>>> Mời quý độc giả xem video "Cô gái hát đà đá đa lĩnh 100 triệu của Thách thức danh hài". Nguồn Youtube: |
|
Đi thi gameshow hài chọc cười chốc nhát có cơ hội ẵm giải thưởng cả chục triệu, trăm triệu... còn những cuộc thi tri thức buộc người tham gia phải cân não, qua hết vòng nọ đến vòng kia mà giải thưởng vẫn lẹt đẹt chưa vượt quá con số 10 triệu đồng là thực tế không hề xa lạ.
Không riêng gì những chương trình quy mô như "Đường lên đỉnh Olympia" mà đến cả các game show kiến thức như: Đừng để tiền rơi, Ai là triệu phú người chơi phải qua nhiều vòng tuyển chọn, cân não từ đầu chương trình đến cuối chương trình nhiều khi còn ra về tay không thì các thể loại "hài nhảm", chọc cười dễ dãi, có phần dung tục trên sóng truyền hình mà tính ra người chơi chỉ mất khoảng 10 - 15 phút với giải thưởng "khủng" thành một nghịch lý, trào lưu đua nhau diễn hài nhảm để kiếm tiền.
Đầu năm 2017, giải quán quân của chương trình "Thách thức danh hài" trị giá 150 triệu đồng được trao cho "hot boy trà sữa" Tấn Lợi. Ngay sau khi kết quả được công bố, dư luận đã phản ứng gay gắt vì nhân vật này ở cả ba phần thi đều không mấy nổi bật, chọc cười khán giả bằng ngôn từ có phần tục tĩu.
|
Giải thưởng gây tranh cãi trong Thách thức danh hài |
Riêng chuyện nói tục mà ẵm giải thưởng 150 triệu đồng như điều không tưởng nhưng tại sao chuyện tệ hại ấy lại được xuất hiện trên sóng truyền hình là câu hỏi mà đa số khán giả đã đặt ra. Liệu phía sau giá trị giải thưởng "khủng" ấy còn chứa đựng những "bí mật" gì khác?
Sau khi “hot boy trà sữa” dễ dàng nhận được phần thưởng khủng, nhiều người có khiếu hài hước đã đổ xô đăng ký thi "hài nhảm" với tham vọng đổi đời qua những game show đang bùng nổ.
Càng nhiều người đăng ký dự thi thì rating (đơn vị đo lường khán giả) của chương trình càng tăng vọt và lẽ tất nhiên doanh thu quảng cáo cũng sẽ tăng gấp bội. Nếu so giữa giá trị giải thưởng và lợi nhuận đổ về đơn vị sản xuất sẽ có chênh lệch đáng kể.
Hay như trong tập 9 của chương trình "Thách thức danh hài", cô gái giành 100 triệu chỉ hát mỗi khúc dạo đầu ca khúc "Nhiều người ôm giấc mơ" của Lê Cát Trọng Lý với các âm thanh "đa đa đa" thì Trấn Thành, Trường Giang đã cười nghiêng ngả. Có vẻ như chiến thắng đã đến với cô gái này quá dễ dàng và có sự ưu ái nên không ít khán giả bày tỏ sự bất bình vì phần thưởng 100 triệu như một "trò đùa" cho màn diễn ngây ngô, "không có gì để cười!".
Thực chất, tất cả các game show đều phục vụ lợi ích của nhà sản xuất mà trong đó thí sinh hay giám khảo cũng chỉ như một thành phần góp mặt. Chương trình nào khi kết thúc họ đều muốn tạo ra một sự "bất công", tranh cãi, thậm chí càng tranh cãi, chương trình càng thu hút. Việc chịu đựng chê bai, chỉ trích là chính các thí sinh, nghệ sĩ "đứng mũi chịu sào".
Đã có một phép so sánh rằng, vào những năm 2000 - thời điểm chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" khởi động, một bát phở có giá khoảng 3.000 đồng, sau 15 năm, giá cả tăng gấp 10 lần nhưng giải thưởng cho ngôi vị quán quân vẫn không hề thay đổi. Chưa kể, với giải thưởng cho quán quân cuộc thi năm, nếu quán quân không dùng số tiền này để đi du học thì họ cũng không được nhận tiền mặt. Và tất nhiên, theo dõi cuộc thi này, ai cũng thấy rằng, để nhận được giải nhất tuần, chưa nói nhất năm, đã không hề đơn giản.
Ấy vậy nhưng vấn đề vật chất lại trở nên dễ dãi ở những gameshow đang tràn lan, rầm rộ trên sóng truyền hình. Cách đây 10 năm, trò chơi truyền hình với mức thưởng lên đến 50 triệu đồng đã được xem là quá "khủng" thì nay cuộc đua giải thưởng đã tăng lên bạc tỷ dù điều đó không đồng nghĩa với chất lượng tăng theo.
Sức hấp dẫn của câu chuyện kiếm tiền từ gameshow hài dẫn tới việc ra đời một đội ngũ những người chuyên "làm nghề" đi thi diễn hài nhảm, show nào cũng thấy mặt.
"Gameshow bùng nổ với tỉ lệ người xem rất cao khiến chúng ta ngộ nhận mặt bằng văn hóa là người dân thích tiếp nhận những điều đó", đó là trăn trở của NSND Hồng Vân, Giám đốc sân khấu Kịch Phú Nhuận.
Nghệ sĩ Hồng Vân tiếp tục đưa ra so sánh lấy 100 triệu đồng của chương trình "Thách thức danh hài" quá dễ, chỉ cần lên “chọc lét” Trấn Thành trong khi những gameshow đầu tiên trên truyền hình như "Chiếc nón kỳ diệu", "Đường lên đỉnh Olympia" thì để lấy 10 triệu đồng phải vắt óc.
Nghịch lý ấy đã và đang tiếp tục diễn ra. Vẫn biết đó là sự chênh lệch, dễ dãi, thậm chí là "xúc phạm" đến những giá trị trí tuệ, văn hóa nhưng để giải quyết là cả một câu chuyện không hề đơn giản.