Top những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nhất Việt Nam

Google News

Theo quan niệm truyền thống của văn hóa dân tộc, đầu năm đi lễ chùa không chỉ thể hiện niềm thành kính đối với tổ tiên ông bà, với đức Phật mà còn là sự thành tâm cầu mong một năm mới tài lộc, bình an, may mắn. Lễ chùa đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong tâm thức người Việt. 

Có người đi chùa cầu bình an, tiền tài, có người đi chùa cầu con, có người đi chùa cầu duyên. 

Nếu vẫn đang lận đận trong chuyện tình duyên, đừng bỏ qua những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nhất nước ta nhé. Còn chần chờ gì nữa, lập team đi ngay để thoát ế nào!

1. Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội)

Địa chỉ: Ngõ 86 Phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nhắc đến những ngôi chùa ở Hà Nội, không thể không kể đến chùa Hà. Du khách khắp nơi đến lễ chùa Hà, không chỉ tìm thấy sự thanh tịnh nơi cõi Phật mà còn mong muốn tìm được tình duyên thuận lợi, xuôi chèo mát mái.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Chùa Hà khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” lại được mọi người truyền tai nhau nhiều thế. 

Chùa Hà nổi tiếng linh thiêng về chuyện se duyên cho các bạn trẻ

Nếu bạn đang độc thân, đến cầu duyên nơi đây thì chỉ sau một thời gian là sẽ tìm được nửa kia “đáng đồng tiền bát gạo”. Những ai có đôi có cặp cùng nhau đi chùa Hà thì tình cảm thêm thắm thiết, bền chặt. Hay các cặp đôi đã chia tay nhưng còn chưa dứt, tìm về lễ chùa thì lại quay về bình yên bên nhau. Nếu những ai chưa may mắn tìm được tình yêu đích thực sau lễ chùa cầu duyên cũng thấy mở lòng hơn để đón nhận yêu thương. 

Rất nhiều câu chuyện thực tế về việc se duyên cho mọi người thành tâm đến đây đã làm cho chùa Hà thực sự nổi tiếng ở Hà Nội và trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ đang gặp trắc trở trong đường tình duyên.

Mọi người thường truyền tai nhau, nên đi chùa Hà trước 18h hàng ngày.. Thông thường chùa mở từ sáng tới 6h chiều, vào ngày rằm hoặc mùng 1 hàng tháng mở muộn hơn để mọi người đi lễ. Tuy nhiên vào những ngày này chùa thường rất đông đúc nên bạn có thể chọn ngày vắng vẻ hơn để tới cầu khấn có nhiều thời gian hơn.

Việc xin duyên ở chùa Hà không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái, mà có thể còn là việc mở rộng tấm lòng để đón nhận những điều mới mẻ sẽ xuất hiện trong cuộc sống. Bởi vậy, ngoài việc thành tâm, bạn hãy luôn giữ cho mình một tâm hồn lạc quan, yêu đời, không toan tính so đo, ắt sẽ có ngày gặp được sự như ước nguyện!

2. Chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội)

Địa chỉ: 382 Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Là người dân Hà Nội, chẳng ai còn xa lạ khi nhắc đến ngôi chùa Phúc Khánh, ngôi chùa nổi tiếng mang đến bình an, cầu tài lộc và cũng là ngôi chùa cầu duyên đầy linh thiêng của Thủ đô.

Cứ vào dịp ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, những ngày tổ chức giải hạn... thì chùa Phúc Khánh lại thu hút cả triệu người tới lễ bái. Hàng năm dòng người đổ về đây chiêm bái, lễ Phật cầu an, dâng sao giải hạn, cầu siêu rất đông. Trong đó tháng giêng là tháng đông nhất, mỗi ngày có hàng nghìn phật tử đổ về đây.

Được biết, chùa Phúc Khánh được dựng vào thời Hậu Lê. Vào thời Lê, chùa là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. 

Lịch sử lâu đời của ngôi chùa với nhiều công trình kiến trúc cổ kính cũng chỉ là một phần trong các yếu tố thu hút đông đảo Phật tử đến chùa.

Người ta đến với chùa Phúc Khánh không chỉ cầu may mắn, thịnh vượng, hay tìm cho mình một chốn bình an giữa sự đông đúc, vội vã của nhịp sống nơi đô thị mà ở đây, dường như những vướng bận, rắc rối trong chuyện tình cảm của các nam thanh nữ tú cũng được giải quyết.

Khi mọi người tới đây cầu sao giải hạn, cúng, khấn, lễ thì đất nước được ổn định, phát triển giàu mạnh; gia đình thuận hòa, nhận được nhiều phúc đức; đường công danh, sự nghiệp được hanh thông, thuận lợi; con cháu thì đuề huề, sung túc; bản thân thì được an tâm, tĩnh tại.

3. Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ được xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi thờ phụng Công chúa Liễu Hạnh – người phụ nữ tài hoa, đức độ, giỏi cầm ca và thơ phú. Đây cũng là một trong những vị thánh đặc biệt trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt Nam.

Phủ được cấp chứng nhận di tích Lịch sử Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Trước mặt sân phủ, có trồng một cây si cổ thụ cũng được công nhận là “cây di sản Việt Nam”.

Không chỉ có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo, ấn tượng, Phủ Tây Hồ còn là điểm đến của những bạn trẻ, những ai đang gặp trắc trở, lận đận trong chuyện tình duyên.

Người còn lẻ bóng thì xin tìm được một nửa còn lại. Người đã có đôi có cặp thì cầu đường tình duyên thuận lợi.  

4. Chùa Bà Thiên Hậu (TP. HCM)

Nằm trong khu trung tâm Chợ Lớn tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. 

Đây là ngôi chùa trên 250 tuổi nằm ở quận 5, TP.HCM. Chùa Bà Thiên Hậu còn có tên gọi khác là chùa Bà Chợ Lớn hoặc Phò Miếu. Ngôi chùa này thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. 

Hàng năm, cứ vào ngày 28 tháng Chạp, chùa tổ chức lễ cúng Bà và lễ Khai ấn, thu hút cả trăm người đến.

Ngoài việc cầu tài lộc bình an thịnh vượng, ngôi chùa này cũng là nơi các chàng trai, cô gái còn lẻ bóng tìm đến cầu lương duyên may mắn. 

Giờ mở cửa của chùa từ 6h30 - 16h30 hàng ngày.

5. Chùa Duyên Ninh (Ninh Bình) 

Được xây dựng từ thế kỷ 10 dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là một trong những chùa cổ thời Đinh – Lê nằm trong khuôn viên kinh thành Hoa Lư còn tồn tại đến ngày nay.

Chùa Duyên cũng nằm trong top 10 ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nhất Việt Nam. Tương truyền rằng, Hoàng hậu Phất Ngân đã từng tác hợp cho nhiều đôi lứa thành đôi và đó là lý do vì sao chùa Duyên Ninh Bình trở thành ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư.

Chùa Duyên Ninh địa phận của thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, nằm cách Động Am Tiên 4km theo đại lộ Tràng An hướng đi chùa Bái Đính. Địa chỉ chùa Duyên Ninh rất gần đền vua Đinh Tiên Hoàng và có vị trí nằm giữa 2 điểm du lịch nổi tiếng: chùa Bái Đính và khu du lịch sinh thái Tràng An.

Ngày nay chùa Duyên Ninh ở Ninh Bình không chỉ là nơi cầu duyên của các bạn trẻ địa phương mà đây cũng là nơi các du khách thập phương. 

Minh Huệ (T.H)

Bình luận(0)