Nơi mà chúng tôi nói đến là làng H’re (xã Đắc Tơ Ve, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) - nơi mà người tự tử đã trở thành khái niệm hết sức “bình thường” ở ngôi làng nhỏ này.
Nhiều người đã có đến 5 – 6 mặt con nhưng vẫn sẵn sàng quyên sinh vì những lý do không đáng để chết. Họ chết đi để lại đàn con nheo nhóc sống trong cảnh mồ côi, thất học.
Bố tự tử bỏ lại 7 đứa trẻ mồ côi
Theo chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi tìm về một căn nhà lá lụp xụp, đây là nơi sinh sống của 7 anh em mồ côi người đồng bào Banar ở làng H’re (xã Đắc Tơ Ve, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Người anh cả tên là A Đưng đã 19 tuổi nhưng thân hình rất nhỏ bé, còi cọc vì những tháng ngày lam lũ kiếm tiền nuôi 6 đứa em mồ côi.
Mẹ mất được thời gian ngắn thì cha cũng tự tử khi A Đưng mới 13 tuổi, để lại cho 7 anh em căn nhà sàn lớp tranh, xung quanh là tre, diện tích chưa đầy 4m2 cùng với đàn gà. Lúc đó, em út A Xóa mới được 2 tháng, lại hở hàm ếch và mù một mắt bẩm sinh. Đêm nào, A Xóa cũng khóc vì thiếu sữa, thương em A Đưng bế em đến từng nhà xin sữa cho em khỏi khóc.
|
A Đưng và các em bên ngôi nhà sản đổ nát - (Ảnh: Nhật Linh) |
Nhìn cảnh nhà, dù rất buồn nhưng A Đưng vẫn quyết định nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi các em ăn học. Vào vụ mùa, cứ mỗi sáng A Đưng vác cuốc lên nương, ai thuê gì thì làm đó, từ cuốc đất trồng mì, xuống ruộng cấy lúa, phun thuốc sâu.. để đổi lấy gạo về ăn trong ngày.
Chiều tối, tranh thủ thời gian, A Đưng lại vào rừng tìm măng, lấy củi kiếm tiền mua sữa và sách vở cho em. Hết mùa gặt xong, cậu bé cùng các em cầm túi đi nhặt từng hạt thóc, củ khoai còn sót lại hoặc đi bắt chim, bắt chuột để chống chọi qua ngày.
Trong một lần đặt bẫy trên rừng, người em thứ 3 là A Đét không may bị bẫy đập trúng vào mắt trái. Không có tiền chưa trị và thuốc thang nên từ đó A Đét mù hẳn một bên mắt.
Hầu như mọi cánh rừng, thửa ruộng trên núi Kong đều có vết chân của nhà anh em nhà A Đưng. Cũng vì đi bắt chim, bắt chuột kiếm sống nên A Đét (em thứ 3 của A Đưng) cũng bị bẫy đập vào mắt. Không có tiền chữa trị và thuốc thang nên A Đét cũng bị mù mắt trái.
Ông Dun (dân làng H’re) kể: “Thằng A Đưng nó tội lắm, từ nhỏ đã phải đi làm nuôi em. Dân làng ai cũng coi 7 anh em nó như con cháu, ai có gạo, rau đều mang qua cho anh em nó nấu ăn thì chúng nó mới sống được tới bây giờ đó…”
Khi tự tử trở thành chuyện “bình thường”
Ở Gia Lai tự tử đã được xem như là vấn nạn khi tình trạng người tự tử luôn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở đồng bào dân tộc thiểu số ít người như J’rai, Banar.
Ở một số huyện như Kong Chro, Chư Pah, Krông Pa… cứ thời gian ngắn lại xuất hiện một vụ tự tử mà không rõ nguyên do. Những vụ tự tử nhiều đến mức mà dân bản địa đã coi tự tử là một điều rất “bình thường” và làng H’re (xã Đắc Tơ Ve, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) là một địa phương như thế.
Đến nay anh A Đưng (làng H’re, xã Đắc Tơ Ve) vẫn chưa thể hiểu vì sao bố mình lại treo cổ tự tử sau cái chết của mẹ và để lại đàn con 7 người nheo nhóc sống giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Chia sẻ với PV VTC News anh A Đưng kể lại: “Hồi đó mình mới lên lớp 4, mẹ đi rẫy về thì bị sốt cao, uống thuốc thế nào cũng không khỏi. Mấy ngày sau thì mẹ Đưng mất, để lại bố và mấy an hem.
Sau khi mẹ mất, bố mình cũng buồn lắm cứ im im, hay uống rượu một mình. Thế rồi hai tuần sau, người làng thấy bố mình treo cổ trên cây cách nhà chừng vài cây số”. Nỗi đau mất mẹ còn đó, nay 7 anh em lại chịu thêm nỗi đau mất cha.
Tương tự nhà A Đưng, cách đó vài nhà là nhà chị A Đê (22 tuổi). Ngày chị gái A Đê sắp lấy chồng, mẹ đột nhiên trở bệnh rồi mất. Bố A Đê sau đó chưa đầy 1 tháng cũng treo cổ ngay trong nhà mà không hề biết lý do, để lại 7 đứa con bơ vơ. Nhưng may mắn thay chị em A Đê đều đã đến tuổi trưởng thành nên cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn.
Theo tìm hiểu, tình trạng tự tử từ lâu đã phổ biến trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở xã Đắc Tơ Ve. Có những người chỉ vì cãi nhau với hàng xóm cũng về tự tử, hoặc bị chửi mắng cũng tự tử. Tất cả đa phần đều xuất phát từ nhận thức về cuộc sống còn hạn chế, khi bà con thường sống thành từng buôn làng riêng biệt.
Trả lời PV VTC News ông A Djeoh - Chủ tịch UBND xã Đắc Tơ Ve cho biết: “Vấn nạn tự tử trên địa bàn thường xảy ra ở các bà con đồng bào thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí chưa cao nên khi gặp chuyện buồn bực hay sau nghĩ tiêu cực là tìm đến tự tử để giải thoát bản thân.
Chính quyền cũng đã tuyên truyền bà con, cử các đồng chí công an xã, trưởng thôn, và đoàn thanh niên bám địa bàn để giải quyết những mâu thuẫn trong các gia đình, giúp bà con có cuộc sống ấm no, các con đều được tới trường trong điều kiện tốt nhất.”
Mời quý độc giả xem video Chuyện tự tử vì tình của thanh niên (nguồn VTC):