Bị cáo Phước nhảy lầu tự tử sau tuyên án: Còn góc khuất chưa có đáp án?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận quan tâm vụ án TNGT liên quan đến ông Lương Hữu Phước còn những góc khuất nào chưa được làm rõ khiến bị cáo cảm thấy oan ức đến mức đến trụ sở tòa án để nhảy lầu tự tử ngay khi tòa phúc thẩm tuyên án?

Vụ việc bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm phạt bị cáo này 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" thu hút sự chú ý của dư luận.
Dư luận đặt câu hỏi, còn những góc khuất nào chưa được sáng tỏ khiến bị cáo Phước viết trên facebook cá nhân: "Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ", sau đó mang theo chai thuốc (nghi thuốc trừ sâu) đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước uống rồi nhảy từ lầu 2 xuống đất, tử vong?
Trước khi nhảy lầu tử vong, ông Phước có để lại một bức thư thể hiện điều khiến ông Phước suy nghĩ nhất là việc bị truy tố trong vụ án tai nạn giao thông vào năm 2017.
Ông Phước cho rằng, bản thân mình là một bị hại nhưng lại trở thành bị cáo. Ông Phước viết "xin các vị Luật sư và các phóng viên báo đài có tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ! Tôi được tại ngoại nhưng cuộc sống cạn kiệt...".
Bi cao Phuoc nhay lau tu tu sau tuyen an: Con goc khuat chua co dap an?
 Hiện trường vụ bị cáo Phước nhảy lầu tự tử.
Từng bị hủy bản án sơ thẩm do có nhiều thiếu sót trong điều tra
Theo hồ sơ vụ án liên quan đến ông Lương Hữu Phước cho thấy, vào khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà.
Đến khoảng 13h chiều cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép, do trước đó ông Phước đi nhầm dép của người khác. Khi ông Phước điều khiển xe máy BKS 93H8 – 5647 quay lại nhà ông Tuấn đổi dép thì Quý rủ ông Phước đi hát karaoke.
Sau đó, ông Phước chở ông Quý đi đến ngã tư Sóc Miên thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở ông Quý đi về nhà ông Quý lấy mũ. Khi gần đến trước nhà ông Quý (thuộc khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân), ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý xuống đi vào nhà lấy mũ bảo hiểm.
Lúc này, ông Quý không chịu xuống xe nên ông Phước điều khiển xe máy không bật đèn xi nhan rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì bị xe máy do anh Lâm Tươi (SN 1997) điều khiển chở anh Trị Tiếp (SN 1991, đều là người địa phương) đi bên phải theo hướng ngã ba Trạm Điện đi vào ngã tư Sóc Miên đụng vào. Vụ tai nạn khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017 ông Quý tử vong.
Bi cao Phuoc nhay lau tu tu sau tuyen an: Con goc khuat chua co dap an?-Hinh-2
 Hiện trường vụ TNGT năm 2017.
Ngày 29/3/2018, HĐXX sơ thẩm TAND TP Đồng Xoài xử phạt bị cáo Lương Hữu Phước 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Sau đó, ông Lương Hữu Phước kháng cáo kêu oan.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Khi đó, TAND tỉnh Bình Phước cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều quan điểm còn mâu thuẫn, biên bản khám nghiệm phương tiện thể hiện không đầy đủ nên kết quả điều tra và bản án sơ thẩm xác định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xi nhan là chưa đủ căn cứ.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra chưa làm rõ để xác định hướng va chạm của xe máy do Lâm Tươi điều khiến đối với chiếc xe máy do ông Phước cầm lái, lời khai của Lâm Tươi mâu thuẫn với lời khai của chính bản thân về tình huống bị bất ngờ khi cách xe của ông Phước 5m không kịp xử nên xe của Lâm Tươi đang điều khiển tông xéo vào xe của ông Phước...
TAND tỉnh Bình Phước nhận định, do có những thiếu sót trong quá trình điều tra như trên nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về ông Phước là chưa đủ căn cứ vững chắc. Những vi phạm và thiếu sót này Toà án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Đồng Xoài đã thực nghiệm hiện trường, đối chất với những người liên quan và lấy lời khai thêm 2 nhân chứng mới. Ngày 6/12/2019, TAND Thị xã Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2 vẫn tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ông Phước tiếp tục kháng cáo.
Đến đầu tháng 5/2020, TAND tỉnh Bình Phước tổ chức xử phúc thẩm lần 2 nhưng phải hoãn. Ngày 26/5, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục đưa vụ án ra xử, tuy nhiên tại ngày xử này, tòa không tuyên án mà dời đến ngày 29/5. Theo đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Đồng Xoài.
Nhiều góc khuất được luật sư bào chữa chỉ ra?
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho bị cáo Lương Hữu Phước) cho rằng vụ án còn có nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. Trong đó, quan trọng nhất là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, điểm va chạm của phương tiện và yếu tố lỗi.
Cụ thể, theo luật sư Tuyến, ngày xảy ra tai nạn là ngày 15/1/2017. Sau tai nạn, ông Phước và ông Quý đều bị thương, không có ai chết tại chỗ. Do đó, không có căn cứ để kết luận có dấu hiệu tội phạm xảy ra ngay khi khám nghiệm hiện trường.
Thế nhưng, trong biên bản khám nghiệm hiện trường lúc 15h10 ngày 15/1/2017 (bút lục số 20) lại có thành phần tham gia gồm ông Bùi Danh Sơn, điều tra viên Công an TX Đồng Xoài, Nguyễn Viết Dũng, kiểm sát viên VKSND Đồng Xoài, Phan Xuân Kiền – công an phường Tân Xuân, Đỗ Xuân Tân, CSGT Công an Đồng Xoài.
