Đất nước trọn niềm vui - cố nhạc sĩ Hoàng Hà
"Đất nước trọn niềm vui" là bài hát nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Hoàng Hà. Đây cũng là một trong những bài hát hay nhất trong số các ca khúc viết về ngày đại thắng 30/4.
"Đất nước trọn niềm vui" được cố nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày hôm sau và được thể hiện lần đầu tiên bởi ca sĩ Trung Kiên. Bài hát được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
|
NSND Trung Kiên là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc "Đất nước trọn niềm vui". |
Xem clip NSND Trung Kiên hát ca khúc "Đất nước trọn niềm vui":
Lúc đó, nhiều người đã tưởng lầm rằng bài "Đất nước trọn niềm vui" được nhạc sĩ Hoàng Hà viết sau khi đã đến Sài Gòn. Tuy nhiên, cố nhạc sĩ sáng tác bài hát này khi đang ở Hà Nội. Hai năm sau, 1977 ông mới đến Sài Gòn lần đầu tiên.
Tên bài hát "Đất nước trọn niềm vui" về sau đã được chọn làm tên của một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về đề tài sự kiện 30/4/1975.
Một điều đáng chú ý khác, khi sáng tác bài "Đất nước trọn niềm vui", ban đầu tác giả định ký bút danh Cẩm La nhưng nhạc sĩ Triều Dâng vì thấy ca khúc này rất hay, có tính thời sự và khái quát cao nên đã đề nghị "Bài này phải ký tên Hoàng Hà".
Nhạc phẩm là tiếng lòng của tác giả, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
“Hội toàn thắng náo nức đất nước/Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/Tổ quốc anh hùng”.
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - nhạc sĩ Phạm Tuyên
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đêm 28/4/1975 và được thu âm ngay trong chiều ngày 30/4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Cùng với "Đất nước trọn niềm vui", đây là ca khúc không thể thiếu khi nhắc đến ngày đại thắng.
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, bản tin chiều ngày 28/4/1975 của Đài tiếng nói Việt Nam về hành động oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất của phi công Nguyễn Thành Trung là cú hích quan trọng để ông cho ra đời bài hát này.
|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
Xem clip "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng":
"Trong nguồn cảm hứng dào dạt, hai tiếng đồng hồ sau bài hát được hoàn thành, không cần sửa một câu, một chữ. Hôm sau khi tôi đưa hội đồng duyệt, anh em đùa: "Sao giống như bài hát viết cho thiếu nhi!" và định để dành đến 7/5 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mời dàn dựng. Không ngờ thắng lợi nhanh đến thế! 30/4, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập", nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.
Trong những giây phút trọng đại của lịch sử, ca khúc nhanh chóng được đưa đi dàn dựng và phát sóng. Suốt đêm hôm ấy, mỗi lần đọc xong tin thắng trận, bài hát lại cất lên vang dội qua làn sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam.
Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh - nhạc sĩ Xuân Hồng
Ra đời vào năm 1978 khi đất nước đã hoàn toàn tự do, nhạc phầm "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" của cố nhạc sĩ Xuân Hồng cũng là một nhạc phẩm hay viết về ngày vui của dân tộc.
Xem clip ca khúc "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" qua giọng hát của NSND Lê Dung:
Ngoài ca khúc "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh", nhạc sĩ Xuân Hồng còn nổi tiếng với những nhạc phẩm: "Bài ca may áo", "Xuân chiến khu", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"...
Giải phóng miền Nam - Huỳnh Minh Siêng
Huỳnh Minh Siêng là bút danh của nhóm bộ ba Huỳnh Văn Tiểng - Mai Văn Bộ - Lưu Hữu Phước. Ba nhạc sĩ này được Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và họ đã sáng tác bài hát "Giải phóng miền Nam". Ca khúc do nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ viết lời còn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đảm nhận phần viết nhạc.
Xem clip ca khúc "Giải phóng miền Nam":
Sau khi hoàn thiện, để bí mật, bộ ba này đã đặt tên tác giả ca khúc là "Huỳnh Minh Liêng", nhưng khi in, người sắp chữ đã nhầm chữ L thành chữ S. Ra đời năm 1961, ca khúc là lời thôi thúc, hiệu triệu người dân Việt Nam vùng lên đấu tranh, giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Ngoài ca khúc "Giải phóng miền Nam" sáng tác chung, cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là tác giả của nhiều bản hùng ca nổi tiếng, trong đó có nhạc phẩm "Tiến về Sài Gòn". Nhạc phẩm này do NSƯT Quang Hưng là người thể hiện đầu tiên.
Xem clip ca khúc "Tiến về Sài Gòn":