Suốt phiên xử mở tại TAND Hà Tĩnh, bị cáo Nguyễn Văn Tiến (27 tuổi) liên tục khóc khi kể lại hành vi sát hại, vứt xác nữ giám thị, cũng là vị khách đi taxi của anh ta, xuống sông phi tang. Cách hai hàng ghế, bố mẹ Tiến liên tục ôm mặt ngăn tiếng khóc. Ở hàng ghế bên cạnh, người nhà nạn nhân ôm di ảnh, nước mắt lăn dài từ gò má chảy xuống khung hình.
Theo bản án ngày 26/4 của TAND Hà Tĩnh, ngày 3/7/2016, nam tài xế chở chị Phạm Thị Oanh (giám thị coi thi THPT quốc gia tại Hà Tĩnh) tới nhà thờ làm lễ, sau đó cho xe đi lòng vòng. "Xin đểu" ít tiền song không được, Tiến dọa dẫm vị khách. Và khi cô cái kêu khóc vì sợ hãi, gã tài xế đã chốt cửa xe, bóp cổ rồi đến bất tỉnh, vứt xác xuống sông tại khu vực cầu Sú (huyện Thạch Hà).
Quá trình lấy lời khai, cảnh sát cũng phát hiện trước đó một tháng, khi chở bé gái 11 tuổi từ TP Hà Tĩnh tới xã Thạch Khê (Thạch Hà), Tiến đã có hành vi sàm sỡ. Sau hôm đó, nạn nhân bị chấn động tâm lý.
|
Bố mẹ Tiến ngồi ngay sau con trai. Ảnh: Đức Hùng |
Tại phiên tòa, Tiến thừa nhận tội lỗi song cho rằng thiếu khoảng 300.000 đồng tiền lệnh nộp cho hãng taxi nên bột phát gây án trong lúc không làm chủ được bản thân.
Ngồi phía sau, bố mẹ bị cáo tóc bạc phơ, trình bày từ khi con trai gây tội tày đình thì tinh thần suy sụp, không muốn ra ngoài đối diện với mọi người. Ông bà tích cóp được 70 triệu đồng đã gửi gia đình chị Oanh lo chi phí đám tang, mong được chia sẻ với nỗi đau không gì bù đắp được.
Tiến nghe bố mẹ nói lại càng khóc nhiều, hơn, song vẫn cho rằng việc sát hại chị Oanh là do hoảng hốt không dừng lại được. Việc
sàm sỡ cháu bé gái là "đùa cho vui".
"Tại sao anh vứt xác nạn nhân ở dưới sông mà không phải là một nơi khác. Hành vi này là cố tình thực hiện tội ác tới cùng, không phải là bột phát hay hoảng hốt", thẩm phán Bùi Đình Thông đặt câu hỏi. Đáp lại, Tiến im lặng, liếc mắt nhìn di ảnh của nạn nhân đặt phía dưới.
Đại diện gia đình chị Oanh chia sẻ, từ ngày mất con, bố mẹ già suy sụp. Gia đình có 6 người con, chỉ mình Oanh được ăn học tử tế. Oanh sắp tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, sẽ đi làm phụ giúp gia đình, nào ngờ gặp bi kịch quá lớn.
Nghe người nhà nạn nhân nói, Tiến quay lại xin lỗi, mong được bỏ qua lỗi lầm để sớm có thể chuộc lại lỗi lầm đã gây ra. Đại diện gia đình Oanh không bằng lòng với thái độ không thành thật của Tiến, bức xúc hỏi: "Anh có biết chết là gì không", hỏi đến lần thứ 3, Tiến đáp: "Chết có nghĩa là qua đời".
Người anh họ nạn nhân lắc đầu, nói: "Chết có nghĩa là để lại nỗi đau cho người còn sống. Nỗi đau này không chỉ riêng cho gia đình tôi, mà còn gia đình anh, anh biết không". Ngay sau đó, nhiều tiếng khóc vang khắp khán phòng.
Kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát cho biết 40 năm trong nghề, Tiến là bị cáo đầu tiên ông đề nghị mức phạt tử hình. "Tôi đã xem xét nhiều tình tiết, xem có thể giảm nhẹ và tha thứ cho bị cáo không, nhưng không có", công tố viên nói.
|
Nghe người nhà bị hại xin giảm án cho mình, Tiến ôm mặt khóc. Ảnh: Đức Hùng |
Công tố viên dứt lời, phía gia đình bị hại cho biết thương bố mẹ Tiến cũng đứt từng khúc ruột khi hình phạt nghiêm khắc được áp dụng, giống như nỗi đau mất con của mình. Nếu Tiến biết ăn năn hối cải, họ mong tòa cho anh ta con đường sống, gia đình sẽ không yêu cầu bất cứ khoản bồi thường nào.
Khán phòng bỗng lặng thinh, nhiều tiếng xì xào về sự vị tha, độ lượng của gia đình bị hại.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, với lòng tham, ích kỷ, bản tính coi thường pháp luật, quyết tâm hành vi phạm tội đến cùng, Tiến không có cơ hội sửa chữa, cần phải cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
Nhận mức án tử hình cho ba tội Giết người, Cướp tài sản và Dâm ô đối với trẻ em, Tiến lặng người, lững thững đi giữa hai hàng cảnh sát ra xe thùng, chỉ kịp ngoái lại nhìn bố mẹ già đang thẫn thờ suy sụp.
Cầm di ảnh nạn nhân đi phía sau, người nhà bị hại tâm sự, lòng vị tha của họ đã không thể cứu vãn nổi lòng tham mù quáng của nam tài xế, cái giá cho những phút thiếu suy nghĩ.