Việt Nam nâng cấp thành công “ông già thép” BTR-152

Google News

(Kiến Thức) - Với “sức mình là chính”, Việt Nam đã nâng cấp thành công xe bọc thép chở quân BTR-152, giúp chúng tiếp tục phục vụ bảo vệ tổ quốc thêm nhiều năm nữa.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ hàng trăm xe BTR-152 phục vụ chiến đấu. Trải qua nửa thế kỷ phục vụ, cho tới ngày nay, chúng ta vẫn còn sử dụng BTR-152 cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ A2 (phòng chống bạo loạn, lật đổ).

“Ông già thép hơn 60 tuổi”

BTR-152 là dòng xe bọc thép chở quân bánh lốp do Cục thiết kế BM Fitterman (Liên Xô) nghiên cứu phát triển từ cuối những năm 1940. Mẫu xe này được sản xuất với số lượng khoảng 15.000 chiếc trong giai đoạn 1950-1962.

Xe bọc thép BTR-152 dài 6,55m, rộng 2,32m, cao 2,40m và nặng 9,91 tấn. Xe được chế tạo động cơ nằm trước, tiếp đó tới cabin và khoang chở quân.

Xe bọc giáp dày 9-15mm để chống loại đạn súng máy hạng nhẹ, mảnh đạn pháo. Tuy nhiên lớp giáp này khó chống lại đạn súng máy hạng nặng, chưa nói tới vũ khí chống tăng chuyên dụng.

Ngoài ra, cabin và khoang chở quân không có mui nên dễ bị đối phương đứng trên cao nã đạn hoặc ném lựu đạn vào gây thương vong cho binh lính.

Xe có thể chở tới 18 binh lính cùng trang bị. Binh sĩ ra vào xe bằng cách leo qua nóc xe hoặc đi cửa sau.

BTR-152 trang bị động cơ xăng ZIS-123 làm mát bằng nước cho phép đạt tốc độ tối đa trên đường bằng phẳng 75km/h.
Xe bọc thép chở quân bánh lốp BTR-152.

Nhìn chung, khi hoạt động trong lực lượng tăng – thiết giáp Việt Nam, BTR-152 được đánh giá cao trong chiến đấu về cơ động, chở quân. Tuy nhiên, do đã trải qua một thời gian dài sử dụng, tình trạng kỹ thuật của xe phần nào xuống cấp, ảnh hưởng tới nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài ra, xe bọc thép BTR-152 đã lạc hậu về nhiều mặt. Ví dụ, động cơ của xe có công suất nhỏ, vỏ thép nặng khiến công suất riêng của xe không cao. Hơn nữa, động cơ dùng xăng nên khá tốn chi phí, mà trong bối cảnh “xăng tăng giá” thì việc này cũng gây không ít khó khăn.

Hệ thống lái cơ khí của xe BTR-152 không có trợ lực nên bộ đội vận hành khó, ảnh hưởng tới tính cơ động. Khi di chuyển trên tuyến đường giao thông, xe cũng không có đầy đủ đèn xi nhan, gương chiếu hậu nên dễ gây nguy hiểm cho phương tiện trên đường.

Đứng trước tình hình đó, yêu cầu cấp thiết là Việt Nam cần có những nâng cấp, hiện đại hóa xe bọc thép chở quân BTR-152 đáp ứng tình hình mới.

“Cải lão hoàn đồng” BTR-152

Theo báo Quân đội Nhân dân, gần đây các cán bộ Phòng Tăng – Thiết giáp (Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật) đã thực hiện công trình “Nghiên cứu nâng cao khả năng cơ động của xe bọc thép BTR-152 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Việc nâng cấp BTR-152 của Việt Nam tập trung chủ yếu vào mặt động cơ và giúp xe thuận tiện hơn khi di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau.

Theo đó, các cán bộ kỹ thuật đã thay thế động cơ xăng Zil-123B và hộp số cũ bằng động cơ diesel và hộp số mới. Thay thế hệ thống lái cơ khí không có trợ lực thành hệ thống lái có trợ lực thủy lực. Ngoài ra, ta còn nâng cấp hệ thống treo, hệ thống khí nén, hệ thống điện giúp tăng cường khả năng chịu tải, tính ổn định khi làm việc của xe.
BTR-152 của Việt Nam sau nâng cấp. Nguồn: Infonet

Xe còn thiết kế lắp mới mui thép, cần gạt mưa và một số thiết bị đèn chiếu sáng, kính quan sát phía sau giúp tăng cường khả năng bảo vệ, thuận tiện trong chiến đấu và di chuyển trên các loại địa hình khác nhau.

Sau nâng cấp, BTR-152 khi vận hành có công suất cao hơn 9,1%, tốc độ cao hơn 5,6mm. Lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm đáng kể, khi chạy động cơ xăng xe tiêu tốn 60-70 lít/100km, nay giảm xuống gần 30 lít dầu diesel/100km. Xe nâng cấp có hình thức đẹp hơn, vận hành thuận tiện.

BTR-152 bước đầu được thử nghiệm tại một số đơn vị trong toàn quân, và đã được đánh giá cao. Trong tương lai gần, Việt Nam có thể hiện đại hóa toàn bộ BTR-152 theo hướng trên.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hoàng Lê

Bình luận(0)