Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Nga ở khu vực châu Á –
Thái Bình Dương trong hợp tác lĩnh vực kỹ thuật – quân sự. Giữa những năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu mua sắm nhiều vũ khí tối tân của Nga để hiện đại hóa Hải quân – Không quân đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Mua tàu chiến, tên lửa bờ biển
Đầu những năm 1990, trong biên chế lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam chỉ gồm tàu chiến thế hệ cũ. Trước yêu cầu bảo vệ biển đảo tổ quốc trong tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, các thế lực thù địch tới vùng biển nước ta. Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam được hiện đại hóa mạnh mẽ với việc mua sắm thêm tàu chiến.
Theo số liệu từ tạp chí Moscow Defense Brief (MDB), năm 1994, Việt Nam đặt mua của Nga 2 tàu hộ tống tên lửa Project 1241RE, hợp đồng do nhà máy đóng tàu Vympel thực hiện. Năm 1996, phía Nga đã hoàn tất chuyển giao các tàu Project 1241RE cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Sau hợp đồng này, ta đã ký tiếp 2 tàu nữa cùng loại. Và hợp đồng được chuyển giao vào năm 1999. Đây là những tàu chiến đấu mặt nước hiện đại đầu tiên của hải quân ta.
|
Tàu hộ tống tên lửa Project 1241RE trang bị 4 tên lửa hành trình chống tàu cận âm P-15M. |
Theo số liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), năm 1996 Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua 2 tàu hộ tống tên lửa BSP-500/Type1241A. Việc thiết kế do Nga thực hiện và đóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin chỉ một tàu được hoàn thiện và ngày nay nằm trong Lữ đoàn 162.
Tháng 8/2003, Việt Nam ký với Nga mua 2 tàu hộ tống tên lửa Project 1241.8. Những chiếc tàu này có kích thước và vũ khí tương tự Project 1241RE. Nhưng hỏa lực chống tàu mặt nước hiện đại hơn với 16 tên lửa Kh-35 Uran. Việc chuyển giao được thực hiện trong năm 2007.
Theo tạp chí MDB, Việt Nam cũng đã thỏa thuận với Nga về việc chuyển giao công nghệ sản xuất để thực hiện việc chế tạo Project 1241.8 trong nước.
Ngoài việc tăng cường sức mạnh tấn công trên biển, chúng ta cũng mua sắm thêm các loại tàu mới để làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển. Năm 2001, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 40 triệu USD với Nga mua 2 tàu tuần tra cao tốc lớp Svetlyak Project 10412. Hợp đồng được hoàn tất ngay trong năm 2002.
|
Tàu hộ tống tên lửa Project 1241.8 của Việt Nam. |
Sau này, Việt Nam còn mua thêm 4 tàu Svetlyak Project 10412. Việc chuyển giao hoàn tất trong năm 2012. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có trong trang bị 6 tàu Svetlyak.
Tháng 12/2006, Việt Nam ký hợp đồng trị giá 300 triệu USD mua 2 khinh hạm tên lửa Gepard 3.9 Project 11661. Hợp đồng được thực hiện bởi nhà máy đóng tàu Zlenodolsky. Dự kiến, các tàu sẽ được chuyển giao trong giai đoạn 2009-2010. Tuy nhiên, mãi tới năm 2011 hai tàu Gepard 3.9 mới được bàn giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Để phục vụ cho hoạt động huấn luyện thủy thủ, năm 2006 ta cũng ký hợp đồng mua một hệ thống huấn luyệ mô phỏng kíp thủy thủ sử dụng tàu tên lửa Project 1241RE/1241.8 mang tên Laguna. Việc chuyển giao thực hiện vào năm 2007.
Nhằm xây dựng lực lượng tàu ngầm để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển, năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua 6 tàu ngầm tấn công Kilo Project 636 với tổng trị giá 1,8-2 tỷ USD. Dự kiến, trong năm 2013, Việt Nam sẽ nhận 2 chiếc Kilo đầu tiên.
|
Tàu ngầm tấn công Kilo 636 của Việt Nam đang chạy thử nghiệm tại Nga. |
Ngoài việc xây dựng đội tàu chiến hiện đại trên biển, để tăng khả năng phòng thủ bờ biển, năm 2007, ta ký hợp đồng trị giá 300 triệu USD với Nga mua 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P. Đi kèm gói hợp đồng này còn có 40 tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-800 Yakhont trang bị cho hệ thống Bastion-P. Hiện ta đã nhận đủ toàn bộ hệ thống và tên lửa đưa vào trực chiến.
Hiện đại hóa phòng không – không quân
Giống như hải quân, đầu những năm 1990 lực lượng không quân được trang bị máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ 3, năng lực chiến đấu tồn tại nhiều hạn chế. Vì thế, yêu cầu cấp thiết cần tăng cường hiện đại hóa lực lượng máy bay chiến đấu.
Năm 1994, Việt Nam ký hợp đồng trị giá 180 triệu USD mua 7 tiêm kích đa năng Su-27SK từ Nga. Năm 1997, ta ký tiếp hợp đồng có giá trị tương tự mua 5 biến thể huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-27UBK.
Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao hàng, máy bay vận tải chở 2 chiếc Su-27UBK gặp nạn. Vì thế, phía Nga đã đền cho Việt Nam 2 chiếc Su-27PU (được coi là biến thể đời đầu của Su-30).
|
Tiêm kích đa năng Su-27SK của Không quân Nhân dân Việt Nam. |
Tháng 12/2003, Việt Nam ký hợp đồng trị giá 110 triệu USD mua 4 tiêm kích đa năng Su-30MK hiện đại. Tính tời thời điểm đó, đây là những chiếc chiến đấu cơ hiện đại nhất Không quân Nhân dân Việt Nam. Năm 2004, phía ta nhận đủ 4 chiếc Su-30MK.
Sau một thời gian dài sử dụng đánh giá tính năng, đầu năm 2009, ta ký hợp đồng trị giá 400 triệu USD mua 8 tiêm kích Su-30MK2 (không bao gồm vũ khí).
Tháng 2/2010, ta ký thêm hợp đồng mua 12 tiêm kích Su-30MK2 kèm vũ khí và phụ tùng với tổng trị giá 1 tỷ USD.
Sang đầu 2011, Nga mới hoàn thành hợp đồng bàn giao đủ 8 Su-30MK2 cho Không quân Nhân dân Việt Nam theo hợp đồng năm 2009. Cũng trong năm 2011, phía Nga bàn giao thêm 4 Su-30MK2 theo hợp đồng năm 2010.
Dự kiến ban đầu, 4 chiếc Su-30MK2 còn lại sẽ được chuyển giao theo hai đợt: đợt 1 vào tháng 5/2012 và đợt 2 vào tháng 12/2012. Tuy nhiên, trong quá trình bay thử nghiệm, một chiếc Su-30MK2 lắp ráp cho Việt Nam gặp nạn nên phía Nga mới chỉ hoàn thành 3 chiếc Su-30MK2 trong đợt giao tháng 5/2012.
|
Hiện nay, Việt Nam có trong trang bị 24 tiêm kích Su-30MK2. |
Sau khi khẩn trương lắp ráp, cuối tháng 12/2012 phía Nga sẽ hoàn tất việc chuyển giao một chiếc Su-30MK2 cuối cùng cho ta theo hợp đồng tháng 2/2010. Như vậy, tính tới năm nay, Không quân Nhân dân Việt Nam được biên chế đủ 24 tiêm kích Su-30MK/MK2.
Ngoài hợp đồng mua máy bay chiến đấu, năm 2002, Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua 10 trực thăng Kamov Ka-32T/S với tổng trị giá 50 triệu USD. Hợp đồng được hoàn thành vào năm 2005. Cùng năm đó, Việt Nam nhận 4 chiếc trực thăng đa năng Mil Mi-171 trị giá 16 triệu USD.
Đối với việc hiện đại hóa hệ thống phòng không, tháng 8/2003, Việt Nam ký hợp đồng trị giá khoảng 300 triệu USD với Nga mua 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1. Việc chuyển giao hoàn thành trong năm 2005.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: