Gần đây, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Giám đốc Tập đoàn Thống nhất chế tạo máy bay Nga (UAC) Mikhail Pogosyan, thiết kế “trên giấy” của máy bay ném bom chiến lược Nga tương lai PAK DA đã được hoàn thành.
Diện mạo kỹ thuật của máy bay ném bom chiến lược Nga trong tương lai vẫn chưa được chính thức tiết lộ. Tuy nhiên theo suy đoán của chuyên gia, đây sẽ là máy bay siêu âm và có độ bộc lộ radar rất thấp giống như máy bay B- 2 Spirit của Mỹ. Thử nghiệm công nghệ tàng hình trên tiêm kích chiến thuật Sukhoi T-50 có thể giảm thiểu những khó khăn cho việc thiết kế của máy bay này. Nếu tiến triển thuận lợi, oanh tạc cơ mới này sẽ được bắt đầu sản xuất trong nửa đầu thập kỷ tới.
|
Ảnh minh họa.
|
Chuyên gia đến từ Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin bình luận, chương trình phát triển máy bay ném bom mới của Nga có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc. Theo đó, cả hai quốc gia cần máy bay ném bom với tư cách là yếu tố răn đe chiến lược. Ngoài ra, do diện tích lãnh thổ khổng lồ khiến Nga cần loại máy bay có tầm xa rộng lớn có thể tấn công vào bất kỳ điểm nào dọc theo biên giới của mình. Còn Trung Quốc cần máy bay ném bom có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển và mặt đất xa xôi ở Thái Bình Dương.
“Vì vậy, trong bối cảnh quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi nghiêm trọng và quan hệ Nga – Trung được cải thiện, sự phát triển hai dự án riêng biệt với mục đích giống nhau dường như là không hợp lý. Trong điều kiện hiện tại, một đề án chung về nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược tầm xa giữa Nga và Trung Quốc sẽ rất có lợi cho cả hai bên. Điều đó sẽ giảm được chi phí rất lớn và rủi ro kỹ thuật liên quan đến thiết kế máy bay. Hợp tác sản xuất sẽ là yếu tố bổ sung cho việc tăng cường tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật”, ông Kashin nói.
|
Trung Quốc đang tìm mọi cách thay thế các máy bay ném bom H-6 đã lỗi thời dù liên tục cải tiến.
|
Ông này tiếp tục nói thêm, trong trường hợp này, điểm mạnh và điểm yếu của ngành công nghiệp Nga và Trung Quốc sẽ bổ sung cho nhau. Nga rõ ràng có kinh nghiệm cao hơn Trung Quốc trong việc thiết kế máy bay, xây dựng động cơ, công nghệ radar và các lĩnh vực khác. Đồng thời, Trung Quốc có những tiến bộ lớn trong việc sản xuất vật liệu tổng hợp dành cho máy bay và một số loại linh kiện điện tử. Không giống như máy bay chiến đấu chiến thuật, máy bay ném bom chiến lược hầu như không được xuất khẩu, vì vậy những người tham gia dự án sẽ không phải lo ngại xung đột với nhau trên thị trường vũ khí thế giới.
Trong cuộc chạy đua quân sự - kỹ thuật được khôi phục lại trên thế giới hiện nay, Wasington đang mở rộng hợp tác quốc tế và lôi kéo các nước đồng minh như Anh và Nhật Bản tham gia vào các dự án của Mỹ. Để giữ được vị thế của mình, các cường quốc quân sự - kỹ thuật lớn nhất thế giới không thuộc thế giới phương Tây như Nga và Trung Quốc cần tăng cường phát triển hợp tác.
“Tuy nhiên, thật đáng tiếc là các chính trị gia của cả hai bên lại cạnh tranh với nhau trong nỗ lực đạt được thành công ngắn hạn”, ông Kashin cho biết.