Giải mật lữ đoàn lính dù tinh nhuệ của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, trong quá khứ, Quân đội Nhân dân Việt Nam từng tổ chức biên chế Lữ đoàn lính dù tinh nhuệ mang phiên hiệu 305.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách Kỷ niệm sâu sắc về công tác tham mưu chiến lược, Lịch sử Bộ đội Đặc công và bài viết "Những mốc son trong cuộc đời "Anh bộ đội nhảy dù" - Cục Không quân ngày ấy (tác giả Bùi Duy Trinh - Đoàn cán bộ nhảy dù Cục Không quân).

Trong nhiều bộ phim về chiến tranh thế giới thứ 2, người xem thường rất phấn khích với hàng trăm người lính nhảy khỏi máy bay bung dù rợp trời từ trên không. Sau khi đáp xuống mặt đất, họ nhanh chóng hợp lại và triển khai chiến đấu. Đó là những người lính thuộc Binh chủng Nhảy dù hoặc gọi đơn giản hơn là lính dù.

Lính dù là binh chủng đặc biệt thuộc Quân chủng Không quân  thường dùng cho các nhiệm vụ đổ bộ đường không (đánh chiếm, tấn công mục tiêu đối phương), thả dù tiếp tế hàng hóa.

Lực lượng lính dù xuất hiện ở không quân nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, quân đội Việt Nam không tổ chức đơn vị quân dù lớn. Nhưng trong quá khứ, chúng ta đã từng tổ chức cấp Lữ đoàn Lính dù mang phiên hiệu 305.

Cuối những năm 1950, Cục cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị đến trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn tuyển người để đưa đi đào tạo lính dù. Ngay trong năm 1959, đoàn cán bộ gồm 41 người được đưa sang tập luyện tại căn cứ của sư đoàn đổ bộ đường không Trung Quốc.

Sau một thời gian huấn luyện, mùa hè năm 1960, đoàn trở về nước và tổ chức nhảy dù thực tập lần đầu tiên tại bãi Yên Lãng ven bờ Bắc sông Hồng thuộc Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Đầu năm 1961, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Lữ đoàn lính dù 305 được thành lập.

Với sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia nhảy dù Liên Xô, (5 đồng chí) đoàn dù tập trung sức lực nhằm nhanh chóng xây dựng lữ đoàn dù 305 lớn mạnh. Tại khu vực Bắc Giang, lữ đoàn 305 đã xây dựng các bãi nhảy lớn để luyện tập như bãi Buồm (huyện Lạng Giang), Chũ (huyện Lục Ngạn).

Cuối năm 1961, lính dù lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng lớn tại Hải Dương. Đơn vị diễn tập gồm Sư đoàn Bộ binh 308, được tăng cường thêm ô tô vận tải, xe tăng, pháo binh, công binh và các đơn vị hậu cần, thông tin…Tất cả gồm 600 xe cơ giới từ mô tô đến xe tăng, xe lội nước và hơn 130 khẩu pháo các loại. Đây là cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng lớn nhất của quân đội ta từ khi thành lập đến thời điểm đó.

Lính dù Lữ đoàn 305 lên máy bay An-2 chuẩn bị cho buổi huấn luyện. Nguồn: tư liệu Bảo tàng PK-KQ

Nguyên Cục phó Cục Quân Huấn Đại tá Huỳnh Ích trong sách “Kỷ niệm sâu sắc về công tác tham mưu chiến lược” có nhắc đến cuộc diễn tập này với sự xuất hiện của lính dù: “Theo phương án chiến đấu thì 16h có một phân đội nhảy dù sẽ xuống phía tây Nam Sách, đánh chiếm đầu cầu, bảo đảm 17 giờ, tiểu đoàn phái đi trước vượt sông đánh chiếm bãi đổ bộ. Khoảng 15 giờ, chúng tôi đang trên đường từ Cẩm Giàng đến bờ sông Thái Bình thì bắt đầu phát hiện mấy chiếc máy bay An-2 bay đến khu vực nhảy dù vòng mấy lần rồi lại bay về sân bay Kép. Đến 16 giờ 20 phút, lại bay trở lại và khoảng 2 trung đội nhảy dù xuống đúng khu vực quy định…”.

Mùa thu năm 1962, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho bộ đội nhảy dù đi dự Đại hội thể thao các nước Xã hội Chủ nghĩa tổ chức ở Tiệp Khắc. Đội nhảy dù gồm 19 người được chọn chủ yếu từ lữ dù 305 (15 người).

Đội nhảy dù của Việt Nam dự thi ở cả 3 nội dung gồm: nhảy dù trúng đích ở độ cao 1.500m rơi tự do 20 giây, độ cao 1.000m rơi tự do 3 giây và nội dung thứ 3 là nhảy dù tập thể với trang bị và chạy 20 km.

Kết quả đoàn Việt Nam xếp thứ 3 ở nội dung thứ nhất sau Liên Xô, Tiệp Khắc và xếp thứ 4 ở hai nội dung sau. Tuy nhiên, ở nội dung thứ 3, trên quãng đường 20 km, các vận động viên còn phải bắn súng, ném lựu đạn trúng đích. Tuy về thứ 4 nhưng các vận động viên Việt Nam có điểm số bắn súng cao nhất.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong xây dựng lực lượng. Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, Lữ đoàn lính dù 305 không trực tiếp chiến đấu mà chuyển thành đặc công.

Theo tài liệu Lịch sử bộ đội Đặc công, vào tháng 3/1967, khi Binh chủng Đặc công chính thức được thành lập, Lữ đoàn 305 đã được chuyển nhiệm vụ từ lữ dù sang thành lữ đoàn đặc công.

“Về tổ chức, chuyển nhiệm vụ và chấn chỉnh Lữ đoàn 305 để tổ chức Bộ tư lệnh Đặc công, sáp nhập Trung đoàn 426 thuộc Bộ Tổng Tham mưu và Đoàn 126 thuộc lộ tư lệnh Hải quân về Bộ tư lệnh Đặc công. Biên chế cụ thể của Bộ tư lệnh Đặc công do Bộ Tổng Tham mưu quy định”, cuốn sách viết.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)