tôi đưa hết vào nhà, lấy cơm nếp dán lại. Tôi thấy mình lạ lắm, chẳng hề ghen ghét, mà thấy thương những người đàn bà đi qua đời chồng tôi lúc đó. Dù sao cũng từng nói thương yêu nhau, mà lại bị ổng xé hình ổng vứt ngoài đường vậy đó”.
|
“Trúc mẫu hậu”, vợ sau của Năm Cam từng bị bà Nguyệt sang quậy vì tội nói sai về bà Nguyệt. |
Sau khi dán hình các cô gái lại, thì Năm Cam đi về. Thấy vợ đang dán lại hình, Năm Cam không nói gì mà lặng lặng ra ngoài ngồi. Bà Nguyệt nói: “Tôi cũng chẳng biết ông nghĩ gì, nhưng mà thấy ông im lặng. Tôi cũng là người hiểu chuyện, nên không hỏi thêm câu gì nữa. Lúc đó tôi nghĩ, ông ra đời nhiều, đàn ông thì chuyện có người yêu cũng thường tình”.
Cuộc sống vợ chồng của bà Nguyệt những ngày đầu vô cùng hạnh phúc. Trong hồi ức bà Nguyệt, ông Năm là người chồng tuy đào hoa, nhưng rất yêu thương vợ con.
|
Hùng - con chung của bà Nguyệt với Năm Cam |
Bà Nguyệt kể lại, ngày đó tuy mới 15 tuổi, nhưng cưới nhau về chừng một tháng thì bà Nguyệt dính bầu. Ông Năm nghe tin đó vui lắm, ông chăm bà Nguyệt rất chu đáo. Bà Nguyệt kể lại: “Thấy tôi thèm ăn chua, ông ngày nào cũng mua xoài, mua cóc về cho tôi ăn. Ông còn khuyên tôi nên ăn trái cây để tốt cho sức khỏe 2 mẹ con, trái cây ông lựa toàn loại ngon. Ông còn dặn, chỉ ăn một lần, thừa là vứt đi chứ không bao giờ được ăn lại. Ông đi đâu cũng không đi qua đêm, cứ rảnh là về với vợ. Tôi ở với ông tuy có mấy tháng, nhưng đó là quãng thời gian êm đềm. Dù không phải tình yêu, nhưng dần dần tôi thương ông hơn, bởi ông hết lòng chăm sóc tôi. Điều đặc biệt, dù ra ngoài đời cứ hở chút là ông đánh người ta, hay là sai đàn em hành hung nhiều người. Nhưng với vợ, ông chưa từng một lần nói nặng nhẹ. Tôi tuy bị ông bỏ rơi, nhưng có gì tôi nói đó. Chứ không phải vì ông bỏ rơi mà lại nói chuyện không đúng. Cái gì ông sai ông chịu, nhưng cái tình trong khoảng thời gian sống cùng nhau, tôi vẫn rất trân trọng".
Chia tay vì đôi bông tai cưới
Những tưởng cuộc hôn nhân được gia đình sắp đặt ấy, với tình yêu thương và sự ân cần của Năm Cam với bà Nguyệt, làm họ gắn kết với nhau, nhưng không ngờ, sự chia ly của họ là do người thứ ba, không phải người tình Năm Cam, mà là chị gái của Năm Cam.
Theo lời bà Nguyệt, ngày đó gia đình Năm Cam nghèo, sau khi bà Nguyệt về làm dâu mấy tháng, chị gái Năm Cam có lời mượn của bà Nguyệt đôi bông tai cưới. Nhưng bà Nguyệt nhất quyết không cho, vì theo bà đôi bông tai ấy là kỷ vật thiêng liêng của vợ chồng, nên không thể tùy tiện cho ai mượn.
Cũng chính vì vậy, mà bà làm mất lòng chị chồng. Sau đó, chị gái Năm Cam bảo với Năm Cam: “Em đem con Nguyệt về nhà nó, gửi ba mẹ nó một thời gian, sau này sinh xong thì lại đưa về”. Nghe lời chị gái, Năm Cam đưa bà Nguyệt về nhà ba mẹ vợ “gửi gắm”. Những tưởng chồng gửi mình đến khi sinh xong thì đưa về, nhưng với bản chất ham chơi và đào hoa của mình, Năm Cam đã “một đi không muốn trở lại”.
Bà Nguyệt buồn bã nói: “Lúc đầu ông Năm đưa tôi sang nhà ba mẹ ruột, ai cũng nghĩ ổng muốn tôi khi có bầu nên sống ở nhà ba mẹ đẻ cho thoải mái. Ai ngờ, lúc đầu ông chỉ thăm được vài lần, rồi ổng không qua nữa”.
