Bắc Bộ có nhiều ngày nắng nóng từ nay đến tháng 8

Google News

Bắc Bộ và Trung Bộ từ giờ đến tháng 8 còn nhiều ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt.

Theo dự báo thời tiết từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong tháng 7, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nhiều ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt, tập trung vào thời kỳ đầu và cuối tháng.
Những ngày đầu tháng 7, khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt. Riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và phía Bắc Sơn La do ảnh hưởng hội tụ gió 5000m còn duy trì nên tiếp tục có mưa rào và giông rải rác, mưa xuất hiện tập trung về chiều tối, đêm và sáng sớm.
Bac Bo co nhieu ngay nang nong tu nay den thang 8
  Từ nay đến tháng 8, Bắc Bộ có nhiều ngày nắng nóng
Từ khoảng ngày 5/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp trục Tây Bắc – Đông Nam nên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và giông rải rác, có nơi có mưa vừa đến mưa to. Nắng nóng ở Bắc Bộ dịu dần. Từ ngày 6/7, nắng nóng gay gắt ở Trung Bộ có xu hướng dịu dần.
Ngoài ra, thời kỳ từ ngày 4-10/6, gió mùa Tây Nam phía Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ gia tăng mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Thời kỳ 10 ngày giữa tháng, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5-1 độ, các nơi khác xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Những ngày cuối tháng, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến xấp xỉ TBNN.
Về dự báo xa hơn, nắng nóng còn xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ giờ đến tháng 8, trong đó đầu tháng 7 có nắng nóng gay gắt.
Theo nhận định, Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41-42 độ.
Không khí lạnh có xu hướng hoạt động từ tháng 10, gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11, sau hoạt động mạnh vào tháng 12.
Đề phòng các cơn bão mạnh
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông.
Trung tâm cảnh báo cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc trong những tháng mùa mưa bão.
Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Đỉnh lũ trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, cao hơn năm 2020, riêng đỉnh lũ thượng lưu sông Thao, sông Hoàng Long ở mức BĐ2- BĐ3. Mực nước hạ lưu sông Hồng dưới BĐ1 và sông Thái Bình xấp xỉ BĐ1. Các đợt lũ vừa và lũ lớn có khả năng tập trung trong các tháng 8 và 9.
Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Tình trạng ngập úng tại các đô thị và các thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ.
Từ tháng 9 đến tháng 12, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Từ tháng 7 đến tháng 11, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Kông và các sông Nam Bộ. Đỉnh lũ năm 2021, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2. Trong tháng 12, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,2m.
Từ tháng 10,11,12, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ảnh hưởng mạnh của thủy triều, đỉnh lũ năm tại các trạm hạ lưu ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, TP.HCM.
Theo Hương Quỳnh/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)