Ngày 9-12, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đang tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Nguyện để điều tra vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép xảy ra tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Sau một thời gian điều tra, đến nay, cơ quan Công an đã làm rõ việc đối tượng Nguyện "bắt tay" với ông chủ người nước ngoài để tổ chức đưa người vượt biên, đi lao động trái phép tại Trung Quốc.
|
Đối tượng Nguyễn Thị Nguyện. |
Qua nắm tình hình, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình phát hiện Nguyễn Thị Nguyện, 37 tuổi, có hộ khẩu tại xóm Đồng Giang, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã từng đi xuất khẩu lao động hợp pháp tại Ma Cao, Trung Quốc.
Sau đó một thời gian, Nguyện từ nước ngoài trở về Việt Nam có biểu hiện thiết lập đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép, cụ thể là gom lao động để đưa họ sang Trung Quốc làm thuê. Mỗi khi Nguyện xuất hiện tại địa phương thì nhà chị ta rất đông khách, họ chủ yếu bàn bạc về cách thức đi lao động và mức lương được hưởng tại nước ngoài. Đã có một số người "khăn gói quả mướp" đi theo Nguyện nhưng thông tin về việc làm hồ sơ, hợp đồng lao động và đào tạo nghề, học tiếng hầu như không được đề cập tới...
Quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Nguyện về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” . Phòng An ninh Điều tra đã làm rõ, từ năm 2007, Nguyễn Thị Nguyện đã đi xuất khẩu lao động hợp pháp tại Ma Cao, Trung Quốc.
Tại đây Nguyễn Thị Nguyện quen một người phụ nữ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Người phụ nữ này nói với bị can Nguyễn Thị Nguyện là ở tỉnh Quảng Đông, có một số nơi tuyển lao động, có thu nhập cao, công việc là quấn mô tơ điện, không bị gò bó về thời gian. Thời gian sau, theo địa chỉ mà người này cung cấp, Nguyễn Thị Nguyện từ Ma Cao đến Quảng Đông xin làm việc tại một công ty có địa chỉ tại Yết Dương, Quảng Đông, Trung Quốc.
Tại chỗ làm việc mới, thấy Nguyễn Thị Nguyện nhanh nhẹn lại biết tiếng Trung Quốc nên người quản lý của công ty đã đặt vấn đề với Nguyện hiện tại công ty đang cần tìm người lao động, nếu Nguyện về Việt Nam tìm người đưa sang Trung Quốc thì ông chủ sẽ trừ tiền lương hàng tháng của những người Nguyện đưa sang lao động coi đó là tiền công của Nguyện. Thấy có lợi ích kinh tế nên Nguyện đồng ý và về Việt Nam tuyển lao động.
Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 9-2007, Nguyễn Thị Nguyện về nhà tại xóm Đồng Giang và nói với một số người rằng chị ta có khả năng đưa được người đi Trung Quốc lao động mà không phải làm thủ tục giấy tờ gì, công việc đơn giản, lương cao.
Từ thông tin nêu trên, đã có 5 người gồm: Bùi Minh Ngọc, 34 tuổi; Bùi Văn Học, 51 tuổi; Nguyễn Thị Hồng, 38 tuổi; Đinh Thị Hiền, 39 tuổi; Bùi Văn Hào, 31 tuổi đều trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đến gặp Nguyện đặt vấn đề muốn đi Trung Quốc lao động.
Trong cuộc trò chuyện, Nguyện nói với số người trên là chị ta có khả năng đưa người đi Trung Quốc lao động không phải làm thủ tục giấy tờ gì, công việc là quấn mô tơ điện, tiền lương hàng tháng khoảng 4 triệu đồng, nếu làm thêm được nhiều sản phẩm, tiền lương sẽ cao hơn và không phải làm thủ tục giấy tờ gì liên quan đến thủ tục xuất cảnh. Chi phí để đi Trung Quốc lao động là hơn 3,5 triệu/ 1 người.
