Trung Quốc bí mật phóng thử tên lửa đạn đạo DF-41

Google News

Trung Quốc đã bí mật phóng thử loại tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 mới nhất vào cuối tháng 7 vừa qua.

- Quân đội Trung Quốc đã tiến hành bắn thử nghiệm lần đầu tiên loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm xa DF-41 mới vào cuối tháng 7/2012 vừa qua.

Theo một quan chức Mỹ, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41 được thực hiện ở Trung tâm thử nghiệm tên lửa và không gian Wuzhai. Tên lửa được phóng lên và bay hàng ngàn dặm về sa mạc phía Tây của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, vụ phóng thử nghiệm đã bị rút ngắn khoảng cách do phải giữ cho tên lửa nằm trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

Vụ phóng thử tên lửa DF-41 đã được giữ kín và mãi tới hôm 15/8 mới được tờ Washington Free Beacon trích dẫn nguồn tin cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ. Vụ thử nghiệm làm gia tăng sự quan tâm của quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ về mối đe dọa của tên lửa tầm xa Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41
Tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41


Theo nguồn tin, ICBM DF-41 là tên lửa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tấn công hạt nhân và được đặt trên xe mang bệ phóng cơ động, tên lửa có tầm bắn xa, tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao, được trang bị nhiều đầu đạn.

Nguồn tin nói thêm rằng, ICBM tầm ngắn DF-31 và DF-31A có thể được bố trí nhắm vào Nga và Ấn Độ, trong khi ICBM DF-41 mới có tầm bắn xa hơn, được thiết kế để tấn công các mục tiêu của Mỹ với nhiều đầu đạn hạt nhân.

Trước đó, Trung Quốc đã từng tuyên bố sẽ không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân và các lực lượng hạt nhân để chống lại một cuộc tấn công trên lãnh thổ của mình. Theo các quan chức Mỹ, sự phát triển của DF-41 đã đặt ra câu hỏi về tuyên bố này.

Vụ thử nghiệm tên lửa mới của Trung Quốc dường như đã làm thay đổi các cuộc tranh luận của tình báo Mỹ về việc Trung Quốc có đang tìm kiếm một lực lượng hạt nhân hạn chế hoặc đang bí mật xây dựng lực lượng hạt nhân của họ để thách thức sức mạnh của quân đội Mỹ hay không.

Xe mang bệ phóng ICBM DF-41 cơ động trên đường
Xe mang bệ phóng ICBM DF-41 cơ động trên đường


Tên lửa mới tăng cường cho lực lượng chiến lược của Trung Quốc, cũng như chính thức đưa quốc gia này trở thành nước sở hữu các tên lửa đa dạng nhất thế giới, bao gồm tên lửa tầm ngắn, tầm trung bình, tầm trung và liên lục địa tầm xa.

Trung Quốc cũng đang phát triển cả tên lửa chống vệ tinh được đặt trên các bệ phóng dưới mặt đất và một tên lửa đạn đạo chống tàu đủ để tấn công chính xác các tàu sân bay Mỹ trên biển.

Người ta cũng tin rằng ICBM DF-41 là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc để phát triển tên lửa có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong khi Lầu Năm Góc hiện có hệ thống có khả năng đánh chặn được một vài ICBM của Triều Tiên và đang tăng cường thiết lập lá chắn tên lửa ở Đông Á cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo ông Larry Wortzel, một cựu quan chức tình báo chuyên về vấn đề Trung Quốc của quân đội Mỹ, các đầu đạn của tên lửa DF-41 được Bắc Kinh kỳ vọng có khả năng đặc biệt gọi là "hỗ trợ thâm nhập" và được thiết kế để chống lại các cảm biến phòng thủ tên lửa của Mỹ.

"DF-41 là một tên lửa đặt trên xe phóng cơ động và sẽ rất khó để phát hiện và đánh trả do khả năng linh hoạt của nó", ông Wortzel nói. "Mảng đầu đạn sẽ hỗ trợ xuyên thủng lá chắn tên lửa".

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc thì đã từ chối bình luận về vụ thử tên lửa trên.

Tuy nhiên, vụ phóng thử nghiệm của ICBM DF-41 đã làm suy yếu phân tích của một số chuyên gia đã từng "coi nhẹ" tham vọng hạt nhân của Trung Quốc.

Hình ảnh về ICBM DF-41 chỉ mới xuất hiện rất hạn chế
Hình ảnh về ICBM DF-41 chỉ mới xuất hiện rất hạn chế


Ví dụ, năm 2008, Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ đã nhận định rằng chương trình phát triển ICBM DF-41 đã bị Bắc Kinh hủy bỏ.

Báo cáo vũ khí chiến lược của tạp chí quân sự hàng tuần Jane trong tháng 2/2012 lại cho rằng, ICBM DF-41 sẽ thay thế những tên lửa cũ của Trung Quốc như DF-5 và DF-5A.

"Sự phát triển của tên lửa DF-41 được cho là do Tập đoàn Khoa học Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) ở Bắc Kinh thực hiện", Jane ghi trong báo cáo của mình.

Ban đầu tên lửa DF-41 được mô tả như là một tên lửa được thiết kế dựa trên tên lửa 2 tầng đẩy DF-31 và được kéo dài thêm tầng đẩy thứ ba. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Jane nói rằng, DF-41 là một thiết kế hoàn toàn mới và lưu ý rằng, DF-41ốc thể được đặt cả trên bệ phóng trên toa xe lửa.

Yến Phạm (theo Washington Free Beacon)

[links()]

Bình luận(0)