Các bước tiến kỹ thuật quân sự Việt Nam (kỳ 5)

Google News

Lắp đặt hệ thống lọc nước cơ động phục vụ chiến đấu là một trong những thành tựu đáng kể của quân đội ta.

- Lắp đặt hệ thống lọc nước cơ động

[links()]
 
Tổng cục Kỹ thuật (Bộ quốc phòng) vừa nghiệm thu kết quả sửa chữa đồng bộ; lắp đặt hệ thống lọc nước cơ động xe URAL 375D.

Công trình do Xí nghiệp liên hợp Z751 trực tiếp khảo sát, nghiên cứu và thi công với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hệ thống lọc nước cơ động xe URAL 375D có công suất 5.000 lít/giờ (đối với nước sinh hoạt) và 3.000 lít/giờ (đối với nước tinh khiết). Đáng chú ý, hệ thống sử dụng nguồn nước lọc đa dạng như: nước lũ, nước sông suối, ao hồ và trong điều kiện nguồn nước không cố định, bị ô nhiễm, nhiều tạp chất, cặn bẩn, vi khuẩn, vi rút…gây ảnh hưởng sức khỏe bộ đội, nhân dân.
a
Vận hành hệ thống lọc nước cơ động xe URAL 375D tại QK5.

Sau hơn 5 tháng vận hành, sử dụng, công trình được Bộ tư lệnh Quân khu 5 đánh giá cao khả năng cơ động của xe, kết cấu bố trí của hệ thống lọc nước, công suất và chất lượng nước sau xử lý đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc gia về nước uống, nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành.

Hệ thống lọc nước cơ động xe URAL 375D rất tiện lợi cho quân đội phục vụ nước uống cho bộ đội trong hành quân dã ngoại, tập trận cấp chiến dịch, phục vụ trong chiến đấu và tham gia cứu trợ nhân dân các vùng ngập lũ…

Chế tạo máy ngắm cho pháo Mỹ

Trước tình hình bộ phận máy ngắm M21A1 trên pháo xe kéo 105mm bị hư hỏng nhiều, các cán bộ nhà máy Z133 đã tiến hành nghiên cứu cải tiến thành công thiết bị này.
Máy ngắm hướng M21A1 là bộ phận quan trọng trong hệ thống ngắm của pháo 105mm. Máy ngắm hướng dùng để lắp kính ngắm gián tiếp, lấy góc hướng và phần tử bắn gián tiếp cho pháo.

Qua quá trình khai thác, sử dụng, hiện nay số lượng cụm máy ngắm hướng M21A1 của pháo 105mm bị hư hỏng là khá lớn. Các đơn vị không có chi tiết dự phòng để thay thế nên ảnh hưởng đến tính đồng bộ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của pháo.

Việc nghiên cứu chế tạo cụm máy ngắm hướng cũng chưa đạt được nhiều kết quả tích cực vì chi tiết có kết cấu phức tạp, yêu cầu độ chính xác cao.

Đặc biệt, hệ thống đo lường của máy ngắm M21A1 sử dụng đơn vị theo tiêu chuẩn Ansi (tiêu chuẩn của Anh, Mỹ) mà không dùng hệ mét như nước ta.

Hơn nữa, tất cả các mối lắp ghép của cụm máy ngắm đều sử dụng ren hệ Anh… nên việc nghiên cứu thiết kế gặp khó khăn.

 Pháo 105mm trong đợt diễn tập bắn đạn thật.
Pháo 105mm trong đợt diễn tập bắn đạn thật.
Đáp ứng nhu cầu sửa chữa, thay thế máy ngắm hướng, các cán bộ, kỹ sư Nhà máy Z133 (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu cải tiến thành công cụm máy ngắm hướng M21A1.

Đến nay, Nhà máy Z133 đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chế tạo máy ngắm hướng từ khâu tạo phôi đến gia công các chi tiết, cụm chi tiết; tổng lắp, hiệu chỉnh trên pháo…

Sản phẩm máy ngắm hướng cải tiến (ký hiệu M21A1CT) đã được chế tạo, thử nghiệm thành công và đã được sản xuất để đồng bộ cho các lô pháo 105mm sửa chữa lớn tại Nhà máy Z133, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, trang bị.

Ca-mê-ra giám sát khu kỹ thuật

Khu kỹ thuật của Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) có diện tích rộng với số lượng hàng trăm đầu xe máy, trang bị có giá trị. Nhằm hỗ trợ cho việc canh gác, bảo đảm an toàn, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Cán bộ Trung đoàn 102 quan sát khu kỹ thuật từ phòng điều khiển trung tâm.
Cán bộ Trung đoàn 102 quan sát khu kỹ thuật từ phòng điều khiển trung tâm.

Toàn khu kỹ thuật được trang bị 8 ca-mê-ra giám sát (có khả năng nhìn đêm) ở nhiều vị trí khác nhau. Phòng điều khiển trung tâm được trang bị các màn hình LCD, bộ điều khiển ca-mê-ra và ổ cứng để lưu dữ liệu. Từ phòng điều khiển trung tâm, người chỉ huy có thể dễ dàng quan sát mọi hoạt động trong khu kỹ thuật.
 
Trường hợp khẩn cấp, khi phát hiện cháy nổ hoặc kẻ gian đột nhập, người giám sát sẽ kịp thời phát tín hiệu hoặc sử dụng hệ thống truyền thanh để báo động. Chi phí mua sắm, lắp đặt hệ thống ca-mê-ra khoảng 200 triệu đồng. Hệ thống ca-mê-ra giám sát giúp ích rất nhiều trong việc việc kiểm tra, bảo vệ khu kỹ thuật, canh gác ngày, đêm, giảm thiểu được số chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ và góp phần bảo đảm an ninh an toàn khu kỹ thuật.

Thay động cơ cho các xe quân sự

Trước tình hình các loại xe quân sự dùng động cơ xăng tiêu hao lượng nhiên liệu lớn do chủ yếu các xe máy quân sự trong biên chế đều sử dụng động cơ xăn do Liên Xô và một số nước Đông Âu, Trung Quốc sản xuất, Viện kỹ thuật cơ giới đã tiến hành nghiên cứu cải tiển thay thế bằng động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Xe máy quân sự động cơ xăng khi hoạt động tiêu thụ lượng nhiên liệu rất lớn, trong khi giá xăng ngày càng nâng cao, yêu cầu chỉ tiêu, định mức tiết kiệm xăng dầu cấp bách hơn. Để khai thác hiệu quả các loại xe máy quân sự, tiết kiệm nhiên liệu, việc nghiên cứu diesel hóa các loại xe máy động cơ xăng trở nên rất cần thiết.
Xe bọc thép chở quân BTR-152 sau cải tiến.
Xe bọc thép chở quân BTR-152 sau cải tiến.

Từ yêu cầu đặt ra, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu thiết kế cải tiến xe máy quân sự; khảo sát các loại xe máy hiện có; lựa chọn các phương án thay thế, lắp ráp động cơ diesel.

Từ kết quả nghiên cứu, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự ứng dụng nghiên cứu cải tiến, thay thế động cơ xăng bằng động cơ diesel cho nhiều loại xe máy quân sự. Nghiên cứu lắp ráp động cơ thế hệ mới chạy bằng nhiên liệu diesel công suất từ 100 đến 200 mã lực thay thế động cơ xăng của tàu cuốc phục vụ cho nhiệm vụ vận tải.

Trên hướng nghiên cứu diesel hóa các loại xe cơ giới quân sự, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã mở các đề tài nghiên cứu thiết kế, ứng dụng động cơ diesel của Liên bang Nga, Hàn Quốc lắp ráp thay thế động cơ xăng của xe ô tô URAL, ZIL-130, ZIL-131, GAZ-53, GAZ-66, xe PAZ chở quân… Đến nay đã có hàng chục xe ô tô ZIL-130, ZIL-131 được diesel hóa và cải tiến đồng bộ, đưa vào trang bị.

Ngoài ra, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự triển khai nghiên cứu cải tiến, đồng bộ thành công thế hệ xe thiết giáp BTR-152. Đây là loại xe do Liên Xô viện trợ, qua nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, việc bảo đảm kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Viện đã nghiên cứu thiết kế, tính toán, lựa chọn loại động cơ diesel tương thích về đặc tính kỹ thuật, thay thế động cơ xăng của xe; cải tiến hệ thống lái (có trợ lực), khung, mui và nội thất của xe; phục hồi, cải tiến hệ thống bơm lốp tự động, lắp thêm đèn tín hiệu, còi và đèn ưu tiên.
a
a

Xe BTR-152 sau khi đã cải tiến có tính năng kỹ thuật, chiến thuật hơn hẳn, nhất là khả năng cơ động leo dốc, tăng tốc, chuyển hướng. Xe BTR-152 còn được lắp hệ thống điều hòa, làm mát và tiện nghi hơn, bảo đảm tốt khả năng chở quân cơ động đường dài.

Binh chủng Công binh đã phối hợp với Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự nghiên cứu diesel hóa xe máy của bộ cầu nổi PMP.

Ca-nô BMK-150M là thành phần quan trọng trong việc triển khai bộ phà PMP vượt sông, sử dụng động cơ xăng, hiện nay đã xuống cấp, công suất hạn chế. Các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã nghiên cứu thiết kế, sử dụng động cơ diesel YC4F90-21 thay thế cho các động cơ xăng máy chính M70CPE. Động cơ diesel mới có tổng công suất hệ động lực lớn hơn, nhờ đó làm tăng vận tốc của ca-nô.

Qua thử nghiệm thực tế, ca-nô sử dụng động cơ diesel YC4F90-21 ưu điểm vượt trội, hoạt động tin cậy trong điều kiện khắc nghiệt. Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự hoàn thiện thiết kế, quy trình công nghệ và chuyển giao cho các nhà máy chế tạo, góp phần phục hồi các bộ cầu nổi PMP có trong trang bị của quân đội ta.

Trên cơ sở diesel hóa ca-nô BMK-150M, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự tiếp tục triển khai diesel hóa các loại động cơ xăng của trang bị xe máy công binh, góp phần bảo đảm trang bị phục vụ huấn luyện, bảo đảm cơ động vượt sông của Quân đội ta.
 
Yến Phạm (theo Báo Quân đội Nhân dân)
 
[links()]
 

Bình luận(0)