Một số người chưa có đủ tiền nộp đã nợ lại và thỏa thuận tiền còn thiếu sẽ trừ vào tháng lương đầu tiên khi làm việc tại Trung Quốc.
Cuộc thỏa thuận làm ăn đầu tiên đã hoàn thành, Nguyện lập tức liên hệ với người bên Trung Quốc. Sau đó, Nguyện gọi điện thoại hẹn 5 người buổi tối ra cổng xóm Đồng Giang cạnh Quốc lộ 6 thuộc địa phận xóm Đồng Giang và đón xe khách chạy tuyến Hòa Bình - Móng Cái (Quảng Ninh) đưa những người trên đến Móng Cái - Quảng Ninh.
Khi đến Móng Cái - Quảng Ninh, Nguyện hướng dẫn số người này đổi tiền Việt Nam sang tiền Trung Quốc và thuê đò đưa họ qua sông Ka Long sang địa phận nước Trung Quốc rồi đưa họ lên xe taxi để đi qua trạm kiểm soát của cơ quan chức năng Trung Quốc, tiếp tục đón xe khách chạy tuyến Đông Hưng - Quảng Đông để đưa những người này đến xưởng làm việc nơi Nguyện đã từng làm. Quá trình đi, Nguyện đã tổ chức cho đoàn đi theo đường có thể trốn tránh lực lượng chức năng để không phải xuất trình giấy tờ gì.
Tại đây, Nguyện và người công ty sắp xếp cho số người này làm công việc quấn mô tơ điện và chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt. Tiền lương hàng tháng của những người Nguyện đưa sang Trung Quốc lao động khoảng 4 triệu đồng. Tiền lương hàng tháng của 5 người này, ông chủ đều trừ lại một khoản để trích đưa lại cho Nguyện. Tháng 9-2007, số người trên bắt đầu làm việc, đến ngày 2-2-2008, số người này trở về Việt Nam đón tết Nguyên đán và không quay lại Trung Quốc lao động nữa.
Đầu năm 2010, trong thời gian về quê, Nguyễn Thị Nguyện tiếp tục tuyển lao động đưa từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đã có 7 người gồm: Bùi Văn Lực, 25 tuổi; Bùi Văn Hợi, 34 tuổi; Bùi Văn Tần, 28 tuổi; Bùi Văn Khanh, 35 tuổi; Nguyễn Văn Tuân, 35 tuổi; Bùi Xuân Lợi, 38 tuổi và chị Bùi Thị Mai, 34 tuổi, đều trú tại xóm Đồng Giang đã đến gặp Nguyện đặt vấn đề muốn đi Trung Quốc lao động.
Cũng với thủ đoạn và hành trình như lần trước, Nguyễn Thị Nguyện đã đưa 7 người này đến xưởng làm việc tại Trung Quốc. Trong khoảng tháng 8-2010 đến tháng 1-2011, 7 người đã trở về Việt Nam và không quay lại Trung Quốc lao động nữa. Trong 2 lần về Việt Nam đưa người sang Trung Quốc lao động, Nguyện được hưởng lợi hơn 16 triệu đồng là tiền lương hàng tháng của 12 người Việt Nam mà Nguyễn Thị Nguyện tổ chức đưa sang Trung Quốc lao động được ông chủ trích lại "hoa hồng" trong 104 tháng họ làm việc tại xưởng.
Làm việc với Cơ quan An ninh điều tra, Nguyện thừa nhận, giữa những người lao động với Nguyện không ký kết bất kỳ hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo quy định pháp luật. Nguyện cũng ý thức được việc tổ chức đưa người đi Trung Quốc lao động là trái phép nhưng vì lợi ích kinh tế nên vẫn làm.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành xác minh tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; Phòng việc làm, An toàn lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình; Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và xác định Nguyễn Thị Nguyện không có giấy phép, không đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài...