Thông tin trên vừa được Tạp chí Jane’s ngày 15/6 dẫn lời từ một đại diện của công ty Saab cho biết tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris Air Show 2015 cho biết.
Theo đó, Saab đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để tăng số lượng bán hàng trên toàn cầu đối với mặt hàng tiêm kích JAS-39 Gripen C/D, cùng với đó là thúc đẩy quảng bá tích cực các mẫu Gripen E/F tiên tiến hơn.
Trả lời các phóng viên tham dự Paris Air Show, người đứng đầu đơn vị bộ phận hàng không của Saab UIf Nilsson cho biết, công ty đang thực hiện chiến dịch thúc đẩy bán các máy bay Gripen C/D. Để thực hiện mục tiêu này, công ty sẽ tiến hành chương trình nâng cấp liên tục để đảm bảo giữ vị thế khả năng quân sự hàng đầu cho các tiêm kích từ nay cho đến ít nhất năm 2035.
|
Tiêm kích Gripen đang có nhiều triển vọng bán hàng trên toàn cầu.
|
“Chúng tôi sẽ không dừng lại việc thúc đẩy Gripen C/D. Thực sự không có vấn đề gì nếu bạn tham gia chương trình Gripen C/D hoặc với Gripen E/F, chúng tôi sẽ luôn có cách để phát triển khả năng lực lượng của bạn thông qua các cải tiến liên tục”, ông Nilsson nói.
Tới nay, Saab cho biết đã bán được 75 tiêm kích Gripen C và 25 chiếc Gripen D (hai chỗ ngồi) cho quân đội Thụy Điển, rất nhiều máy bay trong số đó được tái sản xuất từ 105 máy bay loại Gripen A và 13 chiếc Gripen B. Đồng thời Saab đã bán được 17 chiếc Gripen C và 9 chiếc Gripen D cho Nam Phi; 8 chiếc Gripen C và 4 chiếc Gripen D cho Thái Lan; 12 chiếc Gripen C và 2 chiếc Gripen D cho Hungary; 12 chiếc loại C và 2 chiếc loại D cho Cộng hòa Czech, cùng 1 chiếc loại D cho trường phi công thử nghiệm Vương quốc Anh. Mới đây, Slovakia cũng đã chọn Gripen C/D làm loại chiến đấu cơ mới của mình.
Mặc dù với hợp đồng mới ký bán 60 tiêm kích Gripen E cho Thụy Điển trong tổng số 80 chiếc được đặt hàng, cũng như 28 chiếc loại E và 8 chiếc loại F cho Brazil. Nhưng Saab cho biết, công ty không phải có ý định bỏ rơi các tiêm kích C/D đã có chút lỗi thời hơn trong gia đình Gripen.
Thậm chí hiện nay còn không có nhiều tiêm kích JAS-39 C/D để chuyển cho các khách hàng. Vào đầu năm 2015, Saab mới chỉ chuyển một chiếc tiêm kích loại này cho Không quân Thụy Điển. Hiện dây chuyền sản xuất vẫn làm việc phát triển nguyên mẫu E đầu tiên. Đồng thời còn có những tùy chọn cho các khách hàng tiềm năng muốn mua loại C/D mới.
“Có rất nhiều khung thân tiêm kích Gripen A/B trong kho có thể được chuyển đổi sang C/D. Tôi không nói được chính xác là bao nhiêu, vì chúng thuộc về Không quân Thụy Điển và tôi không có quyền nói ra điều đó, nhưng sẽ có một số lượng lớn nếu được yêu cầu”, ông Nilsson tiết lộ.
Nilsson cho biết, loại C/D có giá thành sản xuất rẻ hơn so với E/F trong khi khách hàng lại thường quyết định hướng tới bởi yếu tố thời hạn, khả năng và giá cả.
“Cơ hội đầu tiên để đặt hàng đối với dòng Gripen E sẽ ở ngoài Thụy Điển và có thể là ở Brazil vào năm 2022. Trong khi có rất nhiều đơn đặt hàng chiến đấu cơ trong thời gian ngắn và họ sẽ không chờ đợi nữa, vì thế C/D rất có thể là một đề xuất hữu hiệu cho các quốc gia này. Dĩ nhiên, không phải vì mua C/D hiện nay mà họ sẽ từ bỏ mua E/F trong tương lai”, ông Nilsson nhận định.
Đáng chú ý, theo vị đại diện này của Saab, sau khi phân tích các cơ hội trên toàn cầu công ty hy vọng sẽ bán khoảng 300-450 máy bay Gripen C/D/E/F trong vòng 20 năm nữa, tăng 10-15% thị trường.
|
Tiêm kích JAS-39 Gripen C trang bị trong Không quân Hoàng gia Thái Lan. |
Đặc biệt, Saab đã tìm thấy các khách hàng tiềm năng ở Áo mua C/D hoặc E/F để thay thế loại Eurofighter Typhoon Tranche 1; Bỉ có thể mua E/F; Botswana muốn mua C/D; Bulgaria muốn mua C/D; Colombia muốn mua C/D hoặc E/F; Cộng hòa Czech muốn mua thêm C/D; Ecuador muốn mua C/D hoặc E/F; Phần Lan nhiều khả năng chọn E/F; Hungary muốn mua thêm C/D và Ấn Độ muốn mua E/F.
Ở Đông Nam Á, Saab cho biết, Indonesia muốn mua JAS-39 C/D, còn Malyasia muốn mua C/D trong khi Philippines muốn có loại C/D. Ngoài ra, hãng thông tấn Reuters gần đây tiết lộ thông tin rằng, Việt Nam đang có thảo luận mua tiêm kích Gripen E để thay thế 100 chiếc MiG-21 lỗi thời.