Số liệu này được Chính phủ nêu tại báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo tổ chức 73 đoàn thanh tra diện rộng về công tác quản lý thông tin thuê bao (từ tháng 4 đến tháng 6).
Việc này nhằm xử lý nghiêm vi phạm của nhà mạng để xảy ra tình trạng một thuê bao có nhiều SIM sai quy định và các đối tượng cố tình đăng ký nhiều SIM (lớn hơn 10, 100, 1.000 SIM).
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu rà soát xử lý trường hợp có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thông tin thuê bao không đúng quy định.
|
Chính phủ sẽ siết chặt các quy định về quản lý thông tin thuê bao, trong đó quy định rõ trách nhiệm với thuê bao đăng ký sở hữu nhiều hơn 3 SIM (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).
|
Qua đối soát hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 108 triệu thuê bao (86,53%) có thông tin trùng khớp, gần 17 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp đang được nhà mạng chuẩn hóa, theo báo cáo của Chính phủ.
Đến cuối tháng 8, Chính phủ nêu thống kê khoảng 7,2 triệu thuê bao đã chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên, có gần 3,2 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hơn 4,8 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều do thông tin chưa đầy đủ. Nhà mạng thu hồi hơn 1,8 triệu thuê bao.
Theo nhận định, trong tháng 10, số thuê bao bị khóa một chiều sẽ bị khóa tiếp 2 chiều nếu khách hàng không tới các điểm giao dịch của nhà mạng để chuẩn hóa thông tin.
Cũng liên quan tình trạng SIM rác, cơ quan quản lý cho biết phát hiện tình trạng cố tình đăng ký nhiều SIM để bán, hoặc một bộ phận người dùng không sang tên khi chuyển quyền sử dụng SIM.
Chính phủ nhận định đây là lý do dẫn tới tình trạng sim rác chưa được xử lý dứt điểm, khiến nhiều đối tượng xấu lợi dụng SIM rác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu thực tế ngoài tin nhắn rác trên mạng viễn thông truyền thống, còn xuất hiện tin nhắn rác qua mạng Internet, OTT (Viber, Messenger, Zalo...).
Ngoài ra, Chính phủ cho biết còn xuất hiện đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao giả mạo trạm thu phát sóng di động để phát tán tin nhắn rác dẫn tới khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn.
Trước tình trạng cuộc gọi rác, SIM rác vẫn tràn lan, Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị người dân tới các cửa hàng của nhà mạng di động để chuẩn hóa, chính xác thông tin thuê bao. Đây là một trong số biện pháp xử lý SIM rác, SIM không chính chủ.
Theo yêu cầu của cơ quan quản lý, 3 nhà mạng chiếm 96% thị phần di động gồm Viettel, VNPT và MobiFone cần sử dụng công nghệ để đối soát, xác thực trực tuyến (online) thông tin thuê bao phát triển mới với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Các nhà mạng còn lại đối soát, xác thực định kỳ hàng tháng.
Trường hợp nhà mạng vi phạm trong quản lý thuê bao như cung cấp dịch vụ cho thuê bao mới khi thông tin chưa đầy đủ; bán SIM đã được cập nhật, kích hoạt sẵn thông tin ra thị trường..., cơ quan quản lý cho biết sẽ bị đề nghị đình chỉ phát triển thuê bao mới.
Ngoài ra, Chính phủ cho biết sẽ áp dụng các biện pháp về kỹ thuật, pháp lý để xử lý tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, các quy định về quản lý thông tin thuê bao sẽ được siết chặt hơn, trong đó quy định rõ trách nhiệm với thuê bao đăng ký sở hữu nhiều hơn 3 SIM, hoặc khi chuyển SIM cho người khác sử dụng.
Doanh nghiệp viễn thông sẽ phải bắt buộc áp dụng công nghệ trong quá trình đăng ký, phát triển SIM mới; quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm đối với chủ thuê bao khi chuyển cho người khác sử dụng thuê bao đứng tên mình.