Từ ngày 15/5, Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực thi hành. Theo quyết định này, việc điều chỉnh giá điện sẽ rút ngắn chu kì tăng giá từ 6 tháng xuống 3 tháng /lần, giá điện sẽ được phân cấp cho EVN và Bộ Công Thương, Chính phủ quyết định một cách linh hoạt, bám sát với thị trường bán lẻ điện hơn trước đây.
Việc thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá điện này không có gì cần bàn thêm, vì như ta đã biết đầu vào của sản xuất chuyển tải phân phối điện đã có những biến động từ năm 2023 đến nay.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Điều quan trọng là việc tăng giá từ nay đến cuối năm 2024 chắc chắn sẽ tác động đến giá cả, thị trường, năng lực cạnh tranh về giá của các sản phẩm nội địa….Quan sát một vài tháng gần đây khi có những động thái về tăng lương 1/7/2024 và quyết định mới về tăng giá điện trong những tháng cuối năm, giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường mặc dù khá dồi dào, phong phú nhưng đã có những động thái tăng giá, điều chỉnh giá, tăng giá ngầm…. xuất hiện ở trên thị trường, xuất phát từ nhà sản xuất và cả các nhà bán lẻ của các kênh thương mại.
Với chỉ tiêu CPI của Quốc hội đề ra từ đầu năm ở mức cao nhất là 4,5% trong năm nay thì mục tiêu kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn hơn khi có biến động của giá điện, xăng dầu, tiền lương, dịch vụ y tế, giáo dục …, nhất là hàng hóa dịch vụ tăng giá trong lúc thu nhập của đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, có bộ phận lương chưa đủ sống…
Chính vì vậy, việc tăng giá điện cần phải cân nhắc thận trọng và trách nhiệm, các nhà vật giá, công thương, tài chính của đất nước phải đặt địa vị mình là người tiêu dùng, doanh nghiệp để xác định giá từng thời kì một cách công khai, minh bạch, chính xác, khách quan được xã hội đồng tình chấp nhận.
Theo tôi chúng ta cần phải chú ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, trước khi tăng giá điện, EVN cần công khai minh bạch giá thành sản xuất điện trên 1kWh (có kiểm toán và hội đồng kiểm định quốc gia xác nhận). Đặc biệt lưu tâm đến các nhóm chi phí lớn trong giá điện như tiền lương, mua sắm vật tư thiết bị, tỷ giá ngoại tệ….
Thứ hai, việc bù chéo giá điện giữa giá sản xuất và giá sinh hoạt gia đình đã tồn tại nhiều năm, nhiều ý kiến yêu cầu phải thay đổi (giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất). Điều này dẫn tới không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đầu tư công nghệ đổi mới thiết bị để tiết kiệm điện, người tiêu dùng xã hội Việt Nam bị thiệt thòi một cách vô lý.
Thứ ba, EVN cần đẩy nhanh các dự án điện vào hoạt động theo quy hoạch điện 8 mà Chính phủ đã duyệt, khuyến khích điện năng lượng tái tạo mặt trời sức gió….cân đối các nguồn phát điện một cách hợp lý để tạo ra một giá điện bình quân từng thời kỳ hợp lý và tiết kiệm nhất cho xã hội và cho tiêu dùng.
Thứ tư, công tác tổ chức thực hiện Quyết định của Chính phủ về mức giá bán lẻ bình quân ở Việt Nam, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán đảm bảo cạnh tranh công bằng minh bạch. Cần thu hút các nhà đầu tư điện vào thị trường Việt Nam. Đầu tư đổi mới thiết bị nhằm tăng năng suất lao động trong nội bộ ngành điện góp phần giảm giá thành chung cho xã hội.
Kiên quyết xử lý những hiện tượng tiêu cực tham nhũng trong ngành điện mà vừa qua đã có những vụ việc phải xử lý, phải coi đó là những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành mình hiện nay và mãi về sau.
Giảm bớt những hành động mang tính chất thống lĩnh thị trường, có dáng dấp độc quyền của ngành điện hiện nay và dư luận xã hội, các chuyên gia đại biểu quốc hội đều hết sức quan tâm.
Sự phấn đấu của ngành điện hiệu quả hơn, nhân văn hơn sẽ đem lại niềm vui cho xã hội tiêu dùng và sản xuất hiện nay và trong tương lai trên thị trường Việt Nam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao giá điện tăng?