Trong chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 15 trên vùng biển vịnh Bắc bộ năm nay, Việt Nam lần đầu tiên điều 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất hải quân Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012).
Về phía Trung Quốc, nước này cũng lần đầu tiên điều 2 khinh hạm thuộc lớp Type 054A mang tên Hoàng Sơn (570) và Hành Dương (số hiệu 568) thuộc Hạm đội Nam Hải tuần tra chung với Việt Nam.
Cuộc tuần tra nhằm duy trì an ninh trật tự trên vùng biển giáp ranh đã được phân định, thúc đẩy thực thi hiệp định hợp tác nghề cá, duy trì trật tự ổn định các hoạt động sản xuất bình thường của nhân dân hai nước trong vùng vịnh Bắc bộ.
|
Khinh hạm Type 054A Hoàng Sơn và Hành Dương (dấu đỏ) tuần tra chung với 2 tàu Gepard 3.9 Việt Nam. Nguồn: Thanh Niên |
Type 054A (NATO định danh là Giang Khải II) là khinh hạm tên lửa đa năng do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển dựa trên Type 054. Có thể nói, Type 054A được xem là khinh hạm mới nhất, hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay.
Con tàu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại do Nga và Trung Quốc sản xuất, hệ thống vũ khí tối tân cho phép tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên không, trên biển. Type 054A có lượng giãn nước toàn tải 4.053 tấn, dài 134,1m, thủy thủ đoàn 165 người.
Phần thân tàu được thiết kế đặc biệt nhằm làm giảm diện tích phản xạ sóng radar, hệ thống vũ khí cũng được bố trí một cách “kín đáo” để tăng khả năng tàng hình cho con tàu.
Vũ khí chống tàu, phòng không mạnh mẽ
Hệ thống vũ khí tấn công mục tiêu mặt nước chủ lực của Type 054A gồm 2 bệ (4 ống phóng mỗi bệ đặt giữa thân tàu) tên lửa hành trình chống tàu cận âm YJ-83. Tên lửa có khả năng mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 165kg, tầm bắn tối đa tới 255km. YJ-83 được đánh giá một loại tên lửa chống tàu nguy hiểm, khó đánh chặn khi mà pha cuối chỉ bay cách mặt nước 5m, tốc độ gấp 2 lần vận tốc âm thanh.
|
Tên lửa hành trình chống tàu YJ-83. |
Vũ khí phòng không chủ lực của tàu gồm 32 đạn tên lửa đối không tầm trung HQ-16 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tối đa tới 50km. Theo một số nguồn tin, đạn tên lửa HQ-16 có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu bay thấp hơn 10m so với mặt nước biển.
Đạn tên lửa HQ-16 được đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng (32 ống) bố trí ngay phía sau tháp pháo 76mm. Cách bố trí này cũng nhằm làm tăng khả năng tàng hình cho con tàu, đồng thời việc phóng tên lửa theo phương thẳng đứng cũng có ưu điểm nhất định. Tên lửa có khả năng bao quát mục tiêu 360 độ, phản ứng nhanh trong khi nếu dùng bệ phóng thì sẽ mất thời gian quay về hướng mục tiêu bay tới.
Cũng theo một số nguồn thông tin chưa kiểm chứng, hệ thống phóng thẳng đứng trên Type 054A có khả năng bắn được tên lửa chống tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo.
Ngoài vũ khí tên lửa, Type 054A còn trang bị hệ thống pháo tầm gần dùng để tiêu diệt mục tiêu trên mặt biển và trên không. Theo đó, ở phía trước boong tàu có tháp pháo PJ26 cỡ 76mm (sao chép mẫu AK-176 của Nga) được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu tầm gần, cỡ nhỏ hoặc yểm trợ quân đổ bộ đường biển.
|
Ngay phía sau pháo PJ26 là hệ thống phóng thẳng đứng chứa tên lửa tầm trung HQ-16. |
Trong tác chiến phòng không tầm thấp, Type 054A trang bị 2 tổ hợp pháo cao tốc Type 730. Tổ hợp này gồm: một pháo 7 nòng cỡ 30mm (tốc độ bắn 5.800 viên/phút, tầm bắn 3.000m); radar điều khiển hỏa lực TR47C và tổ hợp ngắm quang – điện. Type 730 được thiết kế chuyên đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu đối phương, tất nhiên nó có thể tiêu diệt máy bay.
Dù có khả năng chống tàu và phòng không mạnh mẽ, nhưng trong tác chiến chống tàu ngầm Type 054A không quá mạnh. Con tàu chỉ có 2 giàn phóng rocket săn ngầm Type 87 cỡ 240mm có tầm bắn 1.200m và 2 cụm ống phóng ngư lôi Yu-7 cỡ 324mm (tầm bắn hơn 7km). Phạm vi tiêu diệt mục tiêu hiệu quả này là quá gần trong tác chiến chống ngầm.
Dẫu sao, Type 054A còn có sự hỗ trợ của trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc loại Z-9C với sân đáp và nhà chứa máy bay đặt ở đuôi tàu. Trực thăng sẽ giúp tăng phạm vi dò tìm, chống tàu ngầm.
Hệ thống điện tử “lai”
Những chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu Type 054A (gồm 2 chiếc Hoàng Sơn và Hành Dương) được trang bị hệ thống điện tử hàng hải do Nga và Trung Quốc sản xuất. Những chiếc Type 054A sau này có thể dùng hoàn toàn thiết bị nội địa.
|
Khinh hạm Type 054A Hoàng Sơn (570) hướng dẫn các tàu Gepard Việt Nam tiến vào quân cảng Trạm Giang. |
Theo đó, Type 054A trang bị hệ thống radar trinh sát đường không Fregat-MAE-5 lắp ở vị trí cao nhất cột anten trước. Radar có thể theo dõi cùng lúc 40 mục tiêu ở cự ly xa đến 120km với máy bay hoặc 50km đối với tên lửa hành trình.
4 radar điều khiển hỏa lực MR90 (2 đặt ở tháp chỉ huy và 2 đặt ở nóc nhà chứa trực thăng) cung cấp lệnh dẫn đường cho tên lửa đối không. Mỗi radar có thể cung cấp kênh dẫn hướng cùng lúc cho 2 tên lửa.
Một radar điều khiển hỏa lực Mineral-ME đặt ở nóc tháp chỉ huy cung cấp lệnh dẫn đường cho tên lửa hành trình chống tàu YJ-83.
Ngoài các loại radar do Nga chế tạo, tàu Type 054A còn có 3 radar Type 347G (Trung Quốc chế tạo) tích hợp với tổ hợp pháo Type 730 cung cấp lệnh điều khiển cho pháo 30mm và pháo 76mm.
Về hệ thống trinh sát tàu ngầm, Type 054A dùng hệ thống định vị thủy âm MGK-335 do Nga chế tạo. Nó bao gồm hệ thống định vị trinh sát bị động và chủ động gắn dưới thân tàu.