Sự nghiệp ca hát, giảng dạy của NSND Trung Kiên

Google News

NSND Trung Kiên qua đời ở tuổi 82. Sinh thời, ông từng thể hiện nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng. Ngoài ra, cố nghệ sĩ còn là người thầy của bao thế thệ học trò ca sĩ.
 

>>> Mời quý độc giả xem video "NSND Trung Kiên hát Tình ca". Nguồn Vietnamnet: 
 
NSND Trung Kiên qua đời vào sáng ngày 27/1, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam bởi ông là một trong những giọng ca hàng đầu, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật.
Theo Văn nghệ công an online, nghệ sĩ Trung Kiên là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Khi ông còn nhỏ, bố của ông đã hy sinh. Mẹ của nghệ sĩ Trung Kiên tần tảo nuôi con trai khôn lớn.
Những năm 1954 – 1956, nghệ sĩ Trung Kiên sinh hoạt các ban ca thanh niên, sinh viên rồi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). 
Sang năm thứ 3, nghệ sĩ Trung Kiên được đi học ở Liên Xô. Nghệ sĩ Trung Kiên cho biết, ông sang Liên Xô học đến 3 lần: học đại học, cao học và trường Đảng. Đi học đại học ở Liên Xô từ năm 1962, năm 1964, ông phải về nước theo chủ trương chung.
Ba năm sau đó, nghệ sĩ Trung Kiên cùng các văn nghệ sĩ tập hợp thành các đoàn xung kích, đi chiến trường, biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong. Sau này, ông cùng vợ - nghệ sĩ Thanh Nga có nhiều chuyến đi phục vụ chiến trường.
Su nghiep ca hat, giang day cua NSND Trung Kien
NSND Trung Kiên. Ảnh:  Văn nghệ công an online
Cuối tháng 4/1975, nghệ sĩ Trung Kiên công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc đó, ông và nghệ sĩ Quý Dương cả ngày ở đài để thu bài hát mới. Chỉ sau 10 ngày đất nước thống nhất, vợ chồng nghệ sĩ Trung Kiên nhận lệnh vào miền Nam phục vụ về văn hóa, nghệ thuật.
Theo Sài Gòn giải phóng online, nghệ sĩ Trung Kiên sở hữu chất giọng nam cao hiếm có. Ông hát như có lửa trong giọng hát, cao vút mà vẫn hết sức ấm áp, khỏe khoắn, thể hiện được trọn vẹn tinh thần, khí thế của những ca khúc do ông thể hiện.
Nghệ sĩ Trung Kiên là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và dòng nhạc đỏ, thính phòng nói riêng.
Loạt ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông gồm: "Đất nước trọn niềm vui", "Cô lái tàu", "Tình ca", "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn", "Chào sông Mã anh hùng", "Quà tháng Năm dâng Người", "Bài ca Trường Sơn", "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người".
Su nghiep ca hat, giang day cua NSND Trung Kien-Hinh-2
Nghệ sĩ Trung Kiên là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Ảnh: VTV
Không chỉ ca hát, nghệ sĩ Trung Kiên còn tham gia công tác giảng dạy. Trong cuộc phỏng vấn với Giáo dục & thời đại năm 2012, NSND Trung Kiên chia sẻ, dạy học tuy vất vả nhưng là niềm vui lớn.
Dưới sự giảng dạy của nghệ sĩ Trung Kiên, bao thế hệ học trò trưởng thành, nổi tiếng như Lan Anh, Đăng Dương, Trọng Tấn, Hồng Lan. Trong giảng dạy, ông phản đối kịch liệt nạn hát nhép và thường lấy đó làm điều răn cho mỗi học trò của mình.
“Thị trường âm nhạc bây giờ thật đáng lo ngại, dễ dàng lôi kéo các em. Vấn nạn hát nhép đang là tai vạ của nền âm nhạc Việt Nam nên tôi luôn khuyên các em, cái hay là con người thật và hát thật chứ đừng biến nghệ thuật thành một sản phẩm thương mại”, ông nói.
Su nghiep ca hat, giang day cua NSND Trung Kien-Hinh-3
 Nghệ sĩ Trung Kiên say mê giảng dạy. Ảnh: Văn nghệ công an online
Mới đây, khi hay tin nghệ sĩ Trung Kiên qua đời, hai người học trò của ông - NSND Thu Hiền, NSƯT Đăng Dương không khỏi đau xót, bày tỏ sự tri ân đến người thầy kính yêu của mình.
Trên Vietnamnet, NSND Thu Hiền chia sẻ: “Biết tin NSND Trung Kiên qua đời, tôi bàng hoàng quá! NSND Trung Kiên vừa là cha, là anh, vừa là đồng nghiệp đáng kính trong nghề của tôi.
Tôi ở chiến trường về, một nốt nhạc cũng không biết, chỉ hát theo tình cảm của mình với bài hát thôi. Nhưng thầy Trung Kiên dành 3 năm để dạy tôi. Tôi theo dòng nhạc dân gian hoàn toàn, còn thầy dạy chính quy Nhạc viện hát Opera. Hai dòng nhạc khác nhau nhưng thầy vẫn cần mẫn dạy tôi từ kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ". 
 NSƯT Đăng Dương cho hay: “Được học NSND Trung Kiên từ năm 1995, với tôi ông không chỉ là một người thầy mà còn là người cha thứ 2. Trong sự nghiệp âm nhạc và cả trong đời sống, NSND Trung Kiên đóng một vai trò lớn, mang lại sự thành công cho tôi ngày hôm nay.
Thầy Trung Kiên là người rất tâm huyết trong ngành giáo dục âm nhạc thính phòng, cổ điển Việt Nam. Thầy vừa là nghệ sĩ, người giảng dạy và người quản lý. Khi thầy Trung Kiên nhận thấy dòng âm nhạc truyền thống bị mai một, thầy đã không ngại chỉ bảo cho những lớp thế hệ sau như chúng tôi để thay đổi dòng nhạc chúng tôi theo đuổi dù không còn tham gia giảng dạy.
Thầy là người luôn dành tất cả những gì tốt nhất, những kiến thức bản thân tiếp thu được trong nước và ngoài nước để truyền lại cho thế hệ sau. NSND Trung Kiên nghiêm khắc trong quá trình giảng dạy nhưng chính điều đó đã góp phần đào tạo nên những người học trò giỏi”.
Thu Cúc

>> xem thêm

Bình luận(0)