Mười lăm tuổi, với cái bầu vượt mặt và nỗi đau đớn bị chồng bỏ rơi, lúc đó bà Nguyệt tưởng chừng như chết đi, nhưng nhờ sự yêu thương của bên ngoại, bà đã vượt qua được nỗi đau lớn nhất đời ấy. Và bà đau lòng hơn, khi đứa con chưa kịp chào đời, bà đã nghe Năm Cam được gia đình cưới bà Trúc.
Kể về “tình địch’ của mình, bà Nguyệt nói: “Bà Trúc hơn tuổi Năm Cam, cũng đẹp gái. Chúng tôi lớn lên cùng khu, nên biết nhau hết. Tôi chẳng oán giận bà ấy, vì như người ta nói, thì chính bà ấy cướp chồng tôi. Nhưng tôi kệ, tôi chỉ nghĩ là chúng tôi không có duyên phận ở bên nhau, là do ông Năm ông ấy lựa chọn, chứ đàn bà chúng tôi thì như nhau cả thôi. Chưa bao giờ tôi nói ai cướp ông ấy của tôi cả”.
Với tâm niệm như thế, nhưng bà Nguyệt cũng chịu không ít thị phi vì chuyện này. Cả khu quận 4 vẫn nhớ như in, một lần bà Nguyệt đi phăm phăm sang nhà Năm Cam, bà đẩy cửa ra hỏi: “Bà Trúc đâu?”. Bà Trúc thấy bà Nguyệt mặt tức tối, cũng hỏi lại: “Có chuyện gì chị Nguyệt?”. Bà Nguyệt bực tức nói: “Sao bà nói tui là ở nhà theo trai lúc ông Năm đi tù? Rồi bảo tui đi nói với người ta là bà cướp chồng tui? Tui nói cho bà biết nghe, ông Năm bỏ tui chứ tui không bỏ ổng. Thà ổng bỏ của tràn nhà, ổng cung phụng hai mẹ con tui, xong ổng đi tù... tui bỏ ông tui theo trai. Vậy thì ai chửi tui cũng chịu à. Còn đây ổng bỏ tui từ lúc thằng Hùng còn chưa ra đời, ổng bỏ tui ổng đi. Thì tui có làm gái nuôi con cũng chẳng ai trách tui được, mắc mớ chi mà bà đi nói vậy với người ta”.
Lúc nghe câu đó xong, bà Trúc chối bay chối biến, nhưng khi bà Nguyệt đưa ra nhân chứng, thì con gái bà Trúc đến vuốt ngực bà Nguyệt bảo: “Má ơi! Má bớt nóng, má hai (ý nói bà Trúc) lỡ lời nên nói vậy. Chuyện trong nhà má bỏ qua đi, nói lớn người ta cười”.
Rồi người con gái này quay qua bà Trúc bảo: “Thôi má đừng nói thêm nữa, chỉ cãi nhau thôi”. Khi được hỏi, thực sự có vụ “đụng độ” đó không, bà Nguyệt gật đầu xác nhận: “Tôi và nó sống cùng khu với nhau, nó nói gì chẳng đến tai tôi. Với ai, bà Trúc là người đáng sợ, nhưng tôi chẳng sợ, tôi không làm gì sai tôi chẳng có gì phải sợ bà ấy cả. Cứ nghe nói trái về tôi, là tôi chạy sang tôi quậy à”. Trước việc “đấu khẩu” vợ cũ, vợ mới, Năm Cam bao giờ cũng “dĩ hòa vi quý” cho xong chuyện.
Bởi, với việc có quá nhiều vợ và bồ, Năm Cam cũng phải cố gắng dàn xếp, để “hậu phương” khỏi xáo xào. Theo lời bà Nguyệt, thì các con riêng của Năm Cam cũng thương quý bà. Bà nói: “Tôi cả đời chưa từng tranh giành gì với tụi nó cả, tôi cũng dạy thằng Hùng là dù ba mày có núi tiền, mày cũng không được tranh giành. Tiền bạc là phù du, nếu có nó một cách bất chính rồi cũng không giữ được lâu. Tôi có cái nhà nhỏ này, nhưng công sức của tôi nên nó là mãi mãi, còn lấy tiền bất chính thì trước sau nó cũng hết”.
Con của bà Nguyệt chịu nhiều thiệt thòi hơn
Đối với Hùng, Năm Cam vẫn có trách nhiệm, nhưng không bằng những đứa con khác. Lúc nhỏ, Hùng có máu của cha mình nên rất ngỗ ngược. Suốt ngày ham chơi, hay đánh nhau và còn hay chôm chỉa lặt vặt. Bà Nguyệt biết được nên thường hay đánh Hùng. Mỗi lần giận mẹ, Hùng đều sang nhà ba ở. Cũng vì lý do này, mà có lần bà Trúc bảo, bà Nguyệt xui con trai sang để nhằm chia tai sản sau này. Nhưng dù được ba nuôi nấng, Hùng với Năm Cam vẫn xung khắc. Trong thời hoàng kim của Năm Cam, Hùng so với những đứa con khác vẫn thiệt thòi hơn nhiều.