Nhiều chuyên gia quân sự nhận xét rằng, tiêm kích J-11 do Trung Quốc sản xuất như là một bản sao của dòng tiêm kích Su-27/Su-30 Flanker của Nga. Tuy nhiên, mẫu J-11D được xem là chiến đấu cơ một chỗ ngồi tiên tiến nhất của Bắc Kinh.
Được biết, J-11D được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống tiếp nhiên liệu trên không và mang theo các tên lửa không đối không thế hệ 5 PL-10. Báo chí Trung Quốc loan tin rằng, chiến đấu cơ J-11D đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/2015.
|
Tiêm kích J-11 Trung Quốc.
|
“Chiến đấu cơ J-11 trở thành trụ cột trong Không quân Trung Quốc (PLAAF). Họ đang sản xuất rất nhiều mẫu máy bay này”, chuyên gia quân sự Mỹ Dave Majumdar chỉ ra trong bài viết của ông đăng trên tạp chí National Interest.
Theo chuyên gia Majumdar, J-11D có rất nhiều khía cạnh có thể so sánh với Su-35S Nga. Năm ngoái, chuyên gia này cũng đưa ra một đánh giá ngắn gọn về Su-35S và gọi nó là “một kẻ thù vô cùng nguy hiểm đối với bất cứ chiến đấu cơ Mỹ nào”.
J-11D sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar qua đó "giảm tín hiệu phản xạ sóng radar" và được trang bị hệ thống tìm kiếm và truy đuổi theo bức xạ hồng ngoại (IRST). Ngoài ra, J-11D còn được lắp động cơ WS-10 tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay.
Chuyên gia Majumdar khẳng định rằng, tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ còn nhiều đặc điểm vượt trội hơn so với máy bay trên của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, các chiến đấu cơ Mỹ lại cần các căn cứ để cất/hạ cánh hoặc cần các máy bay chở dầu để tiếp nhiên liệu. Đó là một điểm yếu thế của dòng máy bay Mỹ so với mẫu Trung Quốc.
“Nếu có một cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương, các trận chiến trên không quy mô lớn sẽ khó lòng xảy ra vì Mỹ và các đồng minh có rất ít căn cứ ở khu vực này để tung các tiêm kích tác chiến chủ lực như F-35 ra”, ông Majumdar chỉ ra và nói thêm: “Hơn nữa, do không có những thông tin tình báo, trinh và giám sát nên những chiến đấu cơ Mỹ cũng không được hỗ trợ một cách đúng cách. Do vậy, nó trở nên khó khăn hơn trong các cuộc giao tranh này”.