Bi cao Phuoc nhay lau tu tu sau tuyen an: Con goc khuat chua co dap an?-Hinh-3
 Bị cáo Phước thời điểm đến dự tòa. 
Theo luật sư Tuyến, đây là dấu hiệu bất thường và nghi ngờ đây là bản khám nghiệm hiện trường giả tạo. Bởi ngày 23/1/2017, Cơ quan CSĐT Công an TX Đồng Xoài mới ban hành văn bản số 26 phân công điều tra viên Bùi Danh Sơn tham gia giải quyết tin báo tội phạm (bút lục số 1) và cùng ngày phía VKSND TX Đồng Xoài mới ban hành văn bản phân công kiểm sát viên Nguyễn Viết Dũng (bút lục số 2).
Ngoài ra, lời khai của Lâm Tươi tại cơ quan điều tra còn nhiều mâu thuẫn. Điểm phương tiện mà Lâm Tươi điều khiển va chạm vào khiến phương tiện của ông Lương Hữu Phước biến dạng hình chữ V, đầu xe quay 180 độ so với hướng di chuyển cho thấy Lâm Tươi chạy xe với vận tốc rất cao, trong khi không có giấy phép lái xe, có sử dụng chất kích thích…
“Lời khai của Lâm Tươi nói đã nhìn thấy xe ông Lương Hữu Phước dừng lại bên đường với khoảng cách 50m. Tuy nhiên, lại nói lý do tông vào là vì chạy đến gần 5m không kịp xử lý?" - luật sư Tuyến đặt vấn đề.
Phạt hành chính người tông xe vào bị cáo Phước là không thỏa đáng
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, vấn đề là bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 còn nhiều tình tiết chưa rõ, gây tranh cãi. Tuy nhiên tòa án vẫn kết luận ông Phước có lỗi và kết tội đối với ông Phước, chỉ phạt hành chính đối với Lâm Tươi là chưa thỏa đáng.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ TNGT này, ông Quý thiệt mạng là hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, nếu cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy Lâm Tươi hoặc ông Phước có lỗi thiếu chú ý quan sát hoặc không làm chủ tốc độ, thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp có lỗi hỗn hợp thì có thể khởi tố hình sự cả 2 người điều khiển phương tiện giao thông theo nguyên tắc: Cứ có lỗi trong quá trình tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo nhận định của luật sư Cường, trong vụ án này, Lâm Tươi là người được xác định đã tông xe vào xe của ông Phước dẫn đến hậu quả ông Quý (người ngồi trên xe của ông Phước) tử vong, nhưng Lâm Tươi chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 4,5 triệu đồng. Trong khi đó, ông Phước lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 3 năm tù.
“Chính điều này đã khiến ông Phước bức xúc và dẫn đến hành động tự tử để phản đối nội dung của bản án" - luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, vụ án này có nhiều nội dung cần làm rõ như sơ đồ hiện trường; các dấu vết thu thập được trên hiện trường; lời khai của người làm chứng; việc bị cáo có bật đèn cảnh báo khi sang đường hay không; xác định bị cáo có nồng độ cồn là đúng thủ tục hay chưa; tốc độ của xe máy do ông Lâm Tươi điều khiển như thế nào; khoảng cách giữa hai xe khi ông Phước chuyển làn là bao xa?...
Đồng thời cho rằng, chính bản án phúc thẩm lần thứ nhất cũng đã chỉ ra nhiều sai sót vi phạm về thủ tục tố tụng, chưa đủ căn cứ để buộc tội đối với bị cáo nên đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
"Sơ đồ hiện trường vụ án để xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi xe của ông Phước chuyển làn là rất quan trọng. Khoảng cách của hai xe sẽ xác định được khả năng quan sát của Lâm Tươi, với khoảng cách đó thì Lâm Tươi có đủ thời gian để xử lý tình huống hay không, tốc độ của Lâm Tươi như thế nào đối với khu vực đó?
Theo nội dung lời khai của ông Phước, ông này có bật đèn cảnh báo khi chuyển hướng, vậy Lâm Tươi có nhìn thấy hay không? Ông Phước khai rằng có việc đe dọa của cơ quan điều tra và viện kiểm sát, việc này có hay không? Theo nội dung vụ việc thì Lâm Tươi đi với tốc độ 60 km/h, tốc độ này có vượt quá tốc độ cho phép hay không?” – luật sư Cường đặt câu hỏi.
Bi cao Phuoc nhay lau tu tu sau tuyen an: Con goc khuat chua co dap an?-Hinh-4
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường cũng chỉ ra rằng, một nội dung rất quan trọng là việc ông Phước sang đường có đảm bảo an toàn hay không, có bật đèn tín hiệu hay không?
“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy ông Phước qua đường đã bật đèn tín hiệu cảnh báo, Lâm Tươi đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát nên đã đâm vào xe của ông Phước thì ông Phước không có lỗi và không có căn cứ để kết tội người đàn ông này, khi đó cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lâm Tươi mới đúng pháp luật” – luật sư Cường nói và cho rằng, những nội dung sai sót của bạn án sơ thẩm lần đầu đã bị bản án phúc thẩm lần thứ nhất chỉ ra nhưng tại phiên tòa phúc thẩm lần hai này chưa thể hiện rõ những nội dung đã được khắc phục, tuy nhiên bản án phúc thẩm vẫn tuyển y án sơ thẩm lần hai khiến bị cáo và nhiều người bức xúc.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, theo kiến nghị của người bào chữa, nội dung kêu oan của ông Phước và thái độ của ông Phước sau khi tuyên án phúc thẩm thì TAND cấp cao, VKSND cấp cao cần phải xem xét lại vụ án này một cách thấu đáo theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm phạm, oan sai thì cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nam Định: Con trai đuối nước, mẹ nhảy lầu tự tử

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)