Tờ Izvestia dẫn lời Phó Giám đốc Tập đoàn Tractor Plants Mikhail Levshunov, xe chiến đấu bộ binh hiện đại nhất Kurganets và xe tăng Armata sẽ được trang bị “robot súng máy” có thể tự động tiêu diệt mục tiêu đã chọn và “nó sẽ tự bắn cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt”.
Ông này cho biết, các công trình nghiên cứu module điều khiển từ xa được tiến hành trong khuôn khổ nghiên cứu chế tạo các mẫu trang bị kỹ thuật lục quân mới. Tuy nhiên, ông Levshunov không tiết lộ thêm chi tiết, lấy lí do bảo mật thông tin.
Trong khi đó nguồn tin ở tổ hợp công nghiệp quốc phòng cho biết, là module này được lắp súng máy hạng nặng Kord do viện nghiên cứu khoa học trung tâm TsNII Burevesnik ở Nizhniy Novgorod thiết kế chế tạo. Nó có thể tiêu diệt mục tiêu trên không và trên bộ. Nhờ bộ ngắm tìm nhiệt nên trang bị này có thể hoạt động cả ban đêm, khi trời mưa và sương mù.
“Hiện module mới được lắp cho xe chiến đấu bộ binh triển vọng Kurganets-25. Phương tiện chiến đấu này trong tương lai sẽ thay cho các xe chiến đấu bộ binh BMP và xe bọc thép (bánh lốp) BTR hiện có. Ngoài Kurganets, sẽ có thể lắp module điều khiển từ xa lên lựu pháo tự hành triển vọng Koalitsiya và các xe bọc thép (bánh lốp) Bumerang”, ông Levshunov nói.
|
Phác họa siêu tăng Armata của Nga. |
Nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Lục quân khẳng định kế hoạch ứng dụng súng máy được robot hoá đối với tất cả các loại trang bị.
“Hiện xe tăng và pháo tự hành lắp súng máy có kính ngắm thông thường bên ngoài xe. Để bắn chúng, phải chui ra khỏi xe qua cửa lật, mà như vậy có nghĩa là có thể bị thương vong vì hoả lực của đối phương. Các hệ thống robot hoá cho phép duy trì hoả lực từ xa, không phải chui ra khỏi khoang bọc thép của xe. Ngoài ra, có thể lựa chọn mục tiêu cho súng máy tự động hoá, sau đó máy bám tự động sẽ bám theo mục tiêu đó cho đến khi tiêu diệt được nó. Điều này đặc biệt thuận lợi khi cần tiêu diệt mục tiêu có khả năng cơ động cao”, nguồn tin cho biết.
Ông này nói thêm, các súng máy này có kính ngắm quang học và hồng ngoại, chúng nhìn rõ mục tiêu cả ngày và đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Máy tính điện tử trên xe tính toán quỹ đạo của mục tiêu, đưa ra lệnh điều khiển cho các động cơ điện tốc độ cao di chuyển súng. Việc bắt mục tiêu và điều khiển súng được thực hiện bằng cần điều khiển trên bàn công tác của người thao tác dựa theo màn hình của hệ thống điều khiển, màn hình này hiển thị hình ảnh do các máy ghi hình và tìm kiếm nhiệt đưa về.
“Máy tính xác định loại mục tiêu và các thông số như tốc độ, độ cao, quỹ đạo chuyển động, tính lượng sửa do gió và thuật phóng. Vì vậy kíp lái chỉ phải chỉ ra mục tiêu, mọi việc còn lại do module tự thực hiện”, viên quan chức này cho biết.
Biên tập viên trang mạng Otvaga-2004 Vitaly Moiseev giải thích, nguyên tắc chế tạo trang bị kỹ thuật quân sự theo module hiện được áp dụng khắp nơi không chỉ ở Nga, mà cả ở các nước phương Tây nữa.
“Người Phần Lan lắp các hệ thống như vậy cho xe bọc thép Patria của mình, người Ukraine sử dụng cho BTR-3 và BTR-4, người Mỹ cho Stryker. Người Mỹ lắp các module sản xuất hàng loạt lên xe tăng M1A2SEP, người Đức cho Leopard 2A7, cũng như người Ukraine cho tăng T-84 Oplot. Về tính năng module do Burevesnik chế tạo không thua kém các loại của Mỹ và Đức và vượt trội hơn của Phần Lan, Ukraine và một số nước khác không có máy tự động bám theo mục tiêu”, ông Moiseev nói.