Bên lề cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đến ngày 28/7, Formosa đã thực hiện đúng cam kết và chuyển cho phía Việt Nam 250 triệu USD tiền bồi thường ban đầu.
“Tới đây họ sẽ chuyển nốt số tiền còn lại. Hiện đầu mối giữ số tiền trên là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính phủ yêu cầu có bao nhiêu tiền bồi thường từ Formosa sẽ dành để hỗ trợ hết cho dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
|
Một phần công trường Formosa ở Hà Tĩnh. |
Cụ thể, Bộ trưởng Dũng cho hay, các tỉnh sẽ xem xét, lên phương án tổng thể về việc chi tiêu khoản tiền đó trên cơ sở dự kiến từ đối tượng được hưởng, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu…
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là lên phương án nhanh nhất có thể, không để người dân phải chờ đợi, đồng thời phải công khai, xác định đúng đối tượng, đảm bảo công bằng giữa các tỉnh. Nếu mình làm không tốt từ đó sẽ tạo ra bất ổn trong dân”, Bộ trưởng nói thêm.
Người phát ngôn Chính phủ thông tin, các đối tượng được hưởng gồm những người chịu thiệt hại về cá, những người không có công ăn việc làm nữa, những người phải chuyển đổi nghề nghiệp…
Sẽ thành lập tổ công tác của Thủ tướng
Ngoài ra, ông Mai Tiến Dũng cho hay, sắp tới sẽ thành lập một tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của thủ tướng, các phó thủ tướng.
Theo Bộ trưởng Dũng, tổ công tác này sẽ giúp tránh việc "bắn chim trên trời", tức là giao nhiệm vụ không có người kiểm soát, không có người đôn đốc.
“Giờ thành lập tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, Bộ trưởng nói.
Tổ này sẽ giúp thủ tướng kiểm tra, đôn đốc xem những nhiệm vụ đã giao được thực hiện đến đâu, kết quả thế nào và sẽ thường kỳ báo cáo ở các cuộc họp của Chính phủ.
Ông Dũng khẳng định từ trước tới nay chưa có mô hình nào như trên. Văn phòng Chính phủ đã, đang đảm nhiệm những công việc tương tự như nhiệm vụ của tổ công tác này.
Không được để tình trạng Bộ trưởng không biết
Nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, ông Dũng cho hay, thủ tướng chỉ rõ các bộ trưởng, "tư lệnh ngành" là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian thích đáng, tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đồng thời phải tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm.
“Bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin, chủ động thông tin, nhất là qua báo chí. Có thông tin là chủ động xử lý, không được để tình trạng bộ trưởng không biết và không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc mà báo chí nêu”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Người phát ngôn Chính phủ cũng lưu ý từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công; hội họp, đi công tác trong và ngoài nước cũng phải thực hành tiết kiệm...