Đó là những câu chuyện vẫn đang xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng gia tăng những" bà mẹ nhí" ngày một nhiều đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác DS-KHHGĐ trên cả nước.
Trong những chuyến công tác tại các huyện miền núi còn gặp khó khăn của đất nước, chúng tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều trẻ em gái dù chưa qua tuổi trăng tròn nhưng đã phải “gánh” trên vai bao nỗi lo toan về cuộc sống. Các em phải nghỉ học giữa chừng, thậm chí không được đi học để đi làm phụ giúp gia đình hay có nhiều em phải “đánh đổi” cả tuổi thanh xuân để phục vụ thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhìn những thân hình gầy gò, những gương mặt “non choẹt” nhưng đã "con bế con bồng" dắt díu nhau, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa.
|
Nghèo đói như một vòng luẩn quẩn đối với cuộc sống của những đứa trẻ phải làm mẹ “bất đắc dĩ”. Ảnh: N.Mai.
|
Không được đi học vì là…con gái
Nậm Cắn, xã giáp ranh với nước bạn Lào, là một trong những xã nghèo nhất của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Nơi đây chủ yếu là bà con dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 70% dân số. Người dân chủ yếu sống dựa vào nương rẫy nên đời sống còn nhiều thiếu thốn. Trải lòng với chúng tôi, chị Sồng Y Trử, cán bộ dân số xã cười gượng: “Ở đây, bọn trẻ kết hôn sớm lắm, cứ 12 - 13 tuổi là lấy nhau rồi. Chỉ cần Tết đi chơi, gặp nhau có một lần là "bắt" về làm vợ thôi, kể cả đang đi học cũng nghỉ ở nhà lấy chồng...”.
Và Y Xê (ở bản Trường Sơn) năm nay vừa tròn 16 tuổi. Không giống như những đứa trẻ dưới miền xuôi, Xê không được đi học vì em là... con gái. Giải thích về vấn đề này, chị Trử cho biết, một phần là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần khác là do quan niệm của đồng bào ở đây. Với người dân tộc Mông, con gái rất ít được đi học vì họ cho rằng: "Mai này con gái sẽ theo chồng, là con nhà người ta nên không cần đi học, ở nhà đi làm nương rẫy phụ giúp bố mẹ" (?!). Chỉ số ít những gia đình có điều kiện mới cho con gái đi học.
Theo bố mẹ đi làm nương từ nhỏ, Và Y Xê cũng ít có cơ hội tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa. Năm 14 tuổi, Xê bị chồng hiện tại bắt về làm vợ khi gặp đi chơi Tết mà không hề có tình yêu. Hỏi em có muốn lấy chồng sớm và sinh con thế này không, Xê lắc đầu. Ngồi ru đứa con mới sinh được hơn một tháng, Xê bảo: “Sinh con sớm khổ lắm. Con bé quấy đêm suốt nên em hầu như không được ngủ, phải thức trắng trông con”. Con gái Xê lúc mới sinh chỉ được 2,3kg nhưng em bảo, so với nhiều đứa trẻ khác, con của em vẫn “nhỉnh” hơn nhiều vì có nhiều đứa trẻ lúc mới sinh chưa đầy 2kg.
Giống như Và Y Xê, em H’Vớt Ađrông (15 tuổi, buôn A1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) cũng là trường hợp không được đi học và phải làm mẹ từ khi 13 tuổi. Em và chồng làm quen được khoảng một tháng thì về ở với nhau. Cũng do “cái bụng to lên” nên việc cưới xin cũng rất nhanh gọn.
Theo lời chị cộng tác viên dân số, H’Vớt không được đi học, cuộc sống của em chỉ “gói gọn” trong buôn làng. Từ nhỏ, theo bố mẹ đi làm nương, làm rẫy. Đến khi có chồng thì ở nhà bồng con theo “bản năng” nên hầu như mọi kiến thức liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn, làm mẹ an toàn…, với em đều là con số 0. Vậy nên, khi chúng tôi đùa: “Có khi còn không biết có con khi nào ấy nhỉ”, H’Vớt hồn nhiên gật đầu: “Mẹ nói em có bầu, lúc ấy em mới biết!”.
