Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, Thủ tướng giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 cho Tổng cục phải mua được 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai đấu thầu đến thời điểm này mới chỉ ký được 7.700 tấn gạo.
Theo thống kê cho thấy, tính đến thời điểm ngày 17/4, có 28 doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn. Trong khi 24 doanh nghiệp khác từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với số lượng 172.100 tấn, 2 doanh nghiêp ký kết cung cấp một phần số lượng đã ký.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cho biết, có 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại từ chối ký hợp đồng để giao gạo. Tuy nhiên, khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu gạo, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn, 4 đơn vị này lại đăng ký xuất khẩu đến hàng nghìn tấn.
|
Trong số 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia có đến 24 doanh nghiệp từ chối thương thảo, ký hợp đồng với số lượng lên đến 172.100 tấn. Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN |
Cụ thể, có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Đó là, Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn; Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn; Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực, tuy nhiên hai doanh nghiệp này đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Theo đại diện đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng rất ít, không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên, năm nay, do dịch COVID-19, nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ của người dân, doanh nghiệp và cả xuất khẩu lên cao mới có tình trạng hàng loạt doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng. Đồng thời, những tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đi các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia... tăng mạnh, nhất là với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia. So với khi mở thầu hôm 12/3, giá gạo đã liên tục tăng 1.200-2.000 đồng một kg. Do vậy, doanh nghiệp trúng không cung cấp gạo và từ chối ký hợp đồng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng cho biết, các doanh nghiệp gửi văn bản từ chối ký hợp đồng với lý do diễn biến giá trên thị trường tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việc quy định hạn chế đi lại qua các cửa khẩu, hạn chế xuất nhập khẩu giữa các quốc gia đã ảnh hưởng lới đến thị trường thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông sản, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Trước những tác động từ dịch bệnh, thêm vào đó là hạn mặn ảnh hưởng tới sản xuất của vựa lúa gạo số 1 của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề an ninh lương thực được đặt ra rất cấp thiết.
“Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan, việc xuất khẩu gạo mang lại giá trị kinh tế lớn, từng bước nâng cao đời sống của bà con nông dân. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh và thiên nhiên thất thường như hiện nay, việc Chính phủ siết chặt thủ tục xuất khẩu gạo, kiểm soát lượng gạo dự trữ là cần thiết và là một việc làm quan trọng vào lúc này”, Luật sư Cường cho biết.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng đã có Quyết định số 05/QĐ-TTg giao chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2020 cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước (thuộc Bộ tài chính) là phải mua được 190.000 tấn gạo. Tuy nhiên, qua triển khai đấu thầu, đến thời điểm này Tổng cục mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn gạo, số còn lại 182.300 tấn, lý do được xác định là có 28 doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn. Trong khi 24 doanh nghiệp khác từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với số lượng 172.100 tấn, 2 doanh nghiêp ký kết cung cấp một phần số lượng đã ký.
Luật sư Cường cho rằng, đây là hành vi rất đáng trách của các doanh nghiệp này.
“Việc “bội ước” trong thời điểm dịch bệnh, an ninh lương thực đang có nguy cơ bị đe dọa từ dịch bệnh, thiên tai là hành vi không thể chấp nhận được”, Luật sư Cường cho biết.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo điều 19, Nghị định 63/2014/NĐ-CP về thi hành một số điều của Luật đấu thầu quy định về thương thảo hợp đồng sau khi trúng thầu như sau: “Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu...Trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu”.
Như vậy, theo quy định pháp luật trên, đơn vị nào đã trúng thầu nhưng không đến thương thảo hợp đồng hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì sẽ mất tiền bảo đảm dự thầu đã nộp. Bên mời thầu sẽ quyết định cho nhà thầu tiếp theo trúng thầu và thương thảo hợp đồng… nếu không còn nhà thầu nào hoặc không thương thảo hợp đồng thành công thì sẽ hủy thầu và có thể tổ chức đấu thầu lại.
Do vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân 24 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng không ký hợp đồng không cung cấp gạo để dự trữ là vì lý do gì?
Luật sư Cường cho rằng, các doanh nghiệp không thể lấy lý do không có gạo cung cấp bởi trước đó khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định hạn chế xuất khẩu, kiểm tra khả năng đảm bảo an ninh lương thực rất nhiều doanh nghiệp kêu ca, có ý kiến với Bộ Công thương và Chính phủ đề nghị cho phép xuất khẩu vì tồn đọng nhiều gạo đã mua của dân…
“Nếu vin lý do về giá cả cũng không hợp lý vì giá cả là do doanh nghiệp tự đưa ra khi tham gia đấu thầu. Vì vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân từ đâu, có việc đầu cơ lúa gạo hay không, nếu có thì phải xử lý nghiêm minh, có thể áp dụng chế tài hình sự”, Luật sư Cường cho biết.
Trường hợp phải hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại gây tốn kém, lãng phí tiền của của Nhà nước, các doanh nghiệp này hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, trường hợp hành vi này mà ảnh hưởng tới an ninh lương thực, dự trữ quốc gia vào thời điểm dịch bệnh toàn cầu như thế này phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc và có những biện pháp hành chính mạnh mẽ với những doanh nghiệp này để đảm bảo công bằng cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà nước, với xã hội trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
>>> Mời độc giả xem video Đấu thầu lại 180.000 tấn gạo dự trữ vì doanh nghiệp bỏ thầu:
Theo Luật Đấu thầu, 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng sẽ bị thu số tiền bảo đảm dự thầu, khoảng 1-3% theo quy mô, giá trị gói thầu, để nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại, Luật Đấu thấu và các văn hướng dẫn thi hành không có chế tài nào xử lý khác nên các doanh nghiệp này vẫn có thể tham gia đợt đấu thầu mới vào tháng 5.
Theo các quy định hiện hành, chỉ khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện mới không được tham gia đấu thầu trong 3 đến 5 năm sau đó và bị thu 2-10% giá trị khoản tiền bảo đảm hợp đồng.
Do vậy, cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức đảm bảo dự thầu cao hơn hoặc thêm chế tài xử lý khác. Bởi mức thu số tiền đảm bảo dự thầu bằng 1-3% giá trị gói thầu chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi thị trường có biến động tăng giá cao sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “bội ước” như trên.