Địa thế chiến lược
Vịnh Cam Ranh nằm ở phía cực Nam tỉnh Khánh Hòa, là đỉnh tột cùng nhô ra nổi bật nhất của đường bờ biển hình vùng cung phía Đông Nam Việt Nam. Đây là vị trí yết hầu chiến lược kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Từ Vịnh Cam Ranh cho phép khống chế các eo biển Malaysia và Philippines, có thể tiến hành trinh sát điện tử Biển Đông, biển Philippines, Hoa Đông. Thậm chí, tới tận khu vực vịnh Péc Xích hay vùng Bắc Ấn Độ Dương.
Ở Cam Ranh, biển ăn sâu vào đất liền, được bao lại bởi bán đảo Cam Ranh tạo ra vùng nước rộng mênh mông bên trong, tứ phía được dãy núi cao khoảng 400m che chắn. Những dãy núi này như “bức tường thành” vững chắc ngăn gió bão không thể xâm nhập. Trong khi nhờ địa thế cao điểm này có thể khống chế cả những khu vực xung quanh cảng.
|
Địa thế vịnh Cam Ranh nhìn từ vệ tinh. |
Vịnh Cam Ranh có diện tích mặt nước rộng hơn 100km2, rộng 5-6km, dài 15km, độ sâu trong vịnh trung bình từ 16-25m (sâu nhất là 32m), cửa vịnh sâu 15-20m.
Với diện tích như thế, Cam Ranh được xem là hải cảng tốt nhất nước ta, có thể đón tàu biển trọng tải lớn, chừng 10 vạn tấn vào trong cảng, tàu 20 vạn tấn đậu ở ngoài cửa vịnh. Trong vịnh có thể cho phép đồng thời 40 tàu chiến cùng neo đậu, kể cả những tàu sân bay khổng lồ.
Giới chuyên gia quân sự thế giới đánh giá rằng Cam Ranh có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu. Chẳng thế mà, trong suốt hàng chục năm, nhiều cường quốc quân sự thế giới đã rất dành sự quan tâm lớn Cam Ranh.
Ba cường quốc lần lượt "đặt chân"
Vào cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp bắt đầu để ý tới Cam Ranh và bước đầu xây dựng quân cảng nhỏ. Sau này, người Pháp tiếp tục mở rộng biến nó thành căn cứ quân sự lớn, phục vụ cho các chiến dịch xâm lược khắp Đông Nam Á.
Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, phát xít Nhật đánh bại quân Pháp ở Việt Nam và chiếm vịnh Cam Ranh làm bàn đạp chuẩn bị cho cuộc tấn công đánh chiếm những quốc gia Đông Nam Á khác.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, người Pháp trở lại và tiếp tục sử dụng Cam Ranh. Từ đây, tới lượt người Mỹ “nhòm ngó” Cam Ranh. Và khi quân Pháp thất bại ở chiến trường Việt Nam, quân Mỹ nhanh chóng nhảy vào thế chân.
|
Một góc căn cứ Cam Ranh thời quân Mỹ đóng quân, tháng 6/1969. |
Giai đoạn, 1965-1972, người Mỹ với nền kinh tế hùng mạnh đã rót tiền xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự không lồ. Căn cứ này được dùng làm điểm tiếp nhiên liệu và trang bị quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía Tây Thái Bình Dương.
Năm 1969, Tổng thống Mỹ Lyndon Jhonson đã đến thị sát căn cứ này, và đấy là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. Thời điểm đó, căn cứ không quân Cam Ranh được “hiện đại hóa” mạnh mẽ với 2 sân bay cho máy bay phản lực, một sân bay cho trực thăng. Mỗi sân bay có sức chứa hơn 100 máy bay.
Người Mỹ còn tiến hành đào núi trong Vịnh và xây kho chứa máy bay trong lòng núi, nâng cấp đường băng cho máy bay chiến lược B-52 cất hạ cánh.
Năm 1972, quân Mỹ trao lại quân cảng Cam Ranh cho quân đội Sài Gòn sử dụng. Và chỉ 3 năm sau, năm 1975, các mũi tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến vào giải phóng Cam Ranh.
Căn cứ hậu cần cho Hải quân Liên Xô
Những năm 1960, Hải quân Liên Xô bắt đầu vươn mạnh tiến ra biển lớn, các lực lượng tàu chiến triển khai trên khắp các đại dương nhằm cân bằng với Mỹ. Việc mở rộng lực lượng như vậy đòi hỏi phải có mạng lưới hậu cần kỹ thuật rộng khắp.
Do không có căn cứ quân sự nước ngoài nên Liên Xô đã xây dựng trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên lãnh thổ các nước thân thiện. Và đương nhiên, sau 1975, Liên Xô đã có ý muốn vào Cam Ranh.
Cuối năm 1978, đại diện Hải quân Liên Xô và phía Việt Nam đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh.
|
Tranh vẽ minh họa tàu chiến Hải quân Liên Xô tại Cam Ranh. |
Ngày 2/5/1979, Chính phủ Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng quân cảng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương trong 25 năm (Trạm cung ứng mang phiên hiệu 922).
Theo qui định trong hiệp định, tại Cam Ranh cùng lúc có thể tập trung từ 8-10 tàu chiến đấu mặt nước, 4-8 tàu ngầm có khu neo nổi và tối đa 6 tàu hộ tống. Tại sân bay có thể tiếp nhận từ 14-16 chiến đấu cơ, 6-9 trinh sát cơ và 2-3 vận tải cơ. Tùy theo tình hình cụ thể, số lượng máy bay và tàu chiến có thể tăng lên theo thỏa thuận giữa hai nước.
Tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào vịnh Cam Ranh. Phân đội đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương gồm 54 người đến đây tháng 4/1980.
Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Chính phủ Liên Xô đã giao cho Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 nhiệm vụ giảm áp lực cho Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng và Hải quân Liên Xô nói chung trong công tác hậu cần đảm bảo hoạt động chiến hạm đang làm nhiệm vụ tại Biển Đông.
Trong suốt những năm 1980, nhiều tàu chiến “khủng” của Hải quân Liên Xô đã ghé vào Cam Ranh (tàu khu trục tên lửa cỡ lớn, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân tấn công).
Ngoài ra, tại Cam Ranh cũng luôn thường trực đơn vị tàu chiến đấu mặt nước và không quân để bảo vệ căn cứ, tàu thuyền trên biển.
Ngày 3/12/1983, Trung đoàn không quân hỗn hợp 169 đã tới sân bay Cam Ranh và bước vào hoạt động huấn luyện, chiến đấu tại Việt Nam. Biên chế của Trung đoàn 169 gồm: 20 máy bay ném bom hạng trung Tu-16; 4 máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142; 4 máy bay trinh sát tầm xa Tu-95RS; 12 tiêm kích đánh chặn MiG-23MLD; 2 máy bay vận tải hạng trung An-12, trực thăng săn ngầm Mi-14PL…
Mùa Thu năm 1983 đến tháng 8/1991, Hải đoàn cơ động số 17 triển khai tại Cam Ranh, từ tháng 8/1991-12/1991 được thay thế bằng hải đoàn cơ động số 8 và sau đó là hải đội tàu hỗn hợp 119 (thuộc Hạm đội Thái Bình Dương).
|
Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-23MLD sau chuyến bay tại Cam Ranh. |
Tháng 2/1984, theo đề nghị của phía Việt Nam, Chính phủ Liên Xô đã quyết định khôi phục và xây dựng thêm một loạt công trình tại căn cứ Cam Ranh.
Trên cơ sở Hiệp định ký giữa Liên Xô và Việt Nam ngày 20/4/1984, hai bên đã ký hợp đồng xây dựng cụm đài radar số ba. Đây là công trình viện trợ không hoàn lại.
Giai đoạn 1984-1987, Tổng Công ty Xây lắp Liên Xô đã xây dựng tổng cộng 28 nhà ở và công trình chuyên dụng các loại. Lúc đó tổng số người Liên Xô sống trong khu quân sự là 6.000 người, kể cả công nhân xây dựng.
Theo thỏa thuận trong mục 71 của Hiệp định ký ngày 20/4/1984, các công trình xây dựng xong sẽ bàn giao cho phía Việt Nam sử dụng. Các hạng mục đầu tiên được xây dựng xong từ tháng 12/1987, sau đó các chuyên gia Liên Xô bắt đầu sử dụng theo hình thức thuê miễn phí.
Sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ năm 1991, Hải quân Nga tiếp quản căn cứ và làm nhiệm vụ hậu cần cho đội tàu trên biển.
Năm 2002, phía Nga đã thống nhất với Việt Nam về việc bàn giao căn cứ Cam Ranh trước thời hạn 2 năm. Ngày 4/5/2002, những người lính Nga cuối cùng lên tàu rời khỏi Cam Ranh sau 23 năm đóng tại nơi này.
Phía Nga đã bàn giao cho Việt Nam một số lượng lớn các công trình và tài sản căn cứ gồm: 57 tòa nhà; 85 đường dây tải điện lưới, 62km đường điện cáp, 25km công trình ngầm, 250m cầu cảng, sân bay và hệ thống quản lý kho…
Căn cứ lữ đoàn tàu ngầm 189
Hiện nay, quân cảng Cam Ranh tiếp tục được Hải quân Nhân dân Việt Nam sử dụng cho các nhiệm vụ an ninh quốc phòng và kinh tế.
Đối với nhiệm vụ quốc phòng, hiện nay Cam Ranh đang là nơi đóng quân của Lữ đoàn tàu chiến mặt nước 162 được biên chế trang bị những tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam như tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, tàu tên lửa Project 1241RE, BSP-500, tàu pháo Svetlyak và nhiều kiểu tàu khác.
|
Trên boong tàu hộ vệ Gepard 3.9 neo đậu tại cầu tàu quân cảng Cam Ranh.
|
Đặc biệt, Cam Ranh tiếp tục được lựa chọn là nơi đặt căn cứ chính Lữ đoàn tàu ngầm 189 biên chế 6 tàu ngầm tấn công phi hạt nhân Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo). Hiện, chiếc tàu ngầm đầu tiên mà Nga bàn giao cho Việt Nam đầu tháng 11 mang tên HQ-182 Hà Nội đang trên đường hướng về "cảng nhà", dự kiến 31/12 sẽ vào căn cứ.
Theo truyền thông Nga, căn cứ tàu ngầm Việt Nam ở Cam Ranh đã được hoàn thiện trên nhiều mặt (cầu cảng neo đậu tàu, khu vực sinh hoạt cán bộ chiến sĩ lữ đoàn, trung tâm huấn luyện...).