Cũng tại xóm trọ này, Thanh quen được với một số người làm nghề phục vụ ở quán hát, rồi cả gái mại dâm. “Khi đó tôi không có tiền, nơi tôi ở lại thường xuyên va chạm với những người làm nghề này nên sau đó được sự giới thiệu, tôi cũng bắt đầu đi làm ở quán karaoke. Từ đó tôi lao vào công việc này như một con thiêu thân lao về phía ánh sáng. Chung quy lại cũng chỉ vì tiền và cũng là bước đường cùng mới sa chân vào công việc đó, chứ chẳng ai gọi đó là nghề cả”, Thanh kể lại.
Ngày đầu bước chân vào nghề phục vụ, Thanh làm phục vụ tại quán hát karaoke với tiền công 30 nghìn đồng/1 giờ. Sau đó, số phận đưa đẩy cô chuyển nơi làm mới, tại đây có dịch vụ đi khách “tàu nhanh” và cũng từ đó cô bước chân vào con đường làm gái mại dâm.
|
Thanh vẫn còn cảm thấy run sợ khi nhớ lại lần đầu tiên đi khách.
|
Có rất nhiều nghề, tại sao lại chọn dấn thân vào "nghề" này? Khi được hỏi, Thanh trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ngày đó tôi cần tiền, lại đang ở Quảng Ninh nên nghĩ rằng làm việc này kiếm được nhiều tiền, lại xa quê hương bản quán nên sẽ không gặp người quen, bố mẹ không bị mang tiếng… Nghĩ vậy nên tôi quyết định dấn thân vào”, người phụ nữ này chia sẻ.
Mỗi lần đi khách, Thanh chỉ được trả 50.000 đồng, số tiền đó còn bị trừ phần trăm cho chủ và cuối tháng mới được thanh toán 1 lần. Mỗi lần nhận tiền, cô lo chi phí sinh hoạt và gửi một phần nuôi con nhỏ ở quê nhà.
“Làm việc này có tiền trong tay dễ sinh nhiều chuyện lắm, có những cô gái dù kiếm được nhiều tiền nhưng rồi chẳng giữ được đồng nào vì dính vào ma túy, đi bar, bao người yêu, bồ bịch… Số người đi làm gửi tiền về cho gia đình quả thật không nhiều”, Thanh cho hay.
|
Rất nhiều cô gái trẻ hành nghề mại dâm đã tự hủy hoại cuộc đời vì dính vào ma túy.
|
Kể từ khi bắt đầu làm gái mại dâm, cho đến khi từ bỏ công việc này, Thanh có “thâm niên” 10 năm bươn chải. Trong 10 năm đó, cô tự nhận mình là người may mắn hơn những chị em làm cùng nghề, bởi cô chưa bao giờ bị đánh đập.
"Tôi chưa một lần bị đánh về mặt thể xác, nhưng bạo lực tình dục thì có rồi, ví dụ như việc mình không muốn mà vẫn phải làm theo yêu cầu thì đó là bạo lực. Nhưng biết làm sao được, một khi đã vào phòng, đóng cửa lại là không còn lựa chọn nào khác, lúc đó chỉ biết làm cho xong, lấy tiền rồi về”, Thanh nói.
“Ngày em gái đỗ đại học là lúc tôi tỉnh ngộ và bỏ công việc này”
Cuối năm 2003, sau vài năm ở Quảng Ninh, Thanh quyết định quay về Hà Nội làm ăn. Tại đây, cô làm việc trong một quán mát xa ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội). 5 năm ở Hà Nội, ngoài những lúc đi bán dâm, Thanh còn tìm công việc khác để làm thêm, đó là may quần áo ở một tiệm may gần nơi ở.
Đến năm 2008, ngày em gái đỗ đại học, cũng là lúc cô nằm suy nghĩ lại tất cả những việc mình làm và bắt đầu đấu tranh tư tưởng. “Lúc đó tôi nghĩ nhiều lắm, đó là những cái được, cái mất của công việc này. Nếu tôi tiếp tục thì tiền sẽ kiếm được bao nhiêu, em tôi sẽ như thế nào khi biết chị gái làm nghề này…
|
Ngày em gái đỗ đại học, cũng là lúc Thanh quyết định rời xa công việc bị cả xã hội kỳ thị.
|
Đặt tất cả lên “bàn cân” và cuối cùng tôi lựa chọn dừng lại. Kể từ đó tôi chuyên tâm vào nghề may mặc, tôi nhận vải họ đã cắt sẵn về may quần, rồi sửa áo… thu nhập hàng tháng cũng đủ trang trải và có tiền gửi về cho con, nuôi em ăn học. Mặc dù lúc bắt đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm”, Thanh chia sẻ.
Không chỉ từ bỏ công việc bị cả xã hội miệt thị, Thanh còn tham gia vào các tổ chức cộng đồng hỗ trợ những người đang làm công việc như mình trước đây, nhằm tuyên truyền giúp họ bảo vệ bản thân và đề phòng bệnh tật.
“Tôi cũng chẳng nhớ được 11 năm qua đã tiếp xúc với bao nhiêu người. Lúc đầu tôi tiếp cận họ khi đang đứng ở các vệ đường, ở các hồ Hà Nội… Chúng tôi nói thẳng với họ rằng mình đã từng làm nghề này và phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho họ.
Ngoài ra, còn tuyên truyền giúp họ phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai, HIV… và chia sẻ cho họ những kỹ năng như khi bị bạo hành thì phải làm sao thoát ra ngoài, gặp những người say xỉn, đầu gấu thì phải có kỹ năng thương thuyết như thế nào. Nhận được những lời chia sẻ của chúng tôi họ vui lắm và nhiều người cũng đã từ bỏ công việc này”, Thanh tâm sự.
* Tên nhân vật đã được thay đổi