Suy giảm sức khỏe nghiêm trọng vì làm mẹ quá sớm
Không được đi học, thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai cũng như phải làm mẹ “bất đắc dĩ” không phải là chuyện lạ đối với nhiều em gái ở những vùng miền núi khó khăn. Không chỉ đánh mất tuổi thanh xuân, các em đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng khi phải lao động và làm mẹ từ quá sớm. Cũng tại buôn A1 (thị trấn Ea Súp), chúng tôi có dịp gặp bà mẹ nhí H’Soai Siu. Nếu không biết trước H’Soai năm nay 16 tuổi, có lẽ chúng tôi đã chào bằng… chị, bởi lẽ nhìn em khác hẳn với những bạn bè cùng trang lứa. Người gày gò, xanh xao, gương mặt đã xuất hiện nếp nhăn, H’Soai bẽn lẽn trò chuyện từng câu lí nhí. Em là con đầu trong gia đình có bốn chị em. Em đã từng được đi học nhưng do điều kiện gia đình quá khó khăn nên phải nghỉ ở nhà đi làm thuê cùng mẹ rồi lấy chồng. Chồng H’Soai là người cùng buôn, hơn em 7 tuổi. Hai người yêu nhau chưa đầy nửa tháng.
Bố H’Soai mất sớm, một mình mẹ em vừa phụng dưỡng mẹ già năm nay ngoài 70, vừa lo cho bầy con. Nhà không có đàn ông làm trụ cột, hai đứa con trai thì còn quá nhỏ, nên khi nghe tin H’Soai có “bầu” với một thanh niên trong buôn, cả nhà ai nấy đều… mừng và nhanh chóng tổ chức đám cưới cho hai đứa.
Vừa cho con bú, H’Soai vừa hồn nhiên kể: “Lúc đầu cho con bú cũng ngại, thấy không quen nên phải nhờ mẹ dạy cách bế và cho bú như thế nào. Nhiều lúc đổi tay, em suýt làm rơi con. Cũng có lần bé bú làm em rất đau đến phát khóc”.
H’Soai cho biết, em không đủ sữa nuôi con. Sữa bột thì đắt tiền nên cũng không thường xuyên mua được. Chỉ khi nào chồng được thuê đi làm xa, có nhiều tiền thì con mới có nhiều sữa để uống. Đề cập đến việc khi nào định sinh tiếp đứa con thứ hai, H’Soai cười xòa “có thì sinh thôi chị”. Tất cả những câu hỏi liên quan đến các biện pháp tránh thai an toàn, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu không biết từ “bà mẹ nhí” này.
Con gái H’Soai được gần 2 tuổi. Hằng ngày, nếu gia đình có việc bận không gửi được ai trông, H’Soai vẫn thường địu con đi làm cùng. Từ ngày sinh, H’Soai mới cho con đi tiêm đúng một lần duy nhất, nhưng không biết tiêm với mục đích gì, chỉ nhớ họ đến tận nhà gọi đi tiêm và...không mất tiền nên mới đi.
Còn em Hạ Y Thìa (14 tuổi, ở xã Nậm Cắn) cũng không giấu được những nét mệt mỏi trên gương mặt sau một đêm thức trắng chăm con. Bên nồi cám lợn đang bốc khói nghi ngút, Thìa tâm sự, gia đình có bảy miệng ăn nhưng chỉ dựa vào ít nương rẫy. Nếu hạn hán, không thu hoạch được lúa thì phải ăn khoai, sắn thay cơm. Em bảo, lúc mang thai, hầu như không được tẩm bổ gì cả, lâu lâu cả gia đình mới thịt con gà mà phải để dành ăn trong 2 - 3 ngày. Hôm nào có gạo thì nấu cơm ăn với rau luộc. Nếu không có rau thì đun nước sôi rồi thả muối thành canh. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn với đầy vất vả lo toan đặt lên vai những bà mẹ trẻ không có thời